Đường không xong vì thiếu vốn
Xã vùng cao Ngư Hóa cách trung tâm huyện Tuyên Hóa 40km. Trước đây, khi muốn đến huyện lỵ, dân Ngư Hóa nương theo dòng sông Trổ lắm thác ghềnh nguy hiểm. Lần này đến Ngư Hóa không phải đi đò vượt thác, mà theo tuyến mới mở từ quốc lộ 12A địa phận xã Mai Hóa, huyện Tuyên Hóa. Hơn một giờ lắc lư trên xe vượt địa hình qua quãng đường khoảng 20km, thời gian như dài thêm. Mong ngóng bao năm, nay Ngư Hóa đã có đường, nhưng tựa hồ khó khăn vẫn chưa dứt.
Từ khi Dự án đường bộ nối Quốc lộ 12A với xã Ngư Hóa được triển khai, nhân dân Ngư Hóa mừng khôn xiết, nhưng niềm vui chưa trọn. Theo Ban Quản lý các dự án giao thông chuyên ngành thuộc Sở GT - VT tỉnh Quảng Bình - đơn vị được giao đại diện chủ đầu tư, dự án do Sở GT - VT làm chủ đầu tư, được khảo sát, lập dự toán từ năm 2006, tháng 2.2009 khởi công, tổng mức kinh phí được điều chỉnh bổ sung là 107 tỷ đồng, từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Theo kế hoạch, dự án phải hoàn thành vào quý I.2011. Sau hơn 5 năm thi công một số đoạn đường đã rải nhựa (trên 6km), vì thiếu vốn nên một số đoạn chưa được rải đá, cán nhựa và làm cống rãnh thoát nước.
Thực tế, vẫn còn mười mấy kilomet đường chưa hoàn thiện, nhiều đoạn đang dang dở, mặt đường xuống cấp gồ ghề, trơ nền đất đá nham nhở. Ngay cả mùa khô nắng nóng, khô ráo đường vẫn rất khó đi, nền đường bị xói lở biến dạng.
Đường lên Ngư Hóa bị xuống cấp |
Anh Trần Nam Trung ở thôn 4 xã Ngư Hóa bức xúc: mùa khô phải luồn lách qua các ổ trâu; mùa mưa nước tràn trên núi xuống xói lở nền đường. Chỗ thấp bị lầy lội, chỗ dốc cao thì trơn trượt, không thể nào đi được. Mấy năm nay, dân chúng tôi luôn phải chịu cảnh bụi mù vào mùa nắng và lầy lội vào mùa mưa.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Nguyễn Hữu Lai cho biết, từ khi khởi công đường đã hơn 5 năm, dân Ngư Hóa luôn tạo thuận lợi cho dự án thi công, chỉ mong đường sớm làm xong, nhưng dự án kéo dài nhiều năm, khi làm, khi dừng, nay thì dừng hẳn. Khổ nhất là những lúc có người cấp cứu cần đưa về bệnh viện huyện thì không thể chở bằng đường bộ, lại phải thuê đò vượt thác sông Trổ. Chính quyền và dân Ngư Hóa thực sự mong mỏi con đường sớm khai thông để giảm bớt khó khăn.
Ngư Hóa là xã đặc biệt khó khăn, với gần 40% hộ nghèo và hơn 20% hộ cận nghèo; thu phí, lệ phí ngân sách xã 6 tháng đầu năm 2014 được 2,7 triệu đồng. Theo ông Lai, hai chục năm làm chủ tịch, bí thư xã chưa đưa được xã vươn lên nên nhiều lúc rất trăn trở, nhưng lực bất tòng tâm. Không có đường, những thứ Ngư Hóa làm ra như gỗ nguyên liệu, chăn nuôi bò, lợn… lợi nhuận rất thấp vì chi phí vận chuyển cao. Chừng nào Ngư Hóa chưa có đường thì việc chống nghèo đói, chống tụt hậu vẫn thường trực; xã không thể khai thác thế mạnh vườn, rừng để phát triển.
Đường cứu hộ, cứu nạn vẫn phải dừng
Tương tự Ngư Hóa, Cao Quảng là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Tuyên Hóa, từ trước đến nay Cao Quảng bị coi là gần nhà xa ngõ với huyện lỵ. Bởi con đường thuận tiện nhất là đi vòng qua huyện Quảng Trạch để về huyện lỵ Tuyên Hóa xa gần 80km. Trong khi quãng đường ngắn nhất là vượt đèo Cao Mãi, qua cầu Châu Hóa theo Quốc lộ 12A về huyện thì rút ngắn được hơn 50km. Đoạn đường đèo này chỉ khoảng 10km, là con đường mòn từ thời kháng chiến chống Pháp, từ đó đến nay con đường này vẫn được dùng cho người đi bộ và phương tiện thô sơ vào mùa khô, còn mùa mưa thường bị ách tắc do lầy lội, sạt lở đất.
Anh Nguyễn Văn Đô, cán bộ hưu trí xã Cao Quảng than thở, mỗi mùa mưa lũ về dân Cao Quảng lại nơm nớp lo bị lũ bao vây, cô lập. Gần đây, các trận lũ lớn năm 2010 và năm 2013, Cao Quảng hoàn toàn bị cô lập nhiều ngày do lũ làm ngập lụt, sạt lở các ngả đường; quân đội phải điều trực thăng chở mỳ tôm, thuốc men cứu trợ cho dân.
Cuối năm 2010, được Nhà nước hỗ trợ vốn làm đường kiên cố qua đèo Cao Mãi. Chính quyền địa phương khẩn trương lập Dự án và đầu năm 2011 triển khai thi công tuyến vượt đèo dài gần 10km, với tổng số vốn đầu tư gần 40 tỷ đồng; dự kiến hoàn thành trước mùa mưa năm 2013. Tuy nhiên, do thiếu vốn, thi công bị kéo dài; hiện hoàn thành được khoảng 3km đường bê tông và mới chỉ san ủi nền đường thêm vài kilomet.
Chủ tịch xã Cao Quảng Mai Xuân Tuyên cho biết, đường qua đèo Cao Mãi thuộc chương trình làm đường cứu hộ, cứu nạn cho nhân dân trong vùng bão lũ tỉnh giao UBND huyện làm chủ đầu tư, đang triển khai, nay được thông báo dừng vì không có vốn. Khi dự án triển khai, nhân dân Cao Quảng rất phấn khởi; bởi không chỉ cứu hộ, cứu nạn, nó còn kích thích địa phương phát triển kinh tế - xã hội. Mở ra hướng phát triển kinh tế vườn, trồìng rừng, cao su tiểu điền, chăn nuôi cho gần 4 nghìn dân Cao Quảng - xã vùng cao nghèo khó vẫn còn đến 40% hộ nghèo và 26% hộ cận nghèo.
An sinh xã hội nhiều nơi có thể là siêu thị, là nhà hát và nơi vui chơi giải trí. Còn, ở Tuyên Hóa là những con đường đến với xã vùng cao. Bao giờ đường làm xong? Câu hỏi lớn này của dân chúng hỏi trực tiếp ngành giao thông - chủ đầu tư của những con đường này.Nghe nói đầu tư là nguồn vốn Chính phủ, tỉnh Quảng Bình không thể vào cuộc để chia sẻ và điều khiển. Vậy thì, Bộ Giao thông - Vận tải có thể toàn tâm toàn ý chịu trách nhiệm về việc này.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Hữu Hoài: Từ đầu năm 2013, do điều kiện ngân sách của tỉnh còn khó khăn, UBND tỉnh đã cho phép Sở GT - VT bàn giao công trình đường nối Quốc lộ 12A với xã Ngư Hóa theo hiện trạng đến điểm dừng kỹ thuật cho UBND Tuyên Hóa để quản lý, sử dụng. Giao Sở GT - VT phối hợp Sở KH - ĐT làm việc với Trung ương để xin bổ sung số vốn còn thiếu (25,61 tỷ đồng) để hoàn thiện dự án. Tuy vậy, việc xin vốn rất khó khăn, tỉnh đã có chủ trương bổ sung từ nguồn vốn địa phương khoảng 12 tỷ đồng cho dự án; cố gắng trong năm 2015 hoàn thành cơ bản đường đến xã Ngư Hóa, nhưng hiện nay tỉnh vẫn đang khó khăn tìm nguồn vốn. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Bình Lê Văn Phúc: Hiện chưa có hướng huy động vốn hoàn thành những phần còn lại của dự án đường bộ nối Quốc lộ 12A với xã Ngư Hóa và các dự án làm đường cứu hộ, cứu nạn cho người dân vùng lũ. Hiện tỉnh có 8 dự án đường cứu hộ, cứu nạn được phê duyệt; đã khởi công 5 dự án bằng vốn vay ứng trước Kho bạc Nhà nước 50 tỷ đồng, nay Kho bạc không cho vay nữa, dự án phải dừng. Năm nào Sở KH - ĐT cũng báo cáo lên Bộ KH - ĐT, trình Chính phủ bổ sung vốn, nhưng tình hình hiện nay gặp rất nhiều khó khăn. Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa Hoàng Minh Đề: Dự án đường bộ nối Quốc lộ 12A với xã Ngư Hóa do Sở GT - VT làm chủ đầu tư. Vừa qua (31.7.2013), được chỉ đạo của tỉnh, UBND huyện đã nhận bàn giao công trình đưa vào quản lý sử dụng theo hiện trạng điểm dừng kỹ thuật, nhưng thực tế đường chưa hoàn thành, nhiều đoạn chưa bảo đảm giao thông, gây khó khăn đi lại cho dân, nhất là thời điểm mưa bão. Riêng Dự án đường cứu hộ, cứu nạn qua đèo Cao Mãi vào xã Cao Quảng UBND huyện làm chủ đầu tư. Thực hiện kế hoạch của tỉnh, huyện đã gấp rút thi công đường, nhưng do nguồn vốn trên cấp khó khăn, công trình bị chậm tiến độ. Bây giờ dự án bị dừng vì lý do cắt giảm đầu tư công. Mùa mưa lũ sắp tới, nếu dự án này không được tiếp tục thì đường cứu hộ, cứu nạn sẽ có tác động ngược lại đối với những người dân nơi đây. Tuyên Hóa là huyện miền núi khó khăn, ngân sách xây dựng cơ bản mỗi năm được phân bổ hơn 9 tỷ đồng, phải trang trải cho hơn 20 xã, thị trấn, trong đó nhiều xã đặc biệt khó khăn, nhiều thứ cần vốn khắc phục, sửa chữa. Những công trình vốn có mức đầu tư lớn như đường cứu hộ, cứu nạn ở xã Cao Quảng, địa phương không có đủ nguồn lực để làm. |