Ngày 13.12, tân Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk cùng các bộ trưởng trong Chính phủ của ông đã tuyên thệ nhậm chức trước Tổng thống Andrzej Duda. Lễ nhậm chức diễn ra tại Phủ Tổng thống ở thủ đô Warsaw, sau khi danh sách Nội các của ông vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Hạ viện.
Theo danh sách, lãnh đạo đảng nhân dân Ba Lan (thuộc liên minh Con đường thứ ba), một chính trị gia giàu kinh nghiệm - ông Wladyslaw Kosiniak-Kamysz giữ vị trí Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng. Trước tình hình an ninh biến động ở châu Âu, ông tuyên bố sẽ tập trung vào việc tăng cường tiềm lực phòng thủ của các lực lượng vũ trang.
Ông Adam Bodnar, một luật sư về nhân quyền và là cựu thanh tra viên, được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Tư pháp, người được giao nhiệm vụ khôi phục nền pháp quyền, chấm dứt những chính sách của chính quyền của Đảng Luật pháp và Công lý (PiS) tiền nhiệm vốn trao cho Chính phủ quyền kiểm soát cơ quan tư pháp.
Bộ trưởng Văn hóa mới là Bartlomiej Sienkiewicz, cựu Bộ trưởng Nội vụ trong nhiệm kỳ trước của ông Tusk; ông Andrzej Domanski trở thành Bộ trưởng Tài chính; ông Marcin Kierwinski sẽ đảm nhận chức Bộ trưởng Nội vụ trong khi ông Radoslaw Sikorski một lần nữa sẽ trở thành Ngoại trưởng Ba Lan.
Có 9 trong số 26 bộ trưởng trong Chính phủ do ông Tusk lãnh đạo là phụ nữ.
Khôi phục pháp quyền
Trong phát biểu trước Hạ viện, tân Thủ tướng Donald Tusk vạch ra chương trình của riêng mình cho Ba Lan; ông nói: “đã đến lúc Ba Lan được hạnh phúc”.
Ưu tiên hàng đầu trong vấn đề đối nội là khôi phục nền pháp quyền, vốn bị suy yếu sau 8 năm hệ thống tư pháp nằm dưới chính sách cực đoan của chính quyền cánh hữu. Cụ thể, ông Tusk cho biết các công tố viên từ giờ sẽ hoàn toàn độc lập với chính phủ. Ông và Bộ trưởng Tư pháp Adam Bodnar sẽ tìm cách xây dựng lại nền pháp quyền và các thể chế tư pháp, đồng thời sẽ đưa ra công lý những kẻ làm xói mòn Hiến pháp. Chính phủ mới của ông cũng sẽ lên kế hoạch thanh tra và kiểm toán các công ty nhà nước đã trở thành "biểu tượng của chủ nghĩa gia đình trị”.
Thay đổi tích cực vì quyền lợi phụ nữ
Trong các lần xuất hiện trong chiến dịch tranh cử, ông Tusk hứa sẽ mang lại nhiều quyền lợi hơn cho cộng đồng LGBTQ+, thúc đẩy quyền lợi phụ nữ, hủy bỏ luật phá thai hạn chế mà chính phủ của PiS ban hành. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ chính phủ mới có thể thay đổi luật phá thai đến mức nào, vì các đảng trong liên minh cầm quyền không ủng hộ việc tự do hóa đáng kể.
Trong bài phát biểu hôm 13.12, ông nói rằng phụ nữ Ba Lan sẽ cảm nhận được một bầu không khí mới ngay lập tức. Ông nói: “Chúng tôi đã phát triển một chương trình để mọi phụ nữ Ba Lan cảm nhận được sự thay đổi trong cách đối xử với vai trò làm mẹ, bảo vệ các bà mẹ và tiếp cận việc phá thai hợp pháp”.
“Ngay từ những ngày đầu tiên, chúng tôi sẽ thực hiện những hành động cụ thể để bảo đảm rằng phụ nữ cảm thấy quyền lợi của mình được cải thiện ngay lập tức. Tất cả phụ nữ sẽ trải nghiệm những thay đổi tích cực trong cuộc sống của họ”.
Tusk tuyên bố thành lập một số vị trí bộ trưởng mới bao gồm cả vấn đề bình đẳng, người cao tuổi và xã hội dân sự.
Duy trì phúc lợi xã hội hào phóng
Kế hoạch của chính phủ nhấn mạnh vào những lĩnh vực ưu tiên, trong đó nêu bật những biện pháp pháp lý nhằm hỗ trợ giới doanh nghiệp và giáo viên tại Ba Lan.
Ông cũng đưa ra lời hứa sẽ duy trì các khoản phúc lợi xã hội hào phóng được đưa ra dưới chính phủ PiS, chẳng hạn như phúc lợi phổ cập cho trẻ em sẽ được nâng lên 800 zlotys (198 USD) mỗi tháng từ ngày 1.1.2024; lương giáo viên sẽ tăng 30% kể từ đầu năm tới và nhân viên khu vực công sẽ tăng 20%.
