Nguồn: giaothongvantai.com.vn |
Vận tải đường bộ đang chiếm 73,4% lượng hàng hóa và 92% lượng hành khách và có xu thế tiếp tục tăng lên trong những năm gần đây. Đây là hiện tượng không có lợi cho nền kinh tế do các loại hình vận tải khác quy mô còn nhỏ, khả năng đáp ứng nhu cầu vận chuyển còn thấp, giá cước vận chuyển chưa cạnh tranh nên chưa thể cạnh tranh với vận tải đường bộ với ưu thế về tính cơ động và tiện lợi. Do áp lực với giao thông đường bộ lớn nên tình trạng xe có tải trọng lớn hơn thiết kế của phương tiện hoặc cầu đường lưu thông trên đường giao thông đã xuất hiện nhiều. Khảo sát của cơ quan chức năng trong năm 2006 cho thấy, trên quốc lộ 5, mỗi ngày có trung bình có 1.000 xe quá tải đi qua, chiếm tỷ lệ từ 20 - 30% tổng lượng xe lưu thông qua quốc lộ này.
Khai thác quá tải trọng cho phép của xe trực tiếp gây bất lợi cho chính phương tiện này. Động cơ làm việc trong trạng thái công suất cao, hệ thống điều khiển, phanh đều xấp xỉ hoặc vượt mức độ cho phép của nhà thiết kế làm hao mòn hư hỏng nhanh các thiết bị, hệ thống lái, hệ thống phanh, hệ thống truyền động, lốp xe... Đó là với phương tiện, còn với công trình giao thông thì ảnh hưởng của xe quá tải cũng không nhỏ. Các nghiên cứu cho thấy, nếu tải trọng trục của xe lưu hành qua đường bộ tăng từ 8 tấn lên 16 tấn, thì mức độ làm hư hỏng mặt đường tăng lên 20 lần. Nói cách khác, với mặt đường được thiết kế cho xe có tải trọng chuẩn 8 tấn mà xe trọng tải 16 tấn lưu thông thì tuổi thọ của mặt đường sẽ giảm từ 20 năm xuống còn 1 năm. Thực tế, tại nước ta đã có tình trạng nhiều cầu mới khai thác được 20 - 30 năm nhưng đã bị hư hỏng nặng, đòi hỏi ngân sách Nhà nước phải bổ sung lượng kinh phí tu bổ lớn. Việc bắt buộc phải cắm biển hạn chế tải trọng xe cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả khai thác của tuyến đường cúng như hiệu quả vận doanh. Ngoài ra, yếu tố này cũng là một nguyên nhân khiến nhà đầu tư trong và ngoài nước chưa tham gia tích cực vào việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng cùng với Nhà nước theo hình thức BOT, BTO và BT.
Lưu hành xe quá tải cũng ảnh hưởng đến môi trường và xã hội. Trước hết, do động cơ làm việc ở chế độ cao hơn sẽ thải ra môi trườâng lượng chất thải ô nhiễm cao hơn hẳn khi khai thác đúng thiết kế. Ở nước ta nhiều đoạn tuyến đường bộ có dân cư sinh sống hai bên đường, nhiều đoạn tuyến đi qua khu vực đông dân cư. Phương tiện quá tải lưu thông trên những đoạn đường này đã làm tăng tiếng ồn động cơ, khói xe, bụi vào trong không khí và ảnh hưởng lớn đời sống của người dân.
Việc vi phạm quy định pháp luật vẫn tái diễn được cho là do nhiều chủng loại xe tải nặng được nhập về có cấu hình phức tạp, khác biệt hẳn so với các loại xe tải tính toán trong các tiêu chuẩn thiết kế cầu đường. Hơn nữa, do các điều kiện xã hội về giá cước vận tải, việc cạnh tranh không lành mạnh trong cơ chế thị trường, dẫn đến việc các chủ phương tiện bất chấp luật lệ, chạy theo lợi nhuận cá nhân. Nhiều chủ doanh nghiệp khoán trắng cho lái xe, lái xe tăng chuyến, tăng tải... đã ép lái xe chở quá tải, quá khổ. Mức xử phạt hiện nay cũng chưa đủ sức răn đe đối với chủ hàng, chủ phương tiện giao thông.
Trước thực trạng này, Tổng cục Đường bộ, Bộ Giao thông – Vận tải đã đưa ra nhiều đề xuất để tăng cường quản lý Nhà nước đối với xe quá tải. Cụ thể là, cần bổ sung tiêu chuẩn về tải trọng trục cho phép tham gia giao thông tại Giấy chứng nhận kiểm định an toàn. Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quy định trách nhiệm và xử lý vi phạm đối với chủ hàng, chủ phương tiện và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động vận tải, xếp dỡ hàng hóa trên xe ôtô. Và, nâng mức phạt đối với hành vi vi phạm; tăng cường lực lượng và điều kiện làm việc cho thanh tra giao thông; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để hạn chế sự can thiệp của con người vào quá trình kiểm tra trọng tải; tăng cường truyền thông để nâng cao ý thức của người sử dụng xe chở hàng...
Vì lợi ích kinh tế, một số đối tượng đã bất chấp những tác động xấu đến chất lượng công trình, môi trường và đời sống của người dân, tiếp tục vi phạm quy định về trọng tải. Tuy nhiên, nâng mức xử phạt có thể góp phần hạn chế tình trạng này không? Có lẽ là chưa thể. Thực tế cho thấy, hiện tượng cò chạy cho xe quá tải hay chuyển sang đường không có trạm cân kiểm tra đang diễn ra phổ biến ở nhiều nơi. Để thực hiện hiệu quả công tác này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và chính quyền địa phương, cũng như nâng cao ý thức công vụ của cán bộ kiểm tra, thanh tra.