Qua tổng hợp sơ bộ của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho thấy, toàn tỉnh còn khoảng 7.052 hộ có nhà tạm, nhà dột nát. Theo đó, để xóa số nhà tạm, nhà dột nát trên, dự kiến tổng nhu cầu kinh phí thực hiện là trên 392,8 tỷ đồng, trong đó kinh phí từ nguồn ngân sách Trung ương, tỉnh và Quỹ Quốc gia chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo là trên 346,2 tỷ đồng, kinh phí cần vận động thêm thông qua Quỹ Vì người nghèo là trên 46,6 tỷ đồng.
Theo đó, để thực hiện thành công mục tiêu hoàn toàn xóa nhà tạm nhà dột nát trên địa bàn toàn tỉnh trong năm 2025, Ban thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội tập trung khẩn trương triển khai thực hiện quyết liệt đồng bộ hiệu quả các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công điện số 102/CĐ-TTg, ngày 6.10.2024, Chỉ thị số 42/CT-TTg ngày 9.11.2024 tại phiên họp thứ nhất Ban chỉ đạo trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước.
Các huyện ủy, thị ủy, thành ủy chỉ đạo UBND cùng cấp khẩn trương thành lập Ban chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm nhà dột nát cấp huyện cấp xã do Bí thư cấp ủy làm trưởng ban chỉ đạo. Chủ tịch UBND, Chủ tịch MTTQ Việt Nam làm phó trưởng ban chỉ đạo; thành viên ban chỉ đạo là người đứng đầu các phòng, ban, ngành, cơ quan liên quan, ngành Lao động, thương binh và xã hội là cơ quan thường trực ban chỉ đạo, hoàn thành trong tháng 11.2024, tập trung triển khai hiệu quả phong trào thi đua chung tay xóa nhà tạm nhà dột nát trên phạm vi cả nước đến năm 2025.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để tạo sự đồng thuận trong xã hội đặc biệt trong việc huy động nguồn lực tài chính và nhân lực hỗ trợ. Khẩn trương xây dựng kế hoạch cụ thể chủ động chỉ đạo và huy động tối đa các nguồn lực để thực hiện việc xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn, bảo đảm thực hiện kịp thời đúng mục đích, hiệu quả và tránh thất thoát, lãng phí hay tiêu cực đối với các hành vi vi phạm cần xử lý nghiêm minh nhằm bảo đảm tính công bằng và minh bạch trong quá trình triển khai, bảo đảm các điều kiện về hạ tầng, mặt bằng đất đai, vật liệu, lực lượng khi triển khai hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn theo quy định.
Để thực hiện được mục tiêu trên, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Sóc Trăng đã xây dựng dự thảo kế hoạch của Ban Chỉ đạo gửi các Sở, ngành góp ý, dự thảo quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo, kế hoạch triển khai thực hiện vận động, hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh. Sở Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trình Ban Chỉ đạo đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố cho phép người dân lập thủ tục xin phép chuyển mục đích sử dụng đất, thực hiện đầy đủ chính sách miễn, giảm tiền sử dụng đất khi thực hiện cho phép chuyển mục đích sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với trường hợp người dân có quyền sử dụng đất nông nghiệp; tạo quỹ đất phù hợp và thực hiện giao đất cho người thụ hưởng đối với trường hợp người dân chưa có quyền sử dụng đất.
Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn cho biết: Ban Thường vụ Tỉnh ủy phấn đấu đến ngày 30.9.2025, tỉnh sẽ hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh nhằm chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng lần thứ XV, nhiệm kỳ 2025 - 2030.