Thời gian qua, tại nước ta, vấn đề về tăng trưởng xanh, phát triển xanh được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm thúc đẩy, các bộ, ngành, địa phương hết sức nỗ lực và chủ động vào cuộc, triển khai, qua đó đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong thúc đẩy tăng trưởng và phát triển xanh, khẳng định mạnh mẽ cam kết của Việt Nam trong hướng tới hiện thực hóa mục tiêu Netzero vào năm 2050. Quá trình chuyển đổi xanh cũng đã mở ra rất nhiều triển vọng phát triển, hợp tác cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước tại Việt Nam cũng như các cơ hội vươn ra thế giới của các doanh nghiệp Việt Nam.
Tại tọa đàm, các đại biểu đã luận bàn, phân tích, làm rõ bản chất, nội hàm của chuyển đổi xanh là gì; những triển vọng, cơ hội được mở ra đối với các doanh ra sao; cơ chế, chính sách nào cần tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện, đổi mới để tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi xanh; những mô hình hay, kinh nghiệm tốt của địa phương, tập đoàn trong triển khai chuyển đổi xanh; giải pháp để tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi xanh và phát triển bền vững…
Chia sẻ tại tọa đàm, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Lê Việt Anh cho biết: tăng trưởng xanh là một định hướng hết sức quan trọng cho tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong những năm tiếp theo. Theo đó, Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh cho giai đoạn 2021 - 20230 và tầm nhìn đến năm 2025; đồng thời, Chính phủ cũng ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030. Tất cả các bên liên quan đều có trách nhiệm, nghĩa vụ tham gia vào tiến trình tăng trưởng xanh của nền kinh tế quốc gia.
Theo ông Lê Việt Anh, chúng ta đã có biện pháp ưu đãi dành cho các doanh nghiệp tham gia vào tiến trình tăng trưởng xanh. Thứ nhất là ưu đãi tài chính, thứ hai là ưu đãi phi tài chính. Các ưu đãi về tài chính đã được thể hiện rất rõ trong Nghị định của Chính phủ, quy định của các bộ, ngành liên quan đến thuế, liên quan đến tiếp cận tài chính, liên quan đến lãi suất và liên quan đến tất cả các nội dung có thể phát sinh chi phí cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng dành những chính sách phi tài chính cho doanh nghiệp. Theo đó, các doanh nghiệp có cam kết về tiến trình tăng trưởng xanh sẽ được xem xét, phê duyệt để có quy trình thủ tục đầu tư kinh doanh thuận lợi nhất.
“Đương nhiên khi doanh nghiệp muốn hưởng các ưu đãi đối với tiến trình tăng trưởng xanh thì cũng phải đáp ứng các yêu cầu, điều kiện hay ngắn gọn là các tiêu chí, nguyên tắc để được hưởng ưu đãi như vậy. Doanh nghiệp phải đáp ứng được các chỉ tiêu, mục tiêu đề ra cho tiến trình tăng trưởng xanh”, ông Lê Việt Anh nêu.
Cũng theo ông Lê Việt Anh, theo kinh nghiệm quốc tế, việc đầu tiên cần triển khai thời gian tiếp theo là phải có hệ thống phân loại xanh quốc gia rất rõ ràng, cụ thể. Do đó, Ban Chỉ đạo quốc gia về tăng trưởng xanh đã giao nhiệm vụ cho Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan sẽ ban hành hệ thống xanh quốc gia.
Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ ban hành hệ thống ngành xanh quốc gia. Khi hệ thống này được ban hành, sẽ xác định được rõ doanh nghiệp nào, dự án đầu tư nào được hưởng các ưu đãi về cơ chế, chính sách dành cho tăng trưởng xanh.
“Sau khi hệ thống này được ban hành, chúng ta sẽ có hàng loạt cơ chế chính sách ưu đãi kèm theo rõ ràng dành cho doanh nghiệp. Tất nhiên tiến trình như vậy sẽ cần thời gian. Do đó, Chính phủ cho phép áp dụng cơ chế thí điểm liên quan đến tăng trưởng xanh và nội dung cụ thể này trong thời gian tới. Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu để kiến nghị Thủ tướng cho phép áp dụng những cơ chế ưu đãi đặc thù dành cho các dự án đầu tư cũng như các doanh nghiệp liên quan đến tăng trưởng xanh”, ông Lê Việt Anh thông tin.
Theo đó, sẽ lựa chọn những dự án đầu tư thí điểm có tiêu chí nguyên tắc đáp ứng tăng trưởng xanh, cũng như có thể xác định những doanh nghiệp đã áp dụng tiến trình tăng trưởng xanh như áp dụng công nghệ cao, bảo vệ môi trường, công nghệ hướng tới tương lai về bảo đảm mức khí thải đáp ứng yêu cầu. Những nội dung này đang trong quá trình nghiên cứu, tiếp tục hoàn thiện và bổ sung chính sách trong thời gian tiếp theo, điều này đòi hỏi có sự phối hợp rất tích cực của các bên liên quan, trong đó có bản thân các doanh nghiệp.
Các ý kiến tại tọa đàm đều nhấn mạnh, tăng trưởng xanh là sự nghiệp của cả hệ thống chính trị, trong đó có trách nhiệm, nghĩa vụ của các cơ quan hành chính nhà nước, các chủ thể liên quan và đặc biệt là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, một vấn đề trong thời gian gần đây được đề cập rất rõ nét và được nhấn mạnh trong các diễn đàn khác nhau về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Đồng thời, những bài học hay, kinh nghiệm quý cũng như các khuyến nghị, đề xuất để các cơ quan chức năng bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách cho tăng trưởng và phát triển xanh đã được các đại biểu chia sẻ.