Để thị trường đầu tư quyết định định mức
Hiện nay, ở Việt Nam việc xử lý chất thải sinh hoạt đang dần chuyển dịch sang sử dụng các công nghệ khác như tái chế, phân hủy sinh học, chuyển đổi thành năng lượng và giảm thiểu lượng rác chôn lấp. Các công nghệ này đang được triển khai và mở rộng trong một số thành phố lớn và khu vực tại Việt Nam, nhằm tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên và giảm tác động tiêu cực lên môi trường từ việc chôn lấp rác. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai công nghệ xử lý rác rắn sinh hoạt còn có nhiều điểm nghẽn cần được tháo gỡ.
Thực tế, hiện việc phân loại rác tại nguồn mới chỉ quan tâm đến các dự án thí điểm, chưa có sự đồng bộ. Trong khi đó, rác thải sinh hoạt cần được phân loại trước khi đưa đến các cơ sở xử lý riêng. Đơn cử, rác thực phẩm sẽ được đưa đến nhà máy phân hữu cơ, phân vi sinh; rác tái chế sẽ được thu hồi để tái chế… Để làm được đòi hỏi phải thực hiện hạ tầng thu gom và xử lý các thành phần rác sau phân loại. Đây là bài toán cần gỡ trong việc đầu tư như thế nào để các địa phương có thể đầu tư hạ tầng đồng bộ.
Bên cạnh đó, vấn đề phí thu gom rác sinh hoạt hiện nay cũng rất nan giải. Hiện, rác công nghiệp, rác y tế, rác nguy hại cũng giống như rác sinh hoạt, tuy nhiên rác công nghiệp, rác y tế, rác nguy hại đều thu phí nên có kinh phí để vận hành nhưng rác thải sinh hoạt hiện nay Nhà nước vẫn bao cấp. Luật Bảo vệ môi trường đã có quy định về thu phí theo khối lượng rác bắt đầu từ ngày 31.12.2024, tuy nhiên để làm được cần phải được khảo nghiệm kĩ càng để thu như thế nào cho hợp lý để luật đi vào đời sống.
Viện trưởng Viện Môi trường đô thị và công nghiệp Việt Nam GS.TS Nguyễn Hữu Dũng cho biết, về công nghệ xử lý, Bộ Tài nguyên và Môi trường sắp ban hành Thông tư quy định định mức kinh tế xã hội của công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải. “Tôi cho rằng trong thời điểm này việc quy định định mức nên để thị trường đầu tư quyết định. Bởi lẽ, đã có một giai đoạn quy định định mức rất chặt nhưng khi tiến hành khảo sát nhận thấy thành phần thiết bị công nghệ nhanh bị hư hỏng do bị ảnh hưởng thời tiết. Do đó, cần tháo gỡ quy định về định mức đầu tư để các nhà đầu tư, chính quyền địa phương có thể lựa chọn những công nghệ tiên tiến thích hợp. Trong quản lý chất thải rắn có một điểm nghẽn cần phải tháo gỡ đó là chế tài thực hiện các quy định về xử phạt. Nhiều địa phương có quy định vứt rác ra đường sẽ bị xử phạt nhưng thực tế không thực hiện được” GS.TS Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh.
Nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy
Xử lý rác thải là một phần cốt lõi của kinh tế tuần hoàn. Sự kết hợp giữa việc xử lý rác hiệu quả và áp dụng các nguyên tắc kinh tế tuần hoàn giúp tạo ra một hệ thống sản xuất và tiêu dùng bền vững, tối ưu hóa tài nguyên và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Tuy nhiên, thực trạng xử lý rác thải ở nước ta còn nhiều hạn chế.
GS.TS Nguyễn Hữu Dũng cho rằng, kinh tế tuần hoàn chúng ta mới chỉ ở giai đoạn tiếp cận. Vì vậy, cần phải nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy và cần có những cuộc vận động đến tất cả các đối tác tham gia. Hiện, rác thải nhựa ở Việt Nam chưa có con số chính thức nhưng tỷ lệ tái chế ước khoảng 10-12%, đây là một tỷ lệ rất thấp.
Luật Bảo vệ môi trường đã có quy định về rác thải nhựa công nghiệp, các doanh nghiệp phải có trách nhiệm tái chế. Để các doanh nghiệp có thế triển khai thì đòi hỏi phải có cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tái chế phế thải. Song, không chỉ cần có chính sách cụ thể về đầu tư mà cần có chính sách về thuế để các doanh nghiệp có thể triển khai đầu tư.
“Ở việt Nam có một đặc thù mà chúng ta cũng cần phải chú trọng đó là đội ngũ tái chế rác thải. Tại các bãi chứa rác, vào cuối buổi chiều có đến hàng trăm người vào bãi để nhặt rác tái chế. Ở Hà Nội cũng có những làng tái chế như làng Triều Khúc, điều này đòi hỏi chính quyền thành phố cần phải có những chính sách để quản lý, hỗ trợ đối với nhóm đối tượng này về công nghệ làm tái chế. Vấn đề này không chỉ nói mà cần được cụ thể hóa bằng những hình thức hỗ trợ cụ thể” GS.TS Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh.
Có thể thấy, việc phát triển bền vững, chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đang là xu thế phát triển quan trọng trên thế giới và Việt Nam. Xu hướng này không chỉ mang lại cơ hội mà còn đặt ra những thách thức lớn cho Việt Nam. Điều đó đòi hỏi cần phải nhận diện được những vấn đề thách thức trong thời gian tới khi thực hiện kinh tế tuần hoàn, nhất là trong lĩnh vực xử lý rác thải sinh hoạt.