Thế Nước Rồng bay
*****
TS. NHỊ LÊ - Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản
*
* *
Hồi tưởng và nhìn lại năm 2023, tình hình thế giới tiếp tục có nhiều biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường, chưa từng có tiền lệ, khó khăn, thách thức nhiều hơn, lớn hơn so với thời cơ, thuận lợi và so với dự báo. Những thách thức hậu đại dịch Covid-19, những cuộc khủng hoảng cục bộ, rất phức tạp, không chỉ ở khu vực, châu lục mà mang tầm mức toàn cầu. Kinh tế thế giới đang trầm lắng, với triển vọng tiêu cực. Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), các rủi ro có xu hướng tác động tiêu cực, nhất là suy thoái kinh tế toàn cầu sâu sắc hơn, xu hướng tiếp tục thắt chặt tiền tệ ở các đối tác thương mại lớn và sự leo thang trong cuộc xung đột Nga - Ukraine và ở Trung Đông ngày càng phức tạp. Ủy ban châu Âu (EC) vừa hạ dự báo tăng trưởng khu vực này xuống 0,8% so với mức 1% vừa được dự báo mùa Xuân. Và, Ngân hàng Thế giới (WB) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của các nước đang phát triển thuộc khu vực Đông Á và Thái Bình Dương do nhu cầu toàn cầu trì trệ, lãi suất vẫn cao và hoạt động thương mại suy giảm. Theo Báo cáo của Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển, tháng 10.2023, dự báo kinh tế thế giới năm 2023, chỉ tăng 2,4%, giảm so với mức 3% của năm 2022 và ít có dấu hiệu hồi phục trong năm 2024. Và, báo cáo mới nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 đạt 3%.
Sự đan xen sâu rộng giữa các xu thế: đa cực, phân mảnh, hình thành các tập hợp lực lượng mới đối trọng nhau; hợp tác và xung đột, đối đầu… Rủi ro an ninh, chính trị leo thang; kinh tế trì trệ, lạm phát, chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy, đầu tư suy giảm; vòng xoáy cạnh tranh phức tạp, gay gắt nhất kể từ sau Chiến tranh lạnh… Kinh tế thế giới đang ở ngã ba đường với nhiều thách thức, bất bình đẳng gia tăng, thị trường bị thu hẹp, tăng trưởng chậm lại và thiếu phối hợp chính sách làm gia tăng quan ngại với con đường tiến về phía trước.
Ở trong nước, chúng ta vẫn phải tiếp tục đối mặt với những ảnh hưởng tiêu cực đó, rất nặng nề, có nguy cơ cản bước đối với việc triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của nước ta. Những "tác động kép" từ các yếu tố tiêu cực bên ngoài đó đối với nền kinh tế có độ mở cao như nước ta càng sâu sắc và nặng nề. Nhất là những tồn tại, hạn chế, yếu kém nội tại, kéo dài từ lâu của nền kinh tế tiếp tục bộc lộ rõ và gay gắt hơn trong quá trình khắc phục hậu quả của đại dịch Covid-19.
Tất cả tác động xấu một cách sâu rộng từ nhiều phía, ở nhiều cấp độ và có nguy cơ gây ảnh hưởng rất bất lợi, nguy cơ khiến cho đất nước rơi vào thụt lùi về nhiều mặt.
Nhưng, vượt lên tất cả, năm 2023, Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng GDP ở mức 5,05%, dù thấp hơn chỉ tiêu đề ra (khoảng 6,5%) nhưng vẫn là mức khá cao so với nhiều nước trên thế giới và là một trong những quốc gia tăng trưởng cao nhất khu vực Đông Nam Á (so với Indonesia 5%, Malaysia 4,5%, Thái Lan 3,5%...). Tỷ lệ thất nghiệp giảm trong năm 2022 giúp thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng; tỷ lệ nợ Chính phủ năm 2023 dự kiến 35% GDP, giảm khoảng 1,3 điểm phần trăm so với 2022. Việt Nam tăng trưởng mạnh và lạm phát duy trì vẫn ở mức thấp với 3,5%, không sa vào cuộc đánh đổi “đỏ đen” giữa tăng trưởng và lạm phát.
Nền tảng vĩ mô ổn định, lạm phát hạ nhiệt, cầu tiêu dùng tăng, giải ngân vốn đầu tư công nhiều chuyển biến tích cực… là những "điểm sáng" của kinh tế Việt Nam trong năm 2023 và dự báo cả năm 2024. Thành công này, theo Trung tâm tư vấn CEBR (Vương quốc Anh), là nhờ định vị lại vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu, cải cách nội bộ, tăng năng suất lao động, đầu tư công và tư. Tình hình chính trị và xã hội ổn định. Kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển ổn định và hài hòa hơn; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trên mọi miền đất nước được nâng lên. Việt Nam là quốc gia đi đầu trong giảm nghèo, thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ và các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc. Vị thế và uy tín của đất nước trên trường quốc tế không ngừng mở rộng, nâng cao cả về quy mô, tính chất và tầm vóc.
