Thời điểm đó, Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị đều cho phép cá nhân, tổ chức tài trợ kinh phí để lập quy hoạch. Tuy nhiên, những quy định này chưa được cụ thể hóa trong văn bản hướng dẫn nên một số địa phương lúng túng, không biết thực hiện ra sao; thậm chí, có tỉnh đã chỉ đạo tạm dừng toàn bộ các đề xuất tài trợ lập quy hoạch đô thị.
Gần đây, trong quá trình thảo luận về dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn - theo kế hoạch sẽ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ Bảy khai mạc tuần tới, việc có nên cho phép tổ chức, cá nhân tài trợ việc xây dựng quy hoạch hay không lại được đặt ra.
Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, bản trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 4 vừa qua, quy định về việc doanh nghiệp hỗ trợ hoạt động quy hoạch tại Điều 13. Theo đó, Nhà nước khuyến khích tổ chức cá nhân trong nước và nước ngoài tài trợ kinh phí, hỗ trợ cho công tác lập quy hoạch đô thị và nông thôn. Kinh phí này không được thanh toán trực tiếp cho tổ chức tư vấn lập quy hoạch mà phải nộp vào ngân sách rồi chi trả theo các quy định về quản lý ngân sách nhà nước.
Thực tế, việc doanh nghiệp tài trợ lập quy hoạch có cả ưu điểm và nhược điểm. Ưu điểm là khoản chi sẽ không bị phụ thuộc vào đơn giá, định mức của Nhà nước và sát với nhu cầu thực tế. Doanh nghiệp có thể tiết kiệm những chi phí không cần thiết nhưng cũng sẽ linh hoạt hơn khi trả thù lao cao để thuê chuyên gia giỏi. Vì thế, các quy hoạch lập theo cơ chế này thường có chất lượng tốt hơn, tốn ít thời gian hơn và ít gặp vướng mắc, bất cập khi triển khai.
Nhưng, nhược điểm của cơ chế này là các doanh nghiệp sẽ muốn nội dung quy hoạch có lợi nhất cho hoạt động kinh doanh của mình; một số trường hợp điều này đồng thời mang lại lợi ích chung cho xã hội, nhưng cũng không ít trường hợp tác động tiêu cực đến lợi ích của cá nhân, tổ chức khác. Thậm chí có cả nguy cơ nhân danh tài trợ để “nắn” quy hoạch phục vụ lợi ích riêng,
Thời gian qua, các địa phương đã hạn chế việc doanh nghiệp tài trợ trực tiếp cho đồ án quy hoạch. Theo đó, tiền tài trợ sẽ phải hòa chung vào ngân sách rồi sau đó được chi cho công tác lập quy hoạch theo định mức của Nhà nước. Tuy nhiên, theo phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp, cơ chế này cũng không phát huy hiệu quả, các doanh nghiệp vẫn tìm nhiều cách khác nhau để tác động vào nội dung quy hoạch bằng nhiều con đường không chính thức. Nói cách khác, việc cấm tài trợ trực tiếp cho đồ án không giải quyết được vấn đề, nó chỉ làm cho vấn đề khó bị phát hiện hơn.
Có thể thấy, huy động các nguồn lực hỗ trợ cho hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn là cần thiết, giúp ích trong việc nâng cao chất lượng công tác lập quy hoạch. Tuy nhiên, để tránh nguy cơ doanh nghiệp thông qua việc hỗ trợ quy hoạch để tác động chính sách, cài cắm lợi ích, dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn bên cạnh việc cho phép doanh nghiệp tài trợ đồ án quy hoạch thì cần bổ sung quy định về việc công khai, minh bạch thông tin tài trợ quy hoạch để các bên liên quan và người dân có thể giám sát.
Sự công khai, minh bạch và giám sát như vậy sẽ giúp giảm nguy cơ cài cắm lợi ích riêng làm ảnh hưởng đến lợi ích chung, đồng thời vẫn phát huy được những tác động tích cực khi doanh nghiệp tài trợ đồ án quy hoạch. Dù sao đi chăng nữa, cho phép doanh nghiệp tài trợ nhiệm vụ quy hoạch một cách chính thức đi kèm với công khai và giám sát chặt chẽ vẫn tốt hơn nhiều so với việc đưa ra quy định cấm nhưng rồi các bên vẫn tìm cách lách luật và thực hiện một cách không chính thức.