Hiện nay, đa số các thành phố lớn trên thế giới đều có tàu điện ngầm. Như tại Pháp, hệ thống tàu điện ngầm ở Paris là hệ thống lâu đời thứ hai trên thế giới, hoàn tất phần đầu vào năm 1900. Hệ thống này trải dài 215km, 380 trạm dừng, phục vụ cho khoảng 4,5 triệu lượt đi lại mỗi ngày. Nhiều chuyên gia trong ngành giao thông khẳng định, tàu điện ngầm cực kỳ hiệu quả trong việc chống ùn tắc đường, tiết kiệm thời gian cho hành khách, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân gây lãng phí nguồn tài nguyên và ô nhiễm môi trường.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia Việt Nam và Pháp, hiện Việt Nam chưa có hệ thống giao thông công cộng có năng lực chuyên chở đủ lớn để đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân. Nhận định về vấn đề này, Chủ nhiệm bộ môn Nghiên cứu và Sáng tạo thuộc Phòng Phát triển bền vững (DGIDD) của Công ty RATP André Peny nhấn mạnh rằng, với tình hiện giao thông hiện nay tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, nếu không xây dựng hệ thống giao thông công cộng đủ đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân thì chỉ 5 năm nữa, giao thông sẽ trở nên tắc nghẽn. Với một phương tiện đáp ứng được tiêu chuẩn như tàu điện ngầm, rõ ràng đây là phương thức vận tải hành khách công cộng góp phần quan trọng cho việc khắc phục tình trạng quá tải, ùn tắc giao thông trên mặt đất và làm hiện đại hóa hệ thống giao thông đô thị.
Việt Nam cũng đang triển khai một số dự án tàu điện trên mặt đất và trên cao. Có ý kiến cho rằng nên thiết kế tàu điện nổi thay vì tàu điện ngầm vì thời gian thi công khá lâu, chi phí để xây dựng và vận hành tàu điện ngầm đắt đỏ. Mặc dù vậy, so sánh giữa loại hình tàu điện ngầm và tàu điện nổi, các kiến trúc sư Pháp cho biết mỗi loại hình giao thông đều có những đặc điểm riêng về tốc độ, cấu tạo, tính hiệu quả trong việc chuyên chở hành khách. Như ở Paris, mỗi chuyến tàu điện ngầm với vận tốc 30 – 40km/h có thể vận chuyển từ 300.000 – 400.000 lượt hành khách mỗi ngày, trong khi đó, với thời gian này tàu điện nổi chỉ vận chuyển được 100.000 lượt hành khách với vận tốc 20km/h.
Hơn nữa, nếu quy hoạch các nhà ga tàu điện, các tuyến tàu điện chạy vào trong thành phố ở trên cao sẽ tác động đến cảnh quan môi trường Thủ đô, vấn đề giải phóng mặt bằng cũng khó khăn và gặp nhiều trở ngại. Do đó, việc phát triển mạng lưới giao thông đường sắt nội đô hay tàu điện ngầm, ngoài việc đáp ứng nhu cầu đi lại tăng nhanh trong khu vực đô thị còn phải mang lại lợi ích KT - XH và môi trường cho cả khu vực.
Từ kinh nghiệm và thực tiễn của quốc tế và của Việt Nam trong những năm qua, có thể khẳng định việc xây dựng các công trình tàu điện ngầm là một giải pháp hợp lý cho sự phát triển bền vững của Việt Nam. Theo Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lê Vinh thì việc phát triển hệ thống tàu điện ngầm đòi hỏi kinh phí lớn, để triển khai ít nhất phải mất 10 năm. Vì vậy phải bắt tay vào nghiên cứu xây dựng ngay từ bây giờ thì mới đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân đến năm 2030.