Ngày nay, các nước trên thế giới đều xem thể chế và cải cách thể chế như một động lực mạnh mẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển các giá trị của nền dân chủ và các mặt khác của đời sống xã hội. Ở nước ta, sau gần 80 năm lập quốc và hơn 37 năm thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển luôn được xác định là khâu đột phá, ưu tiên hàng đầu trong chiến lược xây dựng đất nước.
Đổi mới cơ chế quản lý, cải cách thể chế kinh tế
Nhìn lại thời kỳ sau chiến tranh và thập niên 1980, 1990, khi cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới, chúng ta đã phải trải qua chặng đường đầy cam go của cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội tưởng chừng khó vượt qua. Nguyên nhân do duy trì quá lâu cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp, chính sách bình quân, chia cắt thị trường... đã làm cho sản xuất trì trệ, đình đốn, lạm phát phi mã; tệ nạn và tiêu cực xã hội phát sinh ngày càng tăng; lòng tin của người dân bị lung lay, suy giảm. Mặt khác, những biến động chính trị trên thế giới và chính sách bao vây, cấm vận của nước ngoài làm cho tình hình kinh tế - xã hội nước ta càng thêm khó khăn gấp bội.
Để đứng vững và thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế lúc bấy giờ, Đảng ta đã tìm tòi, sáng tạo, thử nghiệm, đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nướcbắt đầu từ Đại hội VI (1986), trọng tâm là đổi mớicơ chế quản lý kinh tế, chuyển sang nền sản xuất hàng hóa; kiên quyết xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp; thực hiện cả nước là một thị trường thống nhất, nhiều thành phần kinh tế... Nhờ vậy, đã tạo nên động lực to lớn, giải phóng lực lượng sản xuất, phát huy các tiềm năng, nội lực của đất nước, vực dậy nền kinh tế đang suy yếu trong khủng hoảng. Từ đó đến nay, đổi mới cơ chế, cải cách thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN được tiến hành liên tục, mạnh mẽ với những bước đột phá quan trọng nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh; đồng thời, làm cơ sở kinh tế cho cải cách chính trị và hệ thống chính trị trước yêu cầu thực tiễn.
Cử tri và Nhân dân phấn khởi và càng thêm tin tưởng trước những thành tựu cải cách thể chế kinh tế ở nước ta trong mấy thập kỷ qua; đã góp phần đưa nước ta ra khỏi tình trạng nước nghèo kém phát triển, trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, củng cố quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả đối ngoại, hội nhập sâu rộng và toàn diện với kinh tế quốc tế.
Đột phá rộng mở con đường phát triển các giá trị nền dân chủ
Cải cách thể chế chính trị cũng được tiến hành đồng thời. Trong đó, cải cách thể chế nhà nước, trước hết là thể chế nền hành chính được coi là một trong những đột phá chiến lược, góp phầnrộng mở con đường phát triển các giá trị của nền dân chủ, hướng đến mục tiêu xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Từ sau Đại hội VII (1991) của Đảng, trước yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới, Nghị quyết Hội nghị TW 8 (1.1995) về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, trọng tâm là cải cách một bước nền hành chính đã đặt nền tảng cho tiến trình cải cách thể chế hành chính nhà nước gắn với cải cách lập pháp, cải cách tư pháp, đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng trong giai đoạn mới.
Đến nay, các Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 - 2010, 2011 - 2020 và giai đoạn 2021 - 2030 gắn với thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 đã đạt được những thành tựu quan trọng, khẳng định vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN bằng việc tạo lập khung khổ pháp lý, môi trường đầu tưcho hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển. Theo báo cáo của Chính phủ, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2011 tăng 5,89%, đến năm 2019 đạt kết quả ấn tượng với tốc độ tăng 7,02%. Đầu tư trực tiếp nước ngoài hàng năm tăng cả số dự án và vốn thực hiện. Số doanh nghiệp thành lập mới năm 2019 tăng hơn 60.600 doanh nghiệp so với năm 2011; năm 2023 tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế với gần 160.000 doanh nghiệp mới, tăng 7,2% so với năm 2022, gấp 1,2 lần mức bình quân giai đoạn 2017 - 2022…
Thành công của các Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước đã đưa nền quản lý công quốc giachuyển dần từ quản lý công truyền thống sang quản lý công mới (hành chính phát triển), không ngừng hướng đến mục tiêu cao nhất là niềm tin và sự hài lòng của người dân.
Để giữ vững định hướng chính trị, bảo đảm nguyên tắc tất cả quyền lực thuộc về Nhân dân, các cải cách về thể chế tổ chức, hoạt động của Quốc hội, HĐND cũng được tiến hành đồng bộ nhằm phát huy vai trò làm chủ và quyền của Nhân dân tham gia quản lý, giám sát hoạt động của nhà nước, coi cơ quan dân cử đại diện cho quyền lực của Nhân dân là hiện thân sinh động của nền dân chủ, góp phần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Từ năm 1981 đến nay, đã có 5 Luật Tổ chức Quốc hội và 6 Luật Tổ chức HĐND và UBND (nay là Luật Tổ chức chính quyền địa phương) được ban hành, phù hợp với tiến trình phát triển thể chế dân chủ. Cùng với đó, những quy định về bầu cử, ứng cử, hiệp thương giới thiệu người ứng cử vào các cơ quan quyền lực nhà nước, tăng số đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND chuyên trách... cũng không ngừng được hoàn thiện.
Sớm hoàn thiện cơ chế kiểm soát thực hiện quyền lực nhà nước
Tuy vậy, cải cách thể chế tổ chức bộ máy nhà nước, hệ thống pháp luật còn một số bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Quyền lực nhà nước chưa được kiểm soát hiệu quả, cơ chế kiểm soát quyền lực chưa hoàn thiện; cải cách hành chính, cải cách tư pháp chưa đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước; phong cách, lề lối làm việc của bộ máy chưa đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Tính ổn định và khả năng dự báo trong một số lĩnh vực chưa cao; một số quy định chưa đồng bộ, thống nhất, khả thi, thậm chí còn có nội dung chồng chéo, mâu thuẫn, còn có biểu hiện lợi ích cục bộ, chưa tạo được bước đột phá trong huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển. Tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh chưa được khắc phục triệt để.
Trước yêu cầu mới, vấn đề xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế có vai trò, ý nghĩa hết sức quan trọng, là một trong ba đột phá chiến lược phát triển đất nước bền vững đã được Đảng ta đề ra từ Đại hội XI, tiếp tục được xác định là khâu đột phá trọng tâm, ưu tiên hàng đầu trong nhiệm kỳ Đại hội XIII và giai đoạn 2021 - 2030.
Trước mắt, để thực hiện đạt mục tiêu công tác xây dựng pháp luật theo Kết luận số 19-KL/TW của Bộ chính trị về định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Cùng với yêu cầu tập trung xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định và có sức cạnh tranh quốc tế, lấy quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm nhằm khơi thông nguồn lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững kinh tế, xã hội và quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước trong tình hình mới.
Song song đó, cử tri và Nhân dân kỳ vọng sớm hoàn thiện cơ chế tăng cường giám sát, kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phòng chống hiệu quả và xử nghiêm nạn tiêu cực, tham nhũng ,"lợi ích nhóm", tha hóa quyền lực. Đề cao giá trị đạo đức trong cơ chế thực thi công vụ và pháp luật gắn với thể chế, chính sách đãi ngộ, khuyến khích, bảo vệ cán bộ vì dân, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Bởi vì, suy cho cùng, thể chế, pháp luật, cơ chế vận hành đều do con người, vì con người.