Với sự thiết lập và phát triển quan hệ ngoại giao với 193 nước; nâng quan hệ lên Đối tác toàn diện, Đối tác chiến lược, Đối tác chiến lược toàn diện với 30 nước, trong đó có 5 Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và tất cả các nước lớn khác càng khẳng định, nâng tầm vị thế và uy tín Việt Nam trên trường quốc tế. Việt Nam ghi dấu ấn trên nhiều diễn đàn, hội nghị cấp cao của thế giới, khu vực như Liên Hợp Quốc, Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7), Hội nghị cấp cao ASEAN, Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM), Diễn đàn Hợp tác kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APEC)… Việt Nam ký kết 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) với sự tham gia của khoảng 60 nền kinh tế, bao gồm các nước công nghiệp phát triển. Gần 10 năm tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, nước ta có những đóng góp tích cực, được ghi nhận là "ngọn cờ" có sức thu hút.
Bão giông năm 2023 thử thách và càng tiếp tục tôi luyện thêm thế nước, sức mạnh và uy tín Việt Nam.
*
* *
Bước vào năm 2024, cả đất nước tự tin đồng hành cùng nhân loại, vì một thế giới nỗ lực cho ngày mai nhất định tốt đẹp hơn! Chúng ta tiếp tục xem xét, quyết định nhiều vấn đề trọng đại, phức tạp, nhạy cảm, có ý nghĩa rất quan trọng trong giai đoạn phát triển mới hiện nay và trong tầm nhìn tới năm 2025, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định.
Dự báo, tình hình thế giới và khu vực sẽ còn tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường. Đối với nước ta, áp lực duy trì tăng trưởng kinh tế gia tăng, trong khi nền kinh tế toàn cầu tiếp tục vẫn bị đình trệ. Thách thức phát triển trước cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chấn hưng văn hóa, xây dựng con người Việt Nam vẫn là trọng sự rất lớn và nan giải trên con đường đổi mới toàn diện, đồng bộ và phát triển nhanh, mạnh, bền vững và nhân văn. Những mâu thuẫn, bức xúc trong xã hội sẽ còn diễn biến phức tạp; phân cực giàu - nghèo có xu hướng ngày càng gia tăng. Tại một số vùng chiến lược, địa bàn trọng điểm và trong một số nhóm đối tượng còn tiềm ẩn các yếu tố gây mất ổn định. Sự tranh chấp biển, đảo, chủ quyền lãnh thổ, chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng... Đặc biệt là, những nguy cơ lớn luôn luôn có thể xảy ra. Bốn nguy cơ mà Đảng ta từng cảnh báo vẫn còn hiện hữu, có mặt đang diễn biến phức tạp và gay gắt hơn. Các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị trong và ngoài nước sẽ còn câu kết với âm mưu, thủ đoạn chống phá ngày càng tinh vi, công khai và trực diện hơn đối với đất nước.
Trên nền tảng thành tựu những năm qua, trực tiếp năm 2023, tạo cho Việt Nam tiềm lực mới, tiếp tục phát triển với tốc độ và sức mạnh mới, khẳng định vị thế mới và uy tín ngày càng cao trên trường quốc tế.
Trong tầm nhìn 2025, tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức 6,6%. Trung tâm tư vấn CEBR đánh giá, Việt Nam là nền kinh tế lớn thứ 34 năm 2023 với quy mô GDP 430 tỷ USD và sẽ đứng vị trí thứ 21 toàn cầu vào 2038. Và, theo dự báo của CEBR, tốc độ tăng GDP hàng năm trung bình sẽ đạt 6,7% trong giai đoạn 2024 - 2028; và, con số này sẽ là 6,4% trong 9 năm tiếp theo. Trên nền móng kinh tế, tiếp tục giữ vững sự ổn định chính trị, xã hội, chủ động và hiệu quả trên lộ trình phát triển mạnh mẽ, bền vững và nhân văn, vì đất nước cất cánh hùng cường.
Trước mắt, trong rất nhiều trọng sự, hơn bao giờ hết, hiện nay, trên lộ trình phát triển và hội nhập quốc tế, toàn thể dân tộc chủ động và dũng cảm hành động một cách tỉnh táo và sáng tạo.
