Nhân lên tinh thần trách nhiệm những yêu cầu thiết thực
Tôi may mắn được làm đại biểu Quốc hội Khóa X ở Đoàn Cần Thơ. Sông nước hữu tình vùng đồng bằng sông Cửu Long không lạ lẫm đối với tôi. Như đã thành nếp, mỗi lần đi TXCT, tôi đều rời Nội Bài đi chuyến bay lúc 6 giờ sáng, hơn 8 giờ tới sân bay Tân Sơn Nhất, từ đó đi ô tô xuống thẳng Cần Thơ. Nếu tính đường dài theo lý thuyết thì ô tô chỉ chạy mất khoảng 5-6 tiếng đồng hồ, nhưng thời gian chờ đợi ở hai bến phà sông Tiền, sông Hậu, mỗi nơi mất ít nhất hơn 1 giờ, có bận vào mùa nước nổi phải mất quá 1 giờ rưỡi. Ai cũng nóng lòng, sốt ruột và bức bối, nhất là vào mùa hè, nóng như hun người. Xuống phà, ra sông có gió, nhìn trời nước mênh mông, ai cũng thở phào nhẹ nhõm. Tôi nhớ một đoạn thơ trong bài thơ “Qua phà sông Hậu”, viết ngay trong xe khi phà sang sông: “Có phải khăn rằn em lái đò trên sông/ Đã là nguồn gió mát/ Và lục bình dập dềnh trôi tím ngát/ Theo suốt đời tôi tháng năm…”.
Rồi những điều thú vị đã diễn ra trong các đợt TXCT. Đó là những buổi đi xuống xã ở vùng sâu của huyện Bình Thủy, khi chưa có đường ô tô, phải đi bằng ghe, len giữa những tán dừa nước biếc xanh. Đến nơi, bà con đã ngồi kín hội trường, vỗ tay rầm rầm chào đón. Sau khi tôi được chỉ định thay mặt Đoàn ĐBQH Cần Thơ báo cáo kết quả Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa X, một cụ râu tóc bạc phơ đứng ngay dậy, giọng sôi nổi: Tôi chưa cần nói kiến nghị, nhưng việc Đoàn đại biểu vượt sông nước đến đây đúng giờ, làm bà con vô cùng xúc động. Đúng là Quốc hội của dân, vì dân. Tiếp đó là các ý kiến nổ như pháo rang, đặc biệt là những kiến nghị thiết thân với đời sống của nông dân ở Cần Thơ: nào là Nhà nước cần đầu tư hơn nữa về mở đường giao thông; làm thêm cầu bê tông thay các cầu khỉ, nơi có nhiều học sinh và người dân qua lại; xây mới và nâng cấp các trường học, đặc biệt là các trường mầm non...
Không chỉ có kiến nghị, có khá nhiều hiến kế về phương cách phát triển nuôi trồng thủy sản, về thay đổi cơ cấu giống lúa, tăng cường ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp tiêu thụ cây trái... Tôi rất tâm đắc với ý kiến của một cử tri trẻ dưới tuổi 30: Thưa Đoàn Quốc hội, qua quan sát các địa danh, cháu thấy việc xây dựng và tôn tạo cảng Cần Thơ, một cảng lớn có vị trí đặc biệt quan trọng ở đồng bằng sông Cửu Long chưa đúng tầm. Có thể thấy cơ sở hạ tầng còn quá mỏng manh, có điều bức bách, cháu chưa thấy ai nêu lên: Tại sao không đặt ra vấn đề phải khẩn trương xây cầu bê tông bắc qua sông Tiền, sông Hậu, chẳng những giải tỏa nỗi khổ chờ phà, mà còn mở ra sự kết nối giao thông thuận lợi ở vựa lúa lớn nhất đất nước. Qua đó, tạo điều kiện thúc đẩy cả nông nghiệp, công nghiệp cùng phát triển.
Tôi miệt mài ghi chép và thầm cảm phục sức nghĩ, ý thức mạnh dạn hiến kế của lớp trẻ. Thật ra lúc ấy tôi được biết, lãnh đạo Cần Thơ đã có trong đầu ý tưởng ấy, nhưng qua ý kiến cử tri, thật sự là động lực nhân lên tinh thần trách nhiệm của lãnh đạo trước những yêu cầu thiết thực, chính đáng của Nhân dân. Tôi mừng rỡ khi biết, vào những năm đầu thập niên của thế kỷ XXI, việc xây dựng cầu bê tông qua sông Hậu đã được lãnh đạo địa phương tập trung xây dựng đề án chi tiết, sau đó trình Chính phủ phê duyệt. Hơn chục năm qua, hai cây cầu bề thế bắc qua sông Tiền, sông Hậu đã là niềm kiêu hãnh của các địa phương Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang... thật sự đóng góp vào mức tăng trưởng kinh tế của cả vùng. Tôi càng thấm thía điều tổng kết: Một khi ý Đảng, lòng Dân gặp nhau thì biến thành sức mạnh vô song!
