Tỷ lệ kiến nghị của cử tri được giải quyết rất cao
Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khóa XV, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội, đã có 2.216 kiến nghị được tổng hợp chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Kiến nghị của cử tri liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, song đến nay, 2.204/2.216 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời cử tri, đạt 99,5%.
Nêu kết quả cụ thể, Trưởng Ban Dân nguyện cho biết, tiếp thu kiến nghị của cử tri, Quốc hội đã có nhiều cải tiến, đổi mới trong công tác xây dựng luật để các luật sau khi được ban hành bảo đảm tính khả thi, thực hiện ổn định, lâu dài. Hoạt động giám sát tiếp tục thể hiện sự đổi mới liên tục, giám sát có trọng tâm, trọng điểm về những nội dung bức xúc nổi lên trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, được đông đảo cử tri và Nhân dân quan tâm.
Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương đã chú trọng giải quyết kiến nghị của cử tri, thể hiện tính cầu thị, tích cực, chủ động khắc phục những hạn chế, đề ra nhiều biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, điều hành. Việc nghiên cứu, tiếp thu và giải quyết các kiến nghị của cử tri đã góp phần tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định trật tự, an toàn xã hội, cải thiện đời sống của Nhân dân, tạo niềm tin cho cử tri và Nhân dân cả nước.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn ghi nhận, thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành rất quan tâm và nỗ lực lớn trong công tác giải quyết kiến nghị, trả lời ý kiến của cử tri. Đến nay, đã có 2.204/2.216 kiến nghị đã được giải quyết, đạt 99,5%. Chính phủ, các bộ, ngành đã tiếp nhận và trả lời 2.113/2.122 kiến nghị, đạt 99,6%. Đây là những con số rất tốt, cho thấy kiến nghị của cử tri được các cơ quan trả lời thỏa đáng.
Đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành tiếp tục rà soát các kiến nghị chưa có lộ trình giải quyết, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, Báo cáo kết quả giám sát cần làm rõ thêm những khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết và trách nhiệm của các bộ, ngành để làm rõ nguyên nhân, đề ra biện pháp, giải pháp sớm hoàn thành việc xử lý kiến nghị còn tồn đọng, nhất là Kỳ họp thứ Bảy của Quốc hội sắp diễn ra, các ngành chức năng, các địa phương cần quan tâm đồng bộ giải quyết các tâm tư, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân.
Đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của Chính phủ, các bộ, ngành trong giải quyết các kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Sáu, cũng như giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo thời gian qua, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, trong điều kiện tình hình diễn biến phức tạp, ý kiến của cử tri về nhiều lĩnh vực, tỷ lệ giải quyết đạt trên 95% là kết quả rất đáng ghi nhận. Nhiều vấn đề đã được giải quyết thông qua việc sửa đổi nhiều văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn.
Giải quyết tốt hơn các vấn đề y tế, giáo dục, an toàn lao động
Đưa ra một số vấn đề dư luận xã hội quan tâm trong thời gian gần đây, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh lưu ý, trong tháng 4.2024 đã có 121.873 người rút bảo hiểm một lần, tăng gần 39% so với trung bình quý I.2024. Vấn đề này đặt ra yêu cầu nâng cao trách nhiệm và hiệu quả của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội cho người lao động, để giảm tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần, nhất là trong bối cảnh đang sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành.
Trước một số vụ tai nạn lao động, ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng xảy ra trong tháng 4 và đầu tháng 5 năm nay, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho rằng, công tác kiểm tra, kiểm soát an toàn vệ sinh lao động, an toàn vệ sinh thực phẩm cần tiếp tục được tăng cường, nâng cao chất lượng, hiệu quả, đặc biệt là thực phẩm bán trên đường phố, trước cổng trường học để bảo đảm an toàn sức khỏe cho trẻ em, người lao động và Nhân dân.
Đối với lĩnh vực giáo dục, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh lưu ý, theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017, hiện chỉ còn quy hoạch các mạng lưới trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc; hệ thống các trường phổ thông và mầm non được tích hợp vào quy hoạch của các địa phương. Trong thời gian qua, cử tri có kiến nghị về tình trạng có nơi thiếu trường công lập, trong khi cũng có nơi điểm trường phân tán nhiều mà chất lượng ở các điểm trường không được như tại điểm trường tập trung. Đề nghị ngành giáo dục tổ chức rà soát lại mạng lưới các trường phổ thông, mầm non, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nhấn mạnh, cần sắp xếp hợp lý các điểm trường sau quá trình rà soát này, phát triển thêm trường lớp ở những nơi còn thiếu. Điều quan trọng là phải bảo đảm công bằng về cơ hội tiếp cận giáo dục cho mọi học sinh cũng như trong hưởng thụ chất lượng giáo dục.
Giải trình về một số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng xảy ra thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng nhấn mạnh, các vụ việc này đều có nguyên nhân do cơ quan chức năng chưa thực hiện đầy đủ việc kiểm tra, đưa ra kiến nghị về nguy cơ xảy ra mất an toàn lao động. Các chủ doanh nghiệp đều muốn tối ưu hóa lợi nhuận nên xem nhẹ an toàn lao động, tiết giảm các chi phí liên quan an toàn lao động. “Ngành công an sẽ tham mưu Chính phủ tăng cường công tác kiểm tra, yêu cầu các chủ doanh nghiệp dành khoản kinh phí tương xứng đầu tư bảo đảm an toàn lao động, không vì lợi nhuận mà xem thường tính mạng của người lao động”, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng nói.
Về vấn đề hưởng bảo hiểm xã hội một lần, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi cho biết, số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần tiếp tục tăng ở các tháng đầu năm 2024, phần lớn là người lao động có những khó khăn trước mắt và chưa nhận thức được các lợi ích dài hạn của bảo hiểm xã hội và chính sách về bảo đảm an sinh xã hội. Do vậy, trong thời gian tới, Bộ sẽ tăng cường truyền thông và nâng cao nhận thức về lợi ích và các quyền lợi của người lao động trong quá trình tham gia bảo hiểm xã hội. Trong quá trình sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội cũng sẽ nghiên cứu tăng quyền lợi của người hưởng chính sách bảo hiểm xã hội để "giữ chân" người lao động tham gia hệ thống bảo hiểm xã hội.
Kết luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị, Ban Dân nguyện hoàn thiện Báo cáo giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Sáu; tiếp tục rà soát, đôn đốc các bộ, ngành gửi báo cáo về việc giải quyết các kiến nghị chưa có lộ trình giải quyết; đôn đốc các bộ, ngành giải trình rõ hơn lý do tại sao chậm và làm rõ hơn những khó khăn, vướng mắc của các bộ, ngành trong quá trình giải quyết các kiến nghị này.
“Vấn đề nào đã chín, đã rõ thì ta phải quyết liệt giải quyết. Vấn đề nào vướng mắc về văn bản quy phạm pháp luật, do tổ chức thực hiện cần nói rõ trong tổng hợp báo cáo. Tổng hợp số liệu mà không đánh giá, nhận định thì chưa đầy đủ”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.