Thứ nhất, tiếp tục cải cách thể chế, khơi thông mọi nguồn lực phát triển. Kinh nghiệm lịch sử xác tín, sau khi có đường lối đúng, nhân tố quyết định thành công là con người, với động lực thành công là hệ thể chế tương dung. Tầm nhìn xa rộng minh bạch và định vị phát triển chiến lược khả thi, cái còn lại là khuôn khổ pháp lý để bảo đảm khai thông mọi bế tắc, gạt bỏ mọi lực cản, đánh thức mọi tiềm năng và nguồn lực để toàn dân tộc tự do hành động quyết định thành công và tới đích.
Và, kinh nghiệm sau 38 năm đổi mới càng đòi hỏi cấp bách hiện nay là, cải cách thế chế, thể chế và thể chế! Trước mắt và lâu dài, tiếp tục cải cách thể chế nhằm hoàn thiện cơ chế vận hành nền kinh tế thị trường song hành với cơ chế vận hành xã hội, với giềng mối là cơ chế vận hành chính trị xã hội Đảng lãnh đạo - Nhà nước quản lý - Nhân dân là chủ là khâu đột phá mang tầm chiến lược.
Thực tiễn 38 năm chứng minh, khi việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật xứng tầm thì việc tháo gỡ khó khăn thành bại, dỡ bỏ nguy cơ sinh tử, công phá “lô cốt” lợi ích cục bộ, khơi thông mọi nguồn lực ẩn khuất hoặc “ngủ yên”…; đồng thời, dũng cảm đột phá, cầu thị bổ sung, không ngừng hoàn thiện khung khổ pháp lý song hành với đạo lý giải quyết những vấn đề mới đặt ra và chủ động hóa giải những thách thức chưa từng có, hướng tới sự phát triển toàn diện, đồng bộ và thống nhất từ Đảng cương tới Quốc pháp và dư luận kiểm soát xã hội một cách nhanh và bền vững thì càng mở ra nhiều cơ hội xưa nay chưa từng có. Những năm 20 của thế kỷ XXI, trực tiếp là năm 2023 cho chúng ta thấy rõ điều sơ giản nhưng thành bại của đổi mới này.
Thực tiễn phát triển đã qua, hiện nay và hướng tới tương lai càng đòi hỏi không chỉ quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu lực, hiệu quả mà thái độ và trách nhiệm đột phá một cách không do dự, không chờ đợi và không cầu toàn trong thực thi chiến lược đổi mới hiện thân trực tiếp ở đây trên phương diện cải cách về thể chế.
Thứ hai, đổi mới cơ chế kiểm soát quyền lực, chống tham nhũng và mọi hủ bại. Đây là linh hồn của cuộc cải cách rường cột mang ý nghĩa thành bại của thể chế. Không kiểm soát hữu hiệu quyền lực trên các phương diện từ kinh tế tới chính trị và xã hội… nhất định sẽ thất bại. Tình trạng cát cứ, cục bộ, lợi ích nhóm và nạn nhóm lợi ích về kinh tế sẽ phá vỡ lợi ích thống nhất quốc gia; nạn “đẳng cấp”, phường hội trong hoạch định đường lối sẽ làm tan rữa nguyên khí thể chế chính trị, làm băng hoại Quốc bảo Lòng Dân, làm rối loạn xã hội, khiến cho cộng đồng quốc tế xa lánh. Việc phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý những biến thể quyền lực thành nạn tham nhũng về kinh tế, chính trị, lòng tin… vừa qua đã cho thấy “giặc nội xâm” nguy hiểm tới mức nào.
Sự tha hóa quyền lực, thoái hóa quyền lực, nhất là nạn sở hữu quyền lực dù kinh tế hay chính trị sẽ làm băng hoại đất nước. Đây là mầm họa ẩn tàng, biến ảo, có sức phá hoại và tác họa sinh tử khôn lường rất khó nhận diện và chế ngự. Đây chính là nguy cơ mất nước từ bên trong mà bắt đầu từ hủ bại đạo đức và phản văn hóa. Liêm sỉ không đủ thức, đạo đức không đủ chuyển, tất phải toàn dụng thượng tôn kỷ luật và pháp luật. Đạo đức, nhân văn nhất lúc này đối với mọi hủ bại đạo đức quyền lực và phản văn hóa là “tội ác và trừng phạt” (A. Dostoevsky). Song hành thực thi đạo đức và giữ vững kỷ cương; đồng thời, tiếp tục cổ vũ về nêu gương trước hết đạo đức chính trị thiêng liêng trong đạo đức nhân sinh dân tộc vô giá và bảo vệ đạo đức xã hội căn bản thật sự xứng đáng của cán bộ, đảng viên. Trước hết, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị về văn hóa. Muốn đi nhanh thì nắm lấy công nghệ nhưng muốn phát triển mạnh mẽ và nhân văn không thể không bằng đạo đức và văn hóa.
