Tạo thương hiệu giá trị, riêng có cho Huế
- Năm 2023, Thừa Thiên Huế tổ chức kỷ niệm 30 năm Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản thế giới; 20 năm Nhã nhạc cung đình Huế được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là những di sản văn hóa đầu tiên của Việt Nam được vinh danh ở tầm quốc tế. Nhìn lại chặng đường vừa qua, theo ông, sự vinh danh ấy có ý nghĩa thế nào đối với công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế cho đến hôm nay?
“Công cuộc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Huế luôn được chú trọng và gắn liền với đẩy mạnh trao đổi, hợp tác quốc tế, ứng dụng thành tựu khoa học bảo tồn tiên tiến của thế giới và phát triển nguồn nhân lực, được các nhà khoa học trong nước và quốc tế đánh giá cao, đóng góp hiệu quả vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế NGUYỄN VĂN PHƯƠNG
- Kỷ niệm 30 năm Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản thế giới; 20 năm Nhã nhạc cung đình Huế được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là dịp để đánh giá toàn diện công tác bảo vệ di sản ở Việt Nam nói chung và tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng. Sự vinh danh này là niềm vinh dự đồng thời là động lực thúc đẩy các hoạt động bảo tồn, phục hồi và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế; giúp nâng cao ý thức của cộng đồng cũng như chính quyền địa phương về tầm quan trọng của việc duy trì, bảo vệ và phục hồi những tài sản quan trọng này. Đồng thời làm nổi bật vị thế của Huế như một trung tâm văn hóa và lịch sử quan trọng của Việt Nam, góp phần làm tăng giá trị văn hóa quốc gia.
Có thể khẳng định, công cuộc bảo tồn di sản văn hóa tại Cố đô Huế luôn gắn chặt với quá trình khai thác, phát huy giá trị di sản và tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như khu vực miền Trung, Việt Nam, trọng tâm là kinh tế du lịch - dịch vụ. Các loại hình di sản văn hóa của Cố đô Huế sau khi được UNESCO công nhận đã trở thành nguồn lực có giá trị vô cùng to lớn để khai thác và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Các chuyên gia của UNESCO đã đánh giá: “Thương hiệu Di sản thế giới của UNESCO có trị giá tới 500 triệu USD, mỗi năm các Di sản thế giới thu hút lượng khách trung bình 1 tỷ lượt người”. Các di sản thế giới của Cố đô Huế cũng đã tạo được thương hiệu du lịch có giá trị rất lớn, góp phần hình thành các loại hình và sản phẩm du lịch có thương hiệu cho Huế; đồng thời làm tăng lượng du khách đến Huế kể từ năm 1993 đến nay. Qua đó, Quần thể di tích Cố đô Huế được trùng tu, tôn tạo và phục hồi. Nhiều sản phẩm dịch vụ mới đặc trưng có thương hiệu được hình thành trên cơ sở phát huy giá trị di sản, góp phần nâng cao sức hấp dẫn của các điểm tham quan và làm phong phú thêm các sản phẩm phục vụ khách du lịch tại địa phương.
Trong chặng đường trước mắt cũng như tương lai lâu dài, di sản văn hóa Huế chắc chắn vẫn sẽ là nền tảng, là hạt nhân cho sự phát triển toàn diện, bền vững của Cố đô Huế. Tỉnh sẽ tiếp tục tập trung khai thác tốt, phù hợp và có hiệu quả các di sản của Cố đô Huế thông qua sự phối hợp chung tay tham gia của các cấp chính quyền, đơn vị quản lý và toàn thể cộng đồng, góp phần xây dựng Thừa Thiên Huế theo hướng “Di sản văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường”, xây dựng thương hiệu du lịch mới: “Cố đô Huế - 1 điểm đến 5 di sản - Quê hương hạnh phúc”.
Bài học điển hình
- Đại diện UNESCO tại Việt Nam từng đánh giá, Quần thể di tích Cố đô Huế là một trong những di tích được bảo tồn hiệu quả nhất cả về mặt cấu trúc cũng như các hạng mục di sản phi vật thể khác. "Cố đô Huế là một điển hình thành công tại Việt Nam và trong khu vực”. Xin ông cho biết, Thừa Thiên Huế đã thực hiện các cam kết với UNESCO như thế nào để đạt được kết quả như vậy?
- Chính phủ Việt Nam và chính quyền Thừa Thiên Huế đã thực hiện nghiêm túc những cam kết với UNESCO trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, vì mục tiêu gìn giữ di sản bền vững cho thế hệ mai sau. Những cam kết này đã được cụ thể hóa bằng các biện pháp triển khai thực hiện trong thực tiễn, đáp ứng mục tiêu phát triển chung của địa phương, quốc gia và khu vực, hướng tới gìn giữ và bảo tồn bền vững di sản cho thế hệ mai sau. Chặng đường 30 năm tham gia Công ước 1972 về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới; 20 năm tham gia Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể kể từ khi Quần thể di tích Cố đô Huế và Nhã nhạc - Âm nhạc cung đình Huế được UNESCO vinh danh đã chứng minh điều đó.
