Quyết liệt, thực chất trong giám sát
- Giám sát là một trong hai chức năng quan trọng của HĐND - cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, góp phần quan trọng kiểm soát quyền lực nhà nước, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của cử tri, Nhân dân. Xin bà chia sẻ những kết quả nổi bật trong thực hiện chức năng giám sát của HĐND tỉnhPhú Yên từ đầu nhiệm kỳ đến nay?
- Để bảo đảm tính thượng tôn của Hiến pháp và pháp luật, nâng cao tính minh bạch, trách nhiệm giải trình, góp phần xây dựng nền hành chính phục vụ Nhân dân, nhiệm vụ giám sát của HĐND cực kỳ quan trọng, góp phần kiểm soát quyền lực nhà nước, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của cử tri, Nhân dân. Thực hiện trọng trách này, hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các ban HĐND tỉnh Phú Yên thời gian qua được tập trung thực hiện với nhiều đổi mới, nâng cao về chất lượng theo hướng rút ngắn thời gian nghe báo cáo của đơn vị giám sát, tăng cường khảo sát thực tế, nắm bắt những vấn đề thực tiễn đặt ra, góp phần thúc đẩy các chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của HĐND tỉnh được thực hiện nghiêm túc.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thường trực, các Ban HĐND tỉnhđã tổ chức 17 cuộc giám sát chuyên đề, tập trung vào việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển của tỉnh, những vấn đề được cử tri và dư luận quan tâm. Đáng chú ý, việc giám sát thông qua hoạt động chất vấn có nhiều đổi mới, các phiên chất vấn và trả lời chất vấn được truyền hình, phát thanh trực tiếp để Nhân dân và cử tri theo dõi. Trên cơ sở những vấn đề nổi cộm, bức xúc của địa phương cử tri quan tâm, các đại biểu HĐND tỉnh chủ động nghiên cứu, lựa chọn các vấn đề cấp thiết, quan trọng để đặt vấn đề chất vấn sát đúng với thực tế. Điển hình là phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh Khóa VIII (kỳ họp thường lệ cuối năm 2023) thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm của cả người hỏi và trả lời. Với tinh thần quyết liệt, thực chất trong thực hiện, Chủ tọa yêu cầu UBND tỉnh, các sở, ban, ngành và địa phương sớm giải quyết dứt điểm các nội dung chất vấn, nhất là những vấn đề đông đảo cử tri quan tâm như: về công tác phòng, chống tham nhũng; quản lý hoạt động khai thác khoáng sản; tội phạm công nghệ cao, tội phạm trên không gian mạng…
Thông qua giám sát, Thường trực, các ban và đại biểu HĐND tỉnh đã nắm bắt kịp thời tình hình hoạt động, phát hiện những bất cập, vướng mắc trong các chính sách, pháp luật cũng như những hạn chế, tồn tại trong công tác quản lý nhà nước, đưa ra các kiến nghị đối với các cấp có thẩm quyền và các địa phương, đơn vị liên quan nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, kịp thời khắc phục những hạn chế, tồn tại trong quá trình triển khai thực hiện.
- Không chỉ đánh giá đúng, đề ra những kiến nghị thiết thực, khả thi, tinh thần quyết liệt, thực chất còn được thể hiện ở việc tăng cường đôn đốc thực hiện các kiến nghị sau giám sát để phát huy hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát quyền lực, thưa bà?
- Để các kết luận, kiến nghị sau giám sát sớm được thực thi, Thường trực HĐND tỉnh PhúYên thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc thực hiện các thông báo kết luận sau giám sát, nhất là việc thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh, những nội dung cử tri quan tâm, những vấn đề bức xúc trên các lĩnh vực. Các kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát của các cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát được đăng tải công khai trên Trang thông tin điện tử của HĐND tỉnh. Vì vậy, nhiều kiến nghị đã được tiếp thu, giải quyết bảo đảm kịp thời, thấu tình, đạt lý, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh và sự kỳ vọng của cử tri.
