Các mối đe dọa kinh tế
Các quan chức cấp cao tại ngân hàng trung ương cảnh báo về sự gia tăng bất ổn địa chính trị và các chính sách kinh tế khó lường từ các nền kinh tế toàn cầu lớn. Trợ lý thống đốc BOT Sakkapop Panyanukul cho biết: “Bất ổn kinh tế đã gia tăng trong năm nay do căng thẳng địa chính trị liên tục và sự thay đổi trong chính sách của các nền kinh tế lớn”.
Những bất ổn này gây ra rủi ro cho nền kinh tế xuất khẩu của Thái Lan, đặc biệt là khả năng áp dụng mức thuế quan cao hơn khoảng 10 - 20% đối với hàng xuất khẩu của Thái Lan do Tổng thống đắc cử Donald Trump đưa ra và đe dọa sẽ áp thuế 60% đối với các sản phẩm của Trung Quốc. Ngoài ra, dòng hàng hóa Trung Quốc giá rẻ tiếp tục đe dọa ngành công nghiệp địa phương, bao gồm ô tô, đồ điện tử, thiết bị điện, thép và sản xuất máy móc.
Giám đốc cấp cao tại bộ phận kinh tế vĩ mô của BOT cho biết: “Xuất khẩu của Thái Lan sang Trung Quốc có thể giảm, nhưng xuất khẩu sang thị trường Mỹ có thể tăng vì các sản phẩm của Thái Lan có thể thay thế các sản phẩm của Trung Quốc”.
Thêm vào đó, các quan chức BOT cho biết, quá trình phục hồi kinh tế ở Thái Lan hiện không đồng đều, phản ánh quỹ đạo hình chữ K; trong khi các dịch vụ liên quan đến du lịch đang có sự tăng trưởng mạnh mẽ, các lĩnh vực khác, chẳng hạn như bất động sản, ô tô và sản xuất khác đang phải vật lộn với những thách thức lớn.
Dù lượng khách du lịch dự kiến sẽ tăng lên 39,5 triệu trong năm nay, tăng so với mức 36 triệu của năm ngoái, giúp thúc đẩy tăng trưởng trong ngành dịch vụ khách sạn và các ngành liên quan; tuy nhiên, các lĩnh vực như ô tô, thép, điện tử, thiết bị điện, máy móc và phụ tùng phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ dòng sản phẩm Trung Quốc giá rẻ, có thể kìm hãm quá trình phục hồi và tăng trưởng.
Giải quyết nợ hộ gia đình và các nhóm dễ bị tổn thương
Nợ hộ gia đình ở Thái Lan đã giảm nhẹ xuống còn 89% GDP trong quý III năm ngoái, nhưng vẫn ở mức cao và gây ra trở ngại lớn đối với tiêu dùng tư nhân. Mức nợ cao có thể hạn chế chi tiêu của người tiêu dùng và tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế.
Hơn nữa, quá trình phục hồi thu nhập trong các nhóm dễ bị tổn thương vẫn trì trệ, làm trầm trọng thêm bất bình đẳng và cản trở tiến trình kinh tế chung. Những nhóm dễ bị tổn thương này, những người thường làm những công việc thu nhập thấp, không được hưởng lợi như nhau từ sự phục hồi kinh tế rộng lớn hơn, do đó duy trì mô hình phục hồi hình chữ K. Nhiều người trong số họ phải vay tiền để trang trải cuộc sống, dẫn đến tình trạng nợ nần dai dẳng.
Khi đề cập đến những nỗ lực mới nhất của chính phủ và BOT nhằm giải quyết vấn đề nợ hộ gia đình cao, Phó thống đốc BOT Piti Disyatat nhận định: “Mặc dù một nghiên cứu của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế phát hiện ra rằng tỷ lệ nợ hộ gia đình trên GDP trên 80% có thể cản trở tăng trưởng kinh tế theo thời gian, chúng tôi không nhắm mục tiêu vào cấp hộ gia đình mà hướng đến một quá trình giảm đòn bẩy nợ có trật tự”. Các sáng kiến bao gồm miễn lãi suất và hoãn một phần nợ gốc trong 3 năm.
Chi tiêu của chính phủ dự kiến sẽ là động lực quan trọng của nền kinh tế Thái Lan vào năm 2025, với đầu tư công tăng từ 2,9% lên 5,1% trong năm nay. Chính phủ đã đặt ngân sách chi tiêu ở mức 3,75 nghìn tỷ baht và tiếp tục thâm hụt tài chính, ước tính ở mức 4,4% GDP cho năm tài chính hiện tại kết thúc vào ngày 30.9.2025. Chính phủ sẽ duy trì thâm hụt ở mức 4,3% GDP với tổng kế hoạch chi tiêu là 3,78 nghìn tỷ baht cho năm tài chính 2026 dự kiến bắt đầu vào ngày 1.10 năm nay, nếu được Quốc hội phê duyệt.
Sự gia tăng chi tiêu của chính phủ, đặc biệt là trong kết cấu hạ tầng và dịch vụ công sẽ thúc đẩy đáng kể hoạt động kinh tế; hiệu quả của khoản chi này phần lớn phụ thuộc vào mức độ hiệu quả và kịp thời của việc sử dụng các khoản tiền. Pranee cho biết: "Chi tiêu của chính phủ và các biện pháp kích thích kinh tế bổ sung như chuyển tiền mặt và tín dụng thuế để mua sắm sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế".