Theo Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 30.12.2023,mục tiêu tổng quát đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; đến năm 2030 là đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam; một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; trung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước; quốc phòng, an ninh được đảm bảo vững chắc; đời sống vật chất và tinh thần người dân đạt mức cao.
Công tác bảo tồn di sản tại Thừa Thiên Huế luôn tuân thủ các yêu cầu nghiêm ngặt của Công ước UNESCO 1972, Luật Di sản văn hóa và các quy chế bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử văn hóa - danh lam thắng cảnh. Đó là vừa bảo vệ tổng thể di tích bao gồm các công trình kiến trúc gắn liền với bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ di sản văn hóa vật chất đi đôi với bảo vệ và phát huy những giá trị văn hóa tinh thần. Sau 30 năm, Quần thể di tích Cố đô Huế đã hoàn toàn biến chuyển từ trạng thái cần được bảo tồn khẩn cấp trở nên bền vững như ngày hôm nay.
Tại chương trình kỷ niệm 2 di sản được UNESCO vinh danh năm 2023, ông Lazare Eloundou Assomo, Giám đốc Trung tâm Di sản Thế giới UNESCO đánh giá cao việc Cố đô Huế đã chuyển mình từ một kho báu di sản bị tàn phá trở thành biểu tượng nổi bật của bảo tồn di sản và hợp tác quốc tế và là bài học điển hình trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích cho các khu di sản thế giới khác tại Việt Nam và trong khu vực. Điều này giúp lan tỏa mạnh mẽ giá trị di sản văn hóa Huế và nâng cao hơn nữa uy tín, vị thế của đơn vị quản lý di sản cũng như của Thừa Thiên Huế.
Động lực thúc đẩy phát triển văn hóa Huế bền vững
- Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10.12.2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế. Điều này tiếp sức cho việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa trên đất cố đô như thế nào, thưa ông?
- Nghị quyết số 54/NQ-TW của Bộ Chính trị là động lực để thúc đẩy phát triển các giá trị di sản văn hóa Cố đô Huế một cách bền vững, đặc biệt là tạo điều kiện thuận lợi cho Thừa Thiên Huế trong việc huy động các nguồn lực phát triển văn hóa. Trên cơ sở Nghị quyết số 54-NQ/TW, nhiều chính sách, nhiều kế hoạch phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đã được ban hành nhằm khơi dậy, phát huy các giá trị văn hóa, sức mạnh con người Huế chung tay bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị di sản văn hóa trên đất cố đô, xây dựng một thành phố Huế vừa cổ kính, vừa hiện đại.
Sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW, Thừa Thiên Huếđã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả lĩnh vực, từ quy hoạch, quản lý, tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng thiết chế, phát triển nguồn nhân lực, đến bảo tồn và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế gắn với phát triển du lịch… Thời gian tới, tỉnh sẽ ưu tiên mọi nguồn lực đầu tư cho mục tiêu bảo tồn và phát huy hiệu quả các giá trị di sản cố đô, bản sắc văn hóa Huế - con người Huế, theo hướng bảo tồn đi liền với phát triển; phát huy bản sắc văn hóa Huế, con người Huế; tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, an toàn và thân thiện để thu hút nguồn lực phát triển bền vững; khai thác các giá trị văn hóa, di sản để phát triển du lịch dịch vụ.
Cụ thể, hỗ trợ nguồn lực để từng bước khôi phục cảnh quan, không gian cố đô, ưu tiên các công trình chính trong khu vực Đại Nội (Hoàng thành) và các công trình văn hóa, khu phố cổ Gia Hội, Chi Lăng, Bao Vinh; bảo tồn phố cổ, đô thị cổ, nhà rường, nhà vườn, làng cổ Phước Tích; tổ chức các hoạt động lễ hội, sự kiện văn hóa nghệ thuật có quy mô tầm cỡ quốc gia, quốc tế. Đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, công nghệ và chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa và các chương trình khuyến khích nghiên cứu và giáo dục.
Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù có ý nghĩa đặc biệt
- Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho Thừa Thiên Huế thực hiện có kết quả Nghị quyết 54, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về việc thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thừa Thiên Huế (Nghị quyết 38). Xin ông cho biết, 2 năm qua, Thừa Thiên Huế đã cụ thể hóa Nghị quyết 38 của Quốc hội như thế nào?
