Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, từ ngày 1.1.2025 tới đây, chất thải rắn sinh hoạt sẽ được phân loại tại nguồn (từng hộ gia đình) sau đó được thu gom, tập kết, vận chuyển. Chỉ hơn 1 tháng nữa, Luật sẽ có hiệu lực.
Chia sẻ tại Tọa đàm Kinh tế tuần hoàn trong xử lý rác thải ở Việt Nam”, do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức ngày 27.11, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Luật Bảo vệ môi trường đã được ban hành năm 2020, chúng ta đã có lộ trình 5 năm để các địa phương cùng các doanh nghiệp, người dân có thời gian chuẩn bị.
“Chính vì vậy, mặc dù hiện nay các địa phương vẫn còn nhiều khó khăn, các doanh nghiệp cũng như người dân cảm thấy còn nhiều vấn đề vướng mắc để tổ chức triển khai, nhưng bắt buộc chúng ta phải bắt đầu, nếu không sẽ không kết thúc được”, ông Thọ nói, đồng thời nhấn mạnh, các nội dung trong Luật Bảo vệ môi trường đã rất rõ ràng về chính sách ưu đãi, về cách thức tổ chức thực hiện, từ việc thu phí rác thải tại nguồn như thế nào, việc phân loại rác thải tại nguồn được thực hiện ra sao,...
Theo PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, đối với các địa phương, về khó khăn hiện nay liên quan đến thể chế, chính sách, cần ban hành quy trình thực hiện cũng như tiêu chuẩn, định mức về phân loại, thu gom, vận chuyển, lưu trữ và tái chế, tái sử dụng.
Với chính quyền Trung ương cũng như chính quyền địa phương, một trong những nội dung quan trọng nhất là đầu tư hạ tầng thu gom, vận chuyển, phân loại.
Để thực hiện được nhiệm vụ này, chúng ta cũng cần học hỏi kinh nghiệm của các nước, đặc biệt là những nước có quy mô lớn. Ấn Độ trước đó cũng gặp vấn đề rất khó khăn trong việc tập trung đủ lượng rác, đặc biệt là rác thải điện tử đủ quy mô để có thể chế biến, tái chế, tái sử dụng thành công.
PGS.TS Nguyễn Đình Thọ nhìn nhận, tại các địa phương, việc quy hoạch nguồn rác, bãi rác có vai trò rất quan trọng. Bởi lẽ để đạt được hiệu quả, hiệu suất trong việc phân loại rác thì phụ thuộc nhiều vào vấn đề quy mô.
“Đó là lý do tại sao các nước đều coi rác là tài nguyên. Có rác, có đủ quy mô thì có thể áp dụng được công nghệ để tổ chức triển khai thực hiện”, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ nói.
Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường thông tin, hiện nay, Việt Nam đã có rất nhiều công nghệ, đặc biệt là các công nghệ vi sinh để thực hiện tốt nhiệm vụ này. Các nhà máy đốt rác, thu hồi năng lượng đã thực hiện được việc ứng dụng công nghệ để phân loại tại chỗ. Đây là những cơ hội để chúng ta có thể thực hiện được tốt trong thời gian tới.
Về phía Bộ Tài nguyên Môi trường vẫn tiếp tục tạo điều kiện để hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp tiếp cận các công nghệ tốt nhất hiện có. Bộ Tài nguyên Môi trường đã tổ chức các buổi tập huấn, đào tạo tại 3 miền Bắc, Trung, Nam để hướng dẫn cho các địa phương tổ chức triển khai.
Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện tại các địa phương trong thời gian tới, sau khi Luật đi vào hiệu lực; đồng thời tăng cường tuyên truyền để chính quyền, người dân và doanh nghiệp nhận thức được những cơ hội và thách thức trong việc thực hiện phân loại rác thải tại nguồn. Từ đó, đồng hành với nhà nước trong thực hiện việc này.
“Đây là yếu tố bắt buộc để chