Tăng nguồn cung nhà ở xã hội cho người lao động thu nhập thấp
Hướng tới sự minh bạch, cân đối cung, cầu thị trường bất động sản, ngay đầu Xuân Giáp Thìn 2024, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng NGUYỄN THANH NGHỊ khẳng định: Cần tái cơ cấu thị trường bất động sản, trong đó phải bảo đảm nâng cao tỷ trọng nhà ở xã hội và nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp, khu kinh tế...Kịp thời tháo gỡ vướng mắc cho nhiều dự án bất động sản
- Thưa Bộ trưởng, năm 2023, vượt qua những khó khăn của thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án bất động sản tại các địa phương, doanh nghiệp?
- Ngay từ đầu năm 2023, thị trường bất động sản đã gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tình trạng thiếu nguồn cung, thiếu cân đối trong cơ cấu sản phẩm, phổ biến là biểu hiện dư thừa bất động sản ở các phân khúc trung, cao cấp và bất động sản du lịch. Trong khi đó, phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân và nhà ở thương mại giá phù hợp cho đối tượng thu nhập thấp, thu nhập trung bình lại thiếu nguồn cung gay gắt. Nhiều dự án bất động sản gặp vướng mắc do các thủ tục pháp lý liên quan đến đầu tư, đất đai, xây dựng… Thị trường gặp khó khăn trong huy động và tiếp cận các nguồn vốn, trong khi trái phiếu doanh nghiệp bất động sản bộc lộ nhiều tồn tại, rủi ro.
Trước tình hình trên, Bộ Xây dựng đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11.3.2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Trong đó, xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tái cơ cấu thị trường bất động sản, bảo đảm thúc đẩy nâng cao tỷ trọng nhà ở xã hội và nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, hướng tới minh bạch, cân đối cung, cầu thị trường. Thủ tướng cũng đã ban hành nhiều công điện, văn bản chỉ đạo đôn đốc các bộ, ngành và địa phương thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, yêu cầu về tái cơ cấu thị trường bất động sản.
Đặc biệt, để trực tiếp tháo gỡ cho thị trường bất động sản, các dự án bất động sản đang có những vướng mắc, Thủ tướng cũng đã quyết định thành lập Tổ công tác của Thủ tướng do Bộ Xây dựng làm cơ quan thường trực. Tổ công tác đã và đang hoạt động hiệu quả, tháo gỡ được nhiều dự án bất động sản có vướng mắc tại các địa phương. Cụ thể, tại TP. Hà Nội đã chỉ đạo và giải quyết được 419/712 dự án vướng mắc, tương đương 60% so với số lượng dự án ban đầu. Tại TP. Hồ Chí Minh, đã chỉ đạo và giải quyết được 67/180 dự án vướng mắc, chiếm 37% số lượng dự án ban đầu, trong đó có 28 dự án được tháo gỡ theo hướng dẫn của Tổ công tác và 39 dự án do địa phương chủ động rà soát, tháo gỡ theo thẩm quyền.
Tại TP. Hải Phòng, cũng đã giải quyết được khó khăn, vướng mắc trong việc chấp thuận chủ trương đầu tư cho 66 dự án, trong đó có 50 dự án nhà ở thương mại, 16 dự án nhà ở xã hội. Tại TP. Cần Thơ, đã giải quyết được khó khăn cho 17 dự án, xử lý thu hồi 4 dự án và hiện đang tiếp tục triển khai tháo gỡ cho 31 dự án, trong đó có 20 dự án khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng, 8 dự án liên quan đến định giá đất và 3 dự án gặp khó về thủ tục giao đất…
Mặt khác, trong năm qua, Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và một số bộ, ngành khác cũng đã ban hành một số thông tư hướng dẫn thực hiện cụ thể các quy định pháp luật để tháo gỡ vướng mắc cho thị trường. Đặc biệt, năm 2023, Chính phủ đã trình và được Quốc hội thông qua Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 và Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15. Hiện, Bộ Xây dựng đang khẩn trương dự thảo các văn bản hướng dẫn dưới luật để bảo đảm sự đồng bộ ngay khi luật có hiệu lực thi hành.