Trường học lớn để hiểu được nguyện vọng đích thực của cử tri
Tôi tiếp tục được tín nhiệm làm đại biểu Quốc hội Khóa XI ở Cao Bằng. Trước đó, tôi mới chỉ lên thị xã (dạo ấy chưa lên thành phố), chứ hầu như chưa qua một huyện nào. Đầu những năm thế kỷ XXI, đường lên Cao Bằng không được thuận lợi, đặc biệt tuyến Lạng Sơn sang, nhiều đoạn lởm chởm đá trên nền đất nhão. Nhưng vì đường này ít đèo dốc, độ dài ngắn hơn tuyến Bắc Kạn - Cao Bằng, nên khi đi TXCT trước và sau mỗi kỳ họp, tôi thường đi lối này. Song, “tránh trời không khỏi nắng”, có hôm mưa về đêm, do không phán đoán được độ lầy lội ở những đoạn đường mà hầu như toàn là đất, nên xe bị “pa-ti-nê” hàng tiếng đồng hồ. Tôi phải cầu cứu xe Lăng-cu-giơ cao cầu của Tỉnh ủy Cao Bằng đến kéo. Hôm đó, biết tôi rời Cao Bằng về Hà Nội, anh Nguyễn Quốc Cường, lúc đó là Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang mời tôi dự cơm trưa ở Văn phòng Tỉnh ủy. Do xe bị sự cố nêu trên, anh Cường và mấy lãnh đạo cơ quan báo chí chờ tôi gần 2 giờ. Khi xe dừng ở sân, anh Cường chạy ra, rất ngạc nhiên vì không chỉ xe đầy bùn đất, mà cả “nghị sĩ” quần áo và giày cũng bê bết bùn!
Khác ở Cần Thơ, đường đi TXCT chủ yếu là đường bằng và đường sông, còn ở đây hầu như đường đèo dốc, lổn nhổn đá gập ghềnh. Nơi xa nhất là các huyện Bảo Lâm, Bảo Lạc ở phía tây giáp với Hà Giang. Từ thị xã xuống trung tâm Bảo Lạc, tuy đường chim bay là 134km, nhưng tới huyện phải mất hơn 7 giờ, phải vượt qua mấy đèo, mấy suối. Đúng hôm tôi và anh Triệu Sĩ Lầu xuống huyện, nước suối dâng cao. Để bảo đảm an toàn, anh lái xe đề nghị chúng tôi xuống xe lội suối. Sang được bên, hai người lại vào cánh rừng chỗ khuất để thay quần áo. Huyện nghèo, chưa có nhà khách, phải nhờ nhà dân. Đúng là dịp không may, sớm ngủ dậy, ông chủ đưa cho hai người một chậu nước nhỏ và phân trần: Các bác thông cảm, vì nay nhiệt độ là không độ, nước trên đỉnh suối đóng băng nên nhà không có nước.
Vậy là một chậu nước lấy trong vại dự trữ của gia đình để đánh răng, rửa mặt, làm chúng tôi vô cùng xúc động. Và càng xúc động hơn, sáng hôm đó, hơn 40 cử tri đại diện người dân sống ở các xã quanh huyện, mặc giá buốt đã về tề tựu ở phòng họp của UBND huyện. Có một cô giáo ngoài 50 tuổi đứng lên giọng hồn nhiên: Tôi được bà con ở đây gọi là “gái bản” vì từ xuôi lên, gắn bó với học sinh đã hơn 30 năm. Trong nhiều phát biểu của lãnh đạo, tôi tâm đắc một khẩu hiệu: Tất cả cho sự nghiệp trồng người! Theo tinh thần đó, với huyện vùng cao này, tôi kiến nghị Nhà nước quan tâm đầu tư các trường nội trú cho con em đồng bào các dân tộc thiểu số còn quá nghèo. Một bác trạc tuổi 70 nói: Tôi kiến nghị cấp trên mở rộng phong trào Nhà nước và Nhân dân cùng xây trường học, cùng nâng cấp đường giao thông để huyện không thể tụt hậu mãi.
Một chị là Chi hội trưởng phụ nữ xã đề nghị có biện pháp quyết liệt thực hiện chủ trương “nam nữ bình đẳng”, số phụ nữ tham gia lãnh đạo ở xã và huyện còn ít quá. Đặc biệt, cấp có thẩm quyền phải ngăn chặn các bậc “mày râu” nát rượu, tối về hay đánh vợ, mắng con... Hội trường vỗ tay rầm rầm.
Tôi ngộ ra một điều, sống cùng dân, nghe dân nói, tôn trọng dân - phương châm ấy rất đúng, nhưng không phải nơi nào cán bộ cũng gương mẫu thực hiện. Và với tư cách là đại biểu Quốc hội do cử tri bầu ra, tôi càng thấm thía, cuộc sống thực tiễn ở từng địa bàn là trường học lớn, giúp mỗi đại biểu hiểu được tâm tư, nguyện vọng đích thực của cử tri; qua đó, tổng hợp báo cáo chuẩn xác, đầy đủ với Quốc hội, để câu ghi trong Hiến pháp "Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân" thật sự đúng với ý nghĩa và mong muốn của Nhân dân.