- Thừa Thiên Huế đã được Quốc hội, Chính phủ quan tâm ban hành Nghị quyết số 38/2021/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế và Nghị định số 84/2022/NĐ-CP về việc thành lập và Quy chế hoạt động của Quỹ bảo tồn di sản Huế. Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình thực hiện Nghị quyết số 38/2021/QH15 của Quốc hội. UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình của Tỉnh ủy. HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 18/2022/NQ-HĐND về thí điểm một số chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và các đối tượng có hàng hóa vận chuyển bằng container đi, đến cảng Chân Mây tỉnh Thừa Thiên Huế.
Đây là các cơ chế, chính sách đặc thù có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt, góp phần giúp tỉnh Thừa Thiên Huế phát huy nội lực, huy động được tối đa nguồn lực cho đầu tư phát triển, nhất là đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ theo hướng hiện đại; trùng tu, tôn tạo, bảo tồn các giá trị di tích, di sản văn hóa, đáp ứng mô hình đô thị thành phố trực thuộc Trung ương; bảo đảm hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa; tạo nguồn thu ngân sách bền vững, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân.
Sau gần 2 năm triển khai thực hiện, đến nay đã đạt được một số kết quả quan trọng. Cụ thể, Quỹ Bảo tồn di sản Huế đã kêu gọi các tổ chức, cá nhân đóng góp và tiếp nhận hơn 8 tỷ đồng. Hiện đã sử dụng một phần quỹ này trùng tu công trình lăng mộ Nghi Thiên Chương Hoàng hậu Từ Dũ.
Với chính sách nâng mức dư nợ vay, mức dư nợ vay tăng lên 40%, thì mức dư nợ vay của địa phương năm 2022 và năm 2023 là gần 3.500 tỷ đồng, tăng 1.700 tỷ đồng; tạo điều kiện cho địa phương tiếp tục thực hiện các dự án ODA đang triển khai và một số dự án vay mới nhằm có thêm nguồn lực cho các dự án quan trọng trên địa bàn.
Về chính sách tăng định mức chi thường xuyên, dự toán chi thường xuyên năm 2022 của tỉnh đã được giao tăng 45% số chi tính theo định mức dân số, tương đương khoảng 350 tỷ đồng. Dự toán chi thường xuyên năm 2023 là 7.736 tỷ đồng, tăng 359 tỷ đồng so với dự toán năm 2022. Phần tăng thêm này, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết phân bổ dự toán NSNN năm 2022 và năm 2023 thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm an ninh - quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội; trong đó, ưu tiên tăng kinh phí sự nghiệp cho những lĩnh vực quan trọng như tăng cường cơ sở vật chất ngành giáo dục; bảo dưỡng, sửa chữa hạ tầng giao thông, thủy lợi, cây xanh, cảnh quan, bảo tồn di sản…
Nỗ lực của địa phương, hỗ trợ của Trung ương
- Nghị quyết số 54-NQ/TW đặt mục tiêu năm 2025 đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Thời gian còn lại không dài. Để đạt mục tiêu trên, Thừa Thiên Huế có kiến nghị gì, thưa ông?
- Trong năm 2023, Thừa Thiên Huế vinh dự được đón Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ cùng các đoàn công tác của Trung ương đến thăm và làm việc. Tại các buổi làm việc tỉnh đã có nhiều kiến nghị liên quan đến các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 83/NQ-CP của Chính phủ và đã được Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo các bộ, ban, ngành Trung ương nghiên cứu, phối hợp với địa phương để giải quyết. Trong thời gian ngắn còn lại, để đạt các mục tiêu đặt ra, Thừa Thiên Huế tiếp tục kiến nghị Trung ương một số nội dung quan trọng.
Thứ nhất, theo kế hoạch, quý I.2024, Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương và sắp xếp, thành lập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ hoàn thành để trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định. Đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm, hỗ trợ tỉnh sớm hoàn thành các thủ tục có liên quan và cho phép bổ sung Đề án vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp cuối năm.
Thứ hai, Thừa Thiên Huế đang nỗ lực, tập trung xây dựng 4 trung tâm: Văn hóa, du lịch đặc sắc của cả nước, y tế chuyên sâu, khoa học - công nghệ và giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao theo Nghị quyết số 54-NQ/TW. Đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương quan tâm hỗ trợ tỉnh xây dựng các đề án và hỗ trợ nguồn lực xây dựng thành công 4 trung tâm, làm mô hình điểm nhân rộng cho các địa phương khác trong vùng Bắc Trung Bộ, duyên hải miền Trung và cả nước.
Thứ ba, để thực hiện Đề án phát triển Đại học Huế thành Đại học Quốc gia, đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm, sớm xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 46/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, nhằm xây dựng hành lang pháp lý về quy trình thành lập, chuyển đổi hoặc phát triển đại học vùng thành đại học quốc gia.
Thứ tư, đề nghị các bộ, ngành Trung ương quan tâm, rà soát và triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung đã được Chính phủ phân công chủ trì tại Nghị quyết số 83/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW.
- Xin cảm ơn ông!