Một trong những địa phương đầu tiên ban hành nghị quyết riêng về nâng cao thu nhập và phúc lợi của người dân
Qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã nỗ lực phấn đấu, đạt được những thành tựu quan trọng và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Mô hình tăng trưởng được đổi mới, tạo sự chuyển biến về chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng bình quân giai đoạn 2021 - 2022 đạt 8,8%, nằm trong top 10 tỉnh có tăng trưởng cao nhất cả nước. Giá trị GRDP bình quân đầu người tăng từ 115,2 triệu đồng năm 2021 lên 127,85 triệu đồng/người năm 2022 (đứng thứ 5 vùng đồng bằng sông Hồng và đứng ở vị trí thứ 9 cả nước) và năm 2023 ước đạt 132,5 - 133,5 triệu đồng/người/năm.
Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng cao và lập dấu mốc mới. Năm 2020, tổng thu ngân sách đạt 32,5 nghìn tỷ đồng, năm 2021 đạt 32,9 nghìn tỷ đồng và năm 2022 lập dấu mốc mới đạt 40,3 nghìn tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt hơn 33,6 nghìn tỷ đồng; ước năm 2023 đạt khoảng 32,9 nghìn tỷ đồng.
Cùng với tốc độ phát triển kinh tế ấn tượng, nguồn lực đầu tư cho an sinh xã hội theo chủ trương của tỉnh luôn được bảo đảm kịp thời, ngày càng tăng, đối tượng chăm lo được mở rộng. Xuyên suốt các nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh từ khi tái lập đến nay (1997 - 2024), song song với việc tập trung phát triển kinh tế, Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc đặc biệt coi trọng phát triển văn hóa, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội.
Minh chứng rõ nét về việc cụ thể hóa chủ trương này là trong gần 30 năm từ khi tái lập, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành 30 nghị quyết về an sinh xã hội. Hiện có 15 nghị quyết còn hiệu lực và đang được triển khai thực hiện trên toàn tỉnh. Các nghị quyết về an sinh xã hội do HĐND tỉnh ban hành phù hợp với từng đối tượng, từng vùng miền, điều kiện thực tiễn của tỉnh, có tính đột phá riêng. Diện bao phủ của các chính sách ngày càng mở rộng và đi vào cuộc sống, được Nhân dân đón nhận, góp phần ổn định xã hội, từng bước nâng cao đời sống của một bộ phận người dân.
Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã ban hành 2 nghị quyết rất đặc biệt, đó là Nghị quyết số 12 -NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Khóa XVII về nâng cao thu nhập và phúc lợi của người dân Vĩnh Phúc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; và Nghị quyết số 19-NQ/TU về xây dựng "Làng văn hóa kiểu mẫu" trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2025.
Trong Nghị quyết số 12-NQ/TU, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc xác định rõ quan điểm: Không ngừng cải thiện, nâng cao thu nhập và phúc lợi của người dân là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của Đảng bộ, chính quyền, của cả hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh và toàn xã hội... Với Nghị quyết này, Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh, thành phố đầu tiên ban hành một nghị quyết riêng về nâng cao thu nhập và phúc lợi của người dân.
Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết, đến nay, toàn tỉnh có 9/22 chỉ tiêu đạt hoặc vượt mục tiêu đề ra đến năm 2025; có 25/73 nhiệm vụ được hoàn thành, 28/73 nhiệm vụ đang được đẩy nhanh tiến độ cụ thể hóa để triển khai thực hiện.
Trên cơ sở Nghị quyết số 12-NQ/TU này, công tác bảo trợ, trợ giúp xã hội tiếp tục được quan tâm. Các mức chuẩn trợ cấp xã hội, mức trợ cấp nuôi dưỡng đối tượng được chăm sóc, nuôi dưỡng của tỉnh nằm trong nhóm 4 tỉnh, thành phố có mức chuẩn trợ giúp xã hội cao nhất cả nước; nhóm 4 tỉnh, thành phố có chính sách đặc thù hỗ trợ giảm nghèo; nhóm các tỉnh có mức chi chúc thọ, mừng thọ cao hơn 1,4 lần so với mức Trung ương quy định.
Chi bảo đảm an sinh xã hội ngày càng được tăng cườngsau khi Nghị quyết số 12-NQ/TU có hiệu lực. Năm 2023 giao dự toán 1.009.589 triệu đồng, tăng 1,13 lần so với năm 2022 và gấp 4,45 lần so với năm 2021; chi an sinh xã hội 1.745 triệu đồng, tăng 32,2% so với năm 2021. Từ tháng 8.2020 đến nay đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tăng 20%. Vĩnh Phúc cũng là một trong những tỉnh đầu tiên ban hành chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện tăng từ 95,03% năm 2020 lên 95,47% năm 2022; góp phần rút ngắn khoảng cách bao phủ bảo hiểm y tế ở nhiều nhóm đối tượng, giúp người dân giảm bớt chi phí khi tham gia bảo hiểm y tế, thực hiện lộ trình bảo hiểm y tế theo chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao.
Sáng tạo, đột phá, quan tâm sâu sắc đến đời sống Nhân dân
“Làng văn hóa kiểu mẫu” - mô hình tiêu biểu cho chủ trương và tư duy đổi mới của Vĩnh Phúc trong gắn kết tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa - xã hội, được cụ thể hóa trong Nghị quyết số 19-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (về xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu” trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2025). Xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu” ở Vĩnh Phúc được đánh giá là một việc làm “chưa có tiền lệ” trong thời kỳ đổi mới, thể hiện sự sáng tạo, đột phá, quyết tâm cao, quan tâm sâu sắc của tỉnh đối với đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Để cụ thể hóa Nghị quyết này, Vĩnh Phúc đã khẩn trương xây dựng nhiều kế hoạch, nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm với quan điểm “lấy mục tiêu phục vụ Nhân dân, con người là trung tâm cho mọi quyết định và mọi người dân đều phải được hưởng thành quả phát triển của tỉnh”. Đến nay, 28/28 làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn đã khánh thành công trình, thiết chế nhà văn hóa thôn và khu sinh hoạt văn hóa - thể thao cộng đồng thuộc 9 huyện, thành phố.
Chia sẻ về quá trình chỉ đạo triển khai thực hiện mô hình này, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan cho biết, hiện diện mạo nông thôn Vĩnh Phúc ngày càng thay đổi mạnh mẽ. Toàn tỉnh có 38 trung tâm văn hóa xã, 343 thôn, tổ dân phố, 33 xã, phường, thị trấn và 331 tổ dân phố được hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất cơ bản đồng bộ, khang trang. Các huyện, thành phố cơ bản hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Tất cả các xã đều đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 19 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 88 thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Công tác xây dựng đô thị Vĩnh Phúc, các đô thị trực thuộc tỉnh được đẩy mạnh. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn dưới 1%.
Từ thực tiễn công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong nửa nhiệm kỳ qua, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc nhấn mạnh, bài học kinh nghiệm cần được quán triệt, xuyên suốt trong cả quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện là “Giữ vững đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ, trước hết là trong Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Thường trực cấp ủy, trên cơ sở các nguyên tắc và Điều lệ Đảng, tất cả vì sự ổn định và vì sự phát triển chung của tỉnh. Đồng thời, trong lãnh đạo, chỉ đạo phải dựa vào dân, phát huy quyền dân chủ, tính chủ động, sáng tạo của Nhân dân, luôn quan tâm đến lợi ích của Nhân dân. Phải xuất phát từ quan điểm do dân, vì dân, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của Nhân dân; từ đó có những chủ trương lãnh đạo, lãnh đạo phù hợp, đúng pháp luật, tạo động lực cho phát triển”.
Có thể thấy, quan điểm, định hướng, mục tiêu, giải pháp nhằm bảo đảm an sinh xã hội đã được thể hiện rõ trong các Văn kiện qua các kỳ Đại hội của Đảng bộ tỉnh, các Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và được các cấp, các ngành triển khai đồng bộ, rộng khắp trên cả 3 mặt: giúp các đối tượng thụ hưởng tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ công cộng; hỗ trợ sản xuất thông qua các chính sách vay vốn ưu đãi, hỗ trợ lãi suất, bảo đảm việc làm; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cho các địa phương, nâng mức sống người dân.
Nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đi qua, kết quả nổi bật của công tác phát triển văn hóa, an sinh xã hội đã góp phần rất quan trọng thực hiện mục tiêu “mọi người dân Vĩnh Phúc đều được hưởng thành quả từ sự phát triển của tỉnh”, kế thừa và phát huy xứng đáng với truyền thống của mảnh đất vốn là nơi khởi nguồn của nhiều tư duy đổi mới, sáng tạo và tiên phong của cả nước. Những thành tựu đạt được bước đầu là sự khẳng định của chủ trương đúng đắn, chính sách kịp thời trong hiện thực hóa quan điểm của Đảng, đưa vào đời sống thực tiễn tại tỉnh Vĩnh Phúc.
Và, từ những thành tựu và kết quả cụ thể của Vĩnh Phúc trong thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế cũng nhằm phát triển văn hóa, xã hội, phát triển con người chính là minh chứng sinh động cho tính đúng đắn và tầm nhìn chiến lược của Đảng khi xác định: Bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện tăng trưởng kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển - một chủ trương lớn, nhất quán của Đảng và Nhà nước ta trong suốt gần 40 năm tiến hành công cuộc Đổi mới vừa qua.
Theo Nghị quyết số 12-NQ/TU, Vĩnh Phúc đặt mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2025, thu nhập bình quân đầu người của tỉnh đạt khoảng 80 - 85 triệu đồng/người; tỷ lệ giường bệnh/vạn dân đạt 40 giường; tuổi thọ bình quân của người dân đạt 75 tuổi; tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải đạt quy chuẩn môi trường ở khu đô thị và khu vực nông thôn đạt 100%; các đô thị đều có hệ thống thu gom và xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn theo quy định. Đến hết năm 2030, thu nhập bình quân đầu người của tỉnh đạt khoảng 130 - 135 triệu đồng/người; tỷ lệ giường bệnh/vạn dân đạt 45 giường; tuổi thọ bình quân của người dân đạt 76 tuổi.
Đối với công tác xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu”, tỉnh phấn đấu từ nay đến hết năm 2030 có tối thiểu 60 làng được xây dựng đạt các tiêu chí của “Làng văn hóa kiểu mẫu” do cấp có thẩm quyền ban hành, trong đó, phấn đấu đến hết năm 2025 hoàn thành 30 làng và đến năm 2027 hoàn thành 60 làng.