Chính phủ của ông sẽ đưa ra một khoản trợ cấp mới trị giá 1.500 zloty (350 USD) mỗi tháng cho những phụ nữ quay trở lại làm việc sau thời gian nghỉ sinh.
Ông cho biết mặc dù chi tiêu xã hội lớn nhưng chính phủ của ông sẽ thực hiện chính sách tài khóa có trách nhiệm và Hội đồng tài chính sẽ được thành lập để đưa ra ý kiến về kế hoạch chi tiêu công.
Chính sách nhập cư kiên quyết và nhân đạo
Về vấn đề nhập cư đầy khó khăn, ông cam kết sẽ tìm cách cải thiện tình hình ở biên giới Ba Lan với Belarus, nơi lực lượng biên phòng Ba Lan thường xuyên sử dụng bạo lực để đẩy lùi những người xin tị nạn.
Ông Tusk đã cho thấy trong thời gian làm chủ tịch Hội đồng châu Âu rằng ông có quan điểm mạnh mẽ, có nguyên tắc về vấn đề này. Chính sách của ông có thể được tóm tắt là “biên giới trên hết”. Tất cả các biên giới phải được bảo đảm trước khi có thể thiết lập một hệ thống tị nạn và di cư hoạt động bình thường, mặc dù ông nói rằng: “chúng ta vừa có thể bảo vệ biên giới, vừa thể hiện sự nhân đạo”. Trên thực tế, Chính phủ của ông có ý định phong tỏa biên giới nhưng cũng sẽ chấm dứt hành vi trục xuất bạo lực vốn đã cướp đi sinh mạng của hơn 50 người nhập cư biên giới Ba Lan - Belarus trong những năm gần đây.
Những cam kết sẽ không phải lời nói suông bởi ông đã lên kế hoạch bay đến Tallinn để gặp gỡ các thủ tướng của Estonia, Latvia và Litva nhằm tăng cường hợp tác với các chính phủ có cùng chí hướng và bàn về vấn đề biên giới với Belarus.
Đưa Ba Lan trở lại trái tim châu Âu
“Ba Lan sẽ lấy lại vị trí lãnh đạo trong Liên minh châu Âu. Chúng ta sẽ xây dựng sức mạnh của mình, vị trí mà chúng ta xứng đáng có được”, ông Tusk nói trước Hạ viện; và cho biết ông sẽ phản đối bất kỳ thay đổi nào đối với các hiệp ước EU có thể gây bất lợi cho Ba Lan.
Ông Tusk, người từng giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng châu Âu, cho biết chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông sẽ là tới Brussels, nơi ông sẽ nỗ lực “khơi thông” nguồn tài chính hơn 35 tỷ euro (37,8 tỷ USD) trong các quỹ phục hồi của EU đang bị giữ ở Brussels. Ủy ban châu Âu đã phong tỏa những nguồn tiền dành cho Ba Lan từ những quỹ này sau khi Chính phủ tiền nhiệm dưới thời đảng PiS đưa ra những cải cách làm suy yếu tính độc lập của hệ thống tư pháp.
Về chính sách đối ngoại, Tusk cho biết ông sẽ tập trung chủ yếu vào việc tối đa hóa sự hỗ trợ dành cho Ukraine, các quốc gia EU và NATO khác. Ông không ngần ngại nói: “nhiệm vụ của Ba Lan là lớn tiếng và kiên quyết yêu cầu phương Tây giải quyết triệt để và giúp đỡ Ukraine trong cuộc chiến này”.
Tuy nhiên, Tusk cũng tuyên bố rằng chính phủ của ông sẽ thể hiện “sự quyết đoán thân tình và nhân từ khi nói đến lợi ích của Ba Lan” ở biên giới Ba Lan - Ukraine, nơi các tài xế xe tải Ba Lan đã thiết lập các cuộc phong tỏa để ngăn chặn những người Ukraine được trả lương thấp hơn xâm nhập; ông Tusk cho biết ông sẽ đưa ra giải pháp ngay lập tức cho vấn đề đang phá hủy nền kinh tế Ukraine này.
Các nhà lãnh đạo và quan chức cấp cao trên khắp thế giới, trong đó có Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, đã chúc mừng sự trở lại của ông Tusk và cho biết họ mong muốn nhanh chóng được làm việc với ông và Chính phủ của ông. Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã sử dụng tiếng Ba Lan để gửi đi thông điệp chúc mừng của mình: “Donald Tusk muốn Ba Lan trở lại vị trí trung tâm của EU và đó là vị trí của họ. Tôi rất vui vì cùng nhau sát cánh cùng Ba Lan, chúng ta có thể phát triển EU và quan hệ Ba Lan - Đức”.