Đặc biệt, trong chuyên đề giám sát năm 2023 về tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2023, bên cạnh kết quả đạt được, Thường trực HĐND tỉnh đã chỉ ra những hạn chế, vướng mắc, kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành, Trung ương xem xét, chỉ đạo thực hiện việc phân bổ vốn ngân sách Trung ương cho Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững (hiện đạt rất thấp so với kế hoạch) tương tự như Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới. Đó là phân bổ vốn về địa phương tự triển khai thực hiện, không phân bổ cụ thể từng dự án và tiểu dự án giúp địa phương chủ động và tập trung nguồn lực. Kiến nghị này đã được Chính phủ ghi nhận, chỉ đạo thực hiện.
Bảo đảmquyền, lợi ích chính đáng của người dân
-Trong hoạt động của cơ quan dân cử, tiếp công dân chính là một cơ chế để đại biểu dân cử thực hiện vai trò đại diện của mình. Đây cũng chính là nội dung được Thường trực HĐND tỉnh Phú Yên đặc biệt quan tâm, thưa bà?
- Tiếp công dân là công tác quan trọng của Đảng, Nhà nước và các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị; làm tốt công tác tiếp công dân chính là thể hiện bản chất dân chủ của Nhà nước, tăng cường mối quan hệ và củng cố lòng tin của Nhân dân vào Đảng và Nhà nước. Đối với đại biểu dân cử, hoạt động tiếp công dân (cũng như hoạt động tiếp xúc cử tri) có thể ví như việc bắc những nhịp cầu nối liền công dân với chính quyền và nối liền giữa công dân với chính bản thân đại biểu. Thông qua đó, những thông tin rất “nóng hổi” từ những điều đang diễn ra xung quanh cuộc sống người dân đã trở thành hành trang quý, vốn sống sinh động để đại biểu mang đến nghị trường và thực hiện hai chức năng: giám sát và quyết định. Đây chính là cơ chế để đại biểu dân cử thực hiện vai trò đại diện của mình.
Nhận thức rõ vai trò quan trọng đó, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Thường trực HĐND tỉnh PhúYên đã ban hành Quy chế tiếp công dân của Thường trực HĐND, đại biểu HĐND tỉnh Khóa VIII; trong đó,quy định rõ việc tăng cường trách nhiệm của các Ban, đại biểu HĐND tỉnh tiếp công dân tại địa phương nơi đại biểu ứng cử. Thông qua tiếp dân, các vấn đề Nhân dân kiến nghị, phản ánh đều được HĐND tỉnh và các đại biểu HĐND tiếp thu, chuyển tải đến các cơ quan liên quan để xem xét, xử lý và đều được theo dõi, giám sát việc thực hiện; đồng thời, chỉ đạo các Ban HĐND tỉnh tổ chức khảo sát, nắm tình hình để tham mưu, đề xuất hướng giải quyết đối với những trường hợp phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài, bức xúc.
- Cùng với lắng nghe, ghi nhận, việc tiếp nhận, đôn đốc xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân cũng được đặc biệt chú trọng, thưa bà?
- Việc tiếp nhận, đôn đốc xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân được HĐND tỉnh đặc biệt chú trọng nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, đồng thời phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Thường trực HĐND tỉnh đã phân công Ban Pháp chế HĐND chủ trì, phối hợp với Văn phòng, bộ phận tham mưu thường xuyên theo dõi, đôn đốc, giám sát việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân. Đối với vụ việc phức tạp đều được nghiên cứu kỹ lưỡng, xây dựng báo cáo kết quả theo dõi, giám sát trình Thường trực HĐND tỉnh xem xét, trong đó có kiến nghị cụ thể phương hướng và biện pháp giải quyết.
Trong năm 2023, Thường trực HĐND tỉnh đã tiếp nhận xử lý 173 đơn, thư của công dân; nhiều nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị đã được các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết kịp thời. Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức hội nghị chuyên đề bàn về công tác tiếp công dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân của các cấp, ngành và kiến nghị nhiều giải pháp khắc phục. Việc theo dõi, đôn đốc các cơ quan chức năng giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo được quan tâm bằng nhiều hình thức phù hợp, qua đó, một số vụ việc phức tạp, kéo dài đã được giải quyết dứt điểm.
Thực tế đã minh chứng, thực hiện tốt công tác tiếp dân và đôn đốc giải quyết đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, xứng đáng với trọng trách là cơ quan dân cử ở địa phương.
- Xin trân trọng cảm ơnbà!