Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Thị Thanh Trà nhấn mạnh: việc giải quyết thấu đáo các nội dung trong thông báo kết luận của Thường trực HĐND tỉnh đã giúp UBND tỉnh kịp thời đề ra các giải pháp thiết thực, hiệu quả tháo gỡ những “điểm nghẽn”, bất cập trong điều hành, quản lý, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh. Nhiều vấn đề đặt ra đã được đôn đốc đến cùng; khó khăn, vướng mắc kịp thời được tháo gỡ.
Giải quyết nhiều kiến nghị liên quan đến cơ chế, chính sách
Theo đó, nhiều kiến nghị, kết luận giám sát liên quan đến việc thực hiện cơ chế, chính sách trong thực tiễn đã được giải quyết kịp thời, tạo đồng thuận trong Nhân dân. Đơn cử như đối với kiến nghị về nâng mức phụ cấp đối với cán bộ thôn, tổ dân phố và người hoạt động không chuyên trách cấp xã, trên cơ sở đề xuất của UBND tỉnh, HĐND tỉnh đã xem xét, ban hành Nghị quyết số 26/2023/NQ-HĐND ngày 7.12.2023 Quy định về người hoạt động không chuyên trách; người tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố; khoán kinh phí hoạt động ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh tăng lên so với trước đây. Qua đó, đã kịp thời động viên, khuyến khích các đối tượng này yên tâm công tác.
Hay như một số vướng mắc, khó khăn trong thực hiện Quy định chính sách hỗ trợ người mắc bệnh Suy thận mạn tính phải chạy thận nhân tạo chu kỳ, bệnh Tan máu bẩm sinh (Thalassaemia), trên cơ sở đề xuất của UBND tỉnh, HĐND tỉnh Tuyên Quang đã kịp thời ban hành nghị quyết sửa đổi, bổ sung. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho những đối tượng này được thụ hưởng chính sách nhân văn đặc thù của tỉnh.
Ông Vũ Đức Thanh, xóm 7, xã Tràng Đà (thành phố Tuyên Quang) chia sẻ: gia đình ông đã nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lên Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Tuyên Quang từ tháng 6.2023 nhưng gia đình chưa nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ông đã nêu ý kiến tại buổi TXCT sau Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Tuyên Quang. Ngay sau đó, các cơ quan chức năng đã tiếp thu ý kiến và giải quyết cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, gia đình ông vô cùng phấn khởi.
Kênh thông tin quan trọng thực hiện tốt hơn công tác quản lý, điều hành
Đối với Nghị quyết số 44/NQ-HĐND về phát triển lâm nghiệp tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2016 - 2022, nghị quyết quan trọng nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án xây dựng Tuyên Quang trở thành khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao và trung tâm sản xuất và chế biến gỗ. Qua giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh cho thấy, một số chương trình, dự án ưu tiên đầu tư chậm được thực hiện; ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng, sản lượng gỗ rừng trồng còn hạn chế, ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển lâm nghiệp.
Trên cơ sở đề nghị của HĐND tỉnh qua giám sát, UBND tỉnh đã ban hành 76 văn bản chỉ đạo. Trong đó, chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND huyện, thành phố khẩn trương thực hiện các giải pháp, cam kết khắc phục tồn tại, hạn chế đã được đặt ra. Các địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền; hỗ trợ cây giống chất lượng cao, phấn đấu năm 2024, diện tích rừng được cấp mới chứng chỉ quản lý rừng bền vững trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 21.000ha.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nguyễn Đại Thành cho biết những kiến nghị giám sát của HĐND là kênh thông tin vô cùng quan trọng để ngành thực hiện tốt hơn công tác quản lý, điều hành. Điển hình như về tiến độ thực hiện kiên cố hóa kênh mương trên địa bàn tỉnh. Qua giám sát của HĐND tỉnh về chất lượng kênh mương sau lắp đặt, Sở đã chỉ đạo khắc phục chít mạch toàn bộ các đoạn kênh bị rò rỉ nước; việc đắp đất mang kênh, điều chỉnh lắp đặt cấu kiện cong vênh, độ dốc kênh không đều cơ bản khắc phục được đối với các tuyến kênh lắp đặt ở địa hình, địa chất bình thường; còn một số ít tuyến kênh lắp đặt ở những khu vực có địa hình, địa chất phức tạp, UBND các xã đang tiếp tục chỉ đạo để tổ chức khắc phục.