Thúc đẩy thị trường phát triển lành mạnh, bền vững
- Để cân đối lại cung, cầu, cơ cấu sản phẩm cho thị trường bất động sản; tăng nguồn cung, nhất là nhà ở xã hội, nhà cho người có thu nhập thấp, thu nhập trung bình, Bộ trưởng có những chia sẻ gì đối với các địa phương, doanh nghiệp để tiếp tục có những kết quả tốt hơn?
- Ngày 11.3.2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Trong đó, xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tái cơ cấu thị trường bất động sản, bảo đảm thúc đẩy nâng cao tỷ trọng nhà ở xã hội và nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, hướng tới minh bạch, cân đối cung cầu thị trường. Nghị quyết cũng đã giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng dành cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ vay với lãi suất ưu đãi từ các ngân hàng thương mại.
Đến nay, cả nước đã hoàn thành 371 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng hơn 191.300 căn, với tổng diện tích khoảng 9,6 triệu mét vuông. Riêng giai đoạn 2021 - 2025, triển khai nhiệm vụ của Đề án, cả nước đã có 495 dự án nhà ở xã hội với quy mô gần 403.000 căn, trong đó đã hoàn thành 70 dự án với quy mô gần 35.600 căn; khởi công xây dựng 127 dự án với quy mô gần 107.900 căn; chấp thuận chủ trương đầu tư 298 dự án với quy mô hơn 259.400 căn. Triển khai gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng, hiện đã có 27 tỉnh công bố danh mục 63 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng với nhu cầu vay vốn khoảng 28.000 tỷ đồng.
Ngày 3.4.2023, Bộ Xây dựng đã tham mưu, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030” với các yêu cầu, chỉ tiêu cụ thể để các bộ, ngành, địa phương bám sát triển khai thực hiện.
Để thực hiện đúng mục tiêu Đề án đã đặt ra tới năm 2030, các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp cần tiếp tục bám sát, thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ của Đề án, đặc biệt là rà soát, điều chỉnh quy hoạch, bố trí quỹ đất, cải cách thủ tục hành chính… cho các dự án nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, rất cần sự chủ động, quyết liệt hơn nữa của Ngân hàng Nhà nước trong việc triển khai gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng.
Ứng phó căn cơ, kịp thời khi có những biến động bất thường
- Bước sang năm 2024 trong bối cảnh thị trường bất động sản dự báo còn nhiều biến động khó lường, Bộ Xây dựng đã có những định hướng, giải pháp gì để ứng phó kịp thời, xử lý những vấn đề “nóng” phát sinh, thưa Bộ trưởng?
- Thị trường bất động sản đã bắt đầu có dấu hiệu tích cực trở lại từ quý III.2023 và dự báo sẽ cải thiện dần trong thời gian tới. Trong đó, nguồn cung bất động sản có sự tăng trưởng rõ rệt, với số lượng dự án nhà ở thương mại hoàn thành trong quý III tăng hơn 3 lần; số lượng dự án đầu tư xây dựng hạ tầng để chuyển nhượng quyền sử dụng đất xây dựng nhà ở tăng khoảng 150%; số lượng dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai là 47 dự án với hơn 8.200 căn hộ, tăng 132% số căn hộ.
Các dấu hiệu tích cực của thị trường bất động sản đặt ra kỳ vọng thị trường dần phục hồi và phát triển trở lại trong năm 2024. Tuy nhiên, vẫn cần được theo dõi chặt chẽ để có những giải pháp ứng phó căn cơ, kịp thời khi có những biến động bất thường. Hiện, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Trong đó, xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp nhằm điều hành thị trường bất động sản trong mọi kịch bản, diễn biến có thể xảy ra.
Để các nhiệm vụ, giải pháp này thực sự đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả, các bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp bất động sản cần bám sát các nhiệm vụ được giao, chủ động và quyết liệt trong triển khai thực hiện. Trong đó, nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, kiên quyết khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, thực hiện nghiêm phương châm cấp nào xử lý đúng nhiệm vụ của cấp đó.
Về phía Bộ Xây dựng, sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến của thị trường bất động sản để kịp thời có giải pháp ứng phó và tham mưu cho cấp có thẩm quyền quyết định các giải pháp điều hành thị trường bất động sản nhằm bảo đảm mục tiêu phát triển lành mạnh, bền vững.
- Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!