Thứ ba, đột phá chính sách xã hội, phát huy sức mạnh nguồn nhân lực và trọng đãi nhân tài. “Việc nhân nghĩa cốt ở yên Dân’. Vì “Dân là gốc của nước”. Vì, “Dân là dân nước nước là nước dân”. Do thế, đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội chuyển mạnh từ giữ vững sự bảo đảm và ổn định sang ổn định và phát triển gắn với quản lý phát triển xã hội bền vững, nâng cao phúc lợi xã hội toàn dân, nâng cao chất lượng an sinh xã hội, an ninh xã hội và an ninh quốc gia ngang tầm yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tầm nhìn đến năm 2045 là thượng sách căn bản chiến lược.
“Phi trí bất hưng”, “Tôn tài đại thịnh” phải là phương hướng hành xử chiến lược và nhân văn nhằm phát triển nguồn nhân lực ngang tầm công cuộc đổi mới, trong đó lấy tin cậy, tôn trọng và trọng đãi nhân tài làm động lực căn bản rường cột để toàn dân tộc phát triển đất nước.
Vì thế, việc lớn căn bản nhất nhưng khó khăn nhất là, bằng mọi giá và tạo mọi điều kiện tốt nhất có thể không ngừng nâng cao tư cách và trách nhiệm mỗi người xứng đáng với tư thế, phẩm giá của người làm chủ nước Việt Nam độc lập bằng pháp luật và đạo lý với hạt nhân là lợi ích. Lợi ích đất nước hiện hình cụ thể và sinh động trong lợi ích của mỗi người thống nhất với lợi ích toàn dân tộc; và đến lượt nó, lợi ích cá nhân là căn bản để phát triển và bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc. Nói như K. Marx, lý tưởng mà không gắn lợi ích là lý tưởng tự làm nhục mình!
Đức trị và pháp trị mang ý nghĩa thành bại trong công cuộc phát triển nền móng đất nước, trung tâm là bảo đảm hài hòa các lợi ích, bảo đảm phát triển và bảo vệ vững chắc quốc gia nằm ở chính vị thế căn bản và từ gốc này.
Cuối cùng, phát triển đại đoàn kết vì Việt Nam thịnh vượng. Đoàn kết thì phát triển. Không đoàn kết tất bại vong. Chăm lo, vun đắp từ gốc nước - từ toàn dân - mới mong và phát huy đại đoàn kết và hội nhập quốc tế thành công. Đây là nguồn sức mạnh vô địch, là nhân tố căn bản quyết định thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc suốt mấy nghìn năm qua, hiện nay và tương lai.
Hơn lúc nào hết, hiện nay, mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc phải thật sự là điểm tương đồng để không ngừng cầu thị về nhận thức và kiên định về hành động nhằm phát triển cao nhất sức mạnh thống nhất tư tưởng và hành động toàn dân tộc phát triển đất nước, khẳng định vị thế và uy tín quốc gia trong mọi sự đa dạng và khác biệt quốc tế.
Tất cả đứng trên nền tảng vững chắc của đại đoàn kết là liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, dưới ngọn cờ của Đảng lãnh đạo; bảo vệ và phát triển mối quan hệ máu thịt tự nhiên giữa Đảng và nhân dân; phát huy sự đoàn kết giữa các giai tầng xã hội, giữa cộng đồng các dân tộc Việt Nam, giữa đồng bào theo tôn giáo và không theo tôn giáo, giữa những người theo các tôn giáo khác nhau; giữa người Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài; bảo vệ và phát triển sự đoàn kết giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân yêu chuộng hòa bình, tiến bộ trên thế giới, giữa Việt Nam với các quốc gia, dân tộc một cách thật sự nhân văn và văn hóa, xứng đáng là nòi giống Tiên Rồng.
*
* *
Tất cả vì một nước Việt Nam đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao đến năm 2030 và kỳ vọng trở thành nước phát triển, thu nhập cao, trong tầm nhìn năm 2045.
Trên nền móng 38 năm đổi mới trong mấy nghìn năm đất nước, từ thành tựu to lớn, lớn lên trong băng giá năm 2023, với vận hội mới, đất nước của Con Rồng Cháu Tiên điềm tĩnh bước vào Xuân Giáp Thìn và nhất định cất cánh với thế Rồng bay.
Trình bày: Duy Thông, Xuân Tùng