Về chính sách tiền tệ, BOT đã chỉ ra rằng lãi suất chính sách hiện tại là 2,25% là phù hợp và trung lập với các điều kiện kinh tế, bao gồm tăng trưởng, lạm phát và ổn định tài chính. BOT đã duy trì rằng chính sách tiền tệ sẽ không thay đổi trừ khi có sự thay đổi đáng kể về điều kiện kinh tế. Sự ổn định về lãi suất này nhằm mục đích hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong khi bảo đảm lạm phát vẫn được kiểm soát với một hệ thống tài chính ổn định.
Chính sách về phát triển kinh tế số
Trước những thách thức như cạnh tranh kinh tế toàn cầu và các mối đe dọa an ninh mạng ngày càng gia tăng, chính phủ Thái Lan đã đưa ra các chính sách đầy tham vọng nhằm phát triển kinh tế số và bảo vệ an ninh mạng quốc gia. Với mục tiêu biến kinh tế số trở thành trụ cột chính trong chiến lược tăng trưởng, kỳ vọng sẽ trở thành trung tâm công nghệ và đổi mới trong khu vực.
Một trong những mục tiêu nổi bật của Thái Lan là tăng tỷ trọng kinh tế số lên 30% GDP vào năm 2030. Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra nhấn mạnh rằng việc đẩy nhanh các chính sách kinh tế số không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn tăng cường khả năng bảo mật trên không gian mạng. Đây là một phần trong chiến lược rộng lớn để đối phó với các mối đe dọa từ cuộc cạnh tranh kinh tế Mỹ - Trung cũng như các thách thức khác trong lĩnh vực công nghệ.
Trong nông nghiệp, Thái Lan đang tích cực ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tăng cường năng suất và nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu, đặc biệt là sang thị trường Trung Quốc. Điều này không chỉ giúp cải thiện thu nhập của người nông dân mà còn tăng sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp Thái Lan trên trường quốc tế.
Dù triển vọng sáng sủa, Thái Lan cũng đối mặt với không ít thách thức. Các mối đe dọa an ninh mạng ngày càng phức tạp đòi hỏi quốc gia này phải đầu tư mạnh vào bảo mật thông tin và xây dựng các khung pháp lý chặt chẽ. Ngoài ra, việc nâng cao kỹ năng công nghệ cho lực lượng lao động cũng là ưu tiên hàng đầu. Chính phủ đã và đang triển khai nhiều chương trình đào tạo kỹ thuật số, nhằm bảo đảm lực lượng lao động không chỉ đáp ứng nhu cầu hiện tại mà còn có khả năng thích nghi với những thay đổi công nghệ trong tương lai.
Áp lực cạnh tranh gia tăng
Xuất khẩu vốn là xương sống truyền thống của nền kinh tế Thái Lan, dự kiến sẽ tăng 2,7% trong năm nay, giảm mạnh so với mức 4,9% của năm ngoái. Sự chậm lại này một phần là do sự bất ổn kinh tế toàn cầu và sự cạnh tranh gia tăng từ các quốc gia xuất khẩu khác, đặc biệt là Trung Quốc. Ngành sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô trong nước phải đối mặt với áp lực đáng kể từ dòng xe điện giá rẻ của Trung Quốc, vốn tiếp tục chiếm lĩnh thị phần nhờ lợi thế về chi phí. Ngoài ra, khả năng di dời nhiều nhà máy hơn từ Trung Quốc sang Thái Lan, khi các doanh nghiệp tìm cách tránh các hạn chế thương mại của Mỹ, có thể mang lại cả cơ hội và thách thức cho ngành sản xuất của Thái Lan. Các chuyên gia nhận định, xuất khẩu dự kiến sẽ tăng tốc trong nửa đầu năm, nhưng có thể chậm lại trong nửa cuối năm nếu chính phủ Mỹ áp thuế đối với hàng xuất khẩu của Thái Lan.
Trong khi đó, du lịch vẫn là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế của Thái Lan. Lượng khách du lịch dự kiến sẽ tăng lên 39,5 triệu, bắt kịp với số lượng trước đại dịch Covid-19, tăng so với mức 36 triệu của năm ngoái. Sự gia tăng này dự kiến sẽ thúc đẩy tăng trưởng các dịch vụ liên quan đến du lịch, bao gồm các ngành dịch vụ lưu trú, vận tải và bán lẻ.
Sự phục hồi liên tục của ngành du lịch có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế nói chung vì nó hỗ trợ nhiều việc làm và tạo ra doanh thu đáng kể. Tuy nhiên, tính bền vững của sự tăng trưởng này phụ thuộc vào xu hướng du lịch toàn cầu và việc quản lý các cuộc khủng hoảng sức khỏe tiềm ẩn.
Tóm lại, nền kinh tế Thái Lan vào năm 2025 phải đối mặt với sự kết hợp phức tạp giữa tiềm năng tăng trưởng và những thách thức đáng kể. Trong khi tốc độ tăng trưởng GDP cho thấy sự cải thiện khiêm tốn, nền kinh tế phải vượt qua một loạt các mối đe dọa, bao gồm bất ổn địa chính trị, áp lực cạnh tranh từ hàng hóa Trung Quốc và mức nợ hộ gia đình cao. Vai trò của chính phủ trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua tăng đầu tư công và chính sách tiền tệ ổn định càng trở nên quan trọng hơn.