Thời gian qua giá dầu thế giới liên tục giảm mạnh, kéo theo giá xăng dầu trong nước cũng giảm. Trong bối cảnh đó, điều nhiều người dân quan tâm là giá cước vận tải, yếu tố tác động mạnh để giá cả hàng hóa dịch vụ có giảm hay không? Liên quan đến câu hỏi này, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều ngày 1.12, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết: tại Hà Nội, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ taxi đã kê khai giảm giá cước với tỷ lệ giảm giá trung bình từ 2-10%; kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định đã kê khai giảm giá cước với tỷ lệ giảm giá trung bình từ 5,8-10% và vận tải hàng hóa kê khai giảm giá 3,4-3,9%. Tại TP Hồ Chí Minh, thời điểm kiểm tra, nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ taxi đã kê khai giảm giá cước từ 2,7-9% (tùy cự ly vận chuyển), vận tải hành khách tuyến cố định đã kê khai giảm giá cước với tỷ lệ giảm giá 2-11,33%. Tại Đà Nẵng, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ taxi kê khai giảm giá từ 3-32%, các tuyến vận tải cố định Đà Nẵng tới các tỉnh cũng sẽ tính toán kê khai giảm, các doanh nghiệp vận tải hàng hóa đã kê khai giảm từ 3,2-6,7%. Tuy nhiên, đại diện Bộ Tài chính cũng thừa nhận còn nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải ô tô chưa thực hiện kê khai giảm cước. Các lý do được viện ra là đã giảm sâu giá cước đủ trước đó, hoặc trước đó không tăng giá cước khi giá xăng tăng.
Nguồn: vcmedia.vn |
Để tăng cường quản lý giá cước vận tải bằng ô tô trên địa bàn, ngày 1.12, Bộ Tài chính có công văn số 17496 /BTC-QLG yêu cầu Sở Tài chính phối hợp với Sở Giao thông - Vận tải triển khai 2 nội dung. Thứ nhất, tiếp tục kiểm tra, giám sát việc thực hiện kê khai giảm giá cước vận tải bằng ô tô phù hợp với biến động giảm của giá xăng dầu; đôn đốc, yêu cầu các doanh nghiệp vận tải ô tô kịp thời tính toán lại giá thành, kê khai lại giá cước vận tải. Thứ hai, triển khai, hướng dẫn thực hiện Thông tư liên tịch số 152/2014/TTLT-BTC-BGTVT, trình UBND cấp tỉnh xem xét bổ sung dịch vụ kinh doanh vận tải (kinh doanh vận tải bằng hợp đồng, kinh doanh vận chuyển khách du lịch bằng xe ô tô, kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô), dịch vụ hỗ trợ vận tải vào danh mục dịch vụ thực hiện kê khai giá tại địa phương nếu thấy cần thiết trên cơ sở tình hình thực tế tại địa phương, đặc biệt tại một số địa phương lớn có thị trường vận tải sôi động và có ảnh hưởng đến các địa phương khác).
Trong đó, quy trình tiếp nhận, rà soát văn bản kê khai giá theo Thông tư liên tịch số 152/2014 ghi nhận sự đổi mới theo hướng đẩy mạnh cải cách hành chính. Cụ thể, đơn vị kinh doanh vận tải có thể nộp văn bản kê khai giá bằng cách gửi trực tiếp hoặc gửi qua đường công văn, gửi qua thư điện tử kèm chữ ký điện tử, gửi kèm bản scan văn bản kê khai giá có chữ ký và dấu đỏ theo địa chỉ đã được cơ quan tiếp nhận văn bản thông báo, sau đó gọi điện thoại thông báo cho cơ quan tiếp nhận văn bản, đồng thời gửi qua đường công văn văn bản kê khai giá đến cơ quan tiếp nhận. Thủ tục này vừa tiết kiệm thời gian cho doanh nghiệp mà vẫn bảo đảm tính chính xác và thời gian tiếp nhận của cơ quan quản lý.
Về dài hạn, có thể cước vận tải hàng hóa sẽ được bổ sung vào danh mục bình ổn giá. Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết, mới đây Bộ Giao thông – Vận tải đã có văn bản gửi Bộ Tài chính đề nghị nghiên cứu đề xuất sửa đổi bổ sung Nghị định 177/2013/NĐ-CP và báo cáo Chính phủ về vấn đề này. Cước vận tải theo tuyến cố định, xe bus, taxi và vận tải hàng hóa sẽ được bổ sung vào Điều 3 về hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá. Bộ Giao thông - Vận tải cũng đề nghị sửa đổi, bổ sung điểm 1, khoản 2, Điều 15 hiện nay chỉ quy định giá cước vận tải hành khách theo tuyến cố định và taxi là danh mục bắt buộc phải kê khai, sửa lại thành tất cả các loại giá cước vận tải bằng xe ô tô đều bắt buộc kê khai.
Tăng cường quản lý và giám sát chặt chẽ giá cước vận tải là việc cần thiết tránh dẫn tới biến động lớn về thị trường, giá cả trong dịp Tết. Về lâu dài, việc đưa cước vận tải hàng hóa vào danh mục bình ổn giá cũng là hướng đi đúng nhằm kiểm soát chặt hơn tỷ lệ lạm phát trong bối cảnh thế giới và trong nước thường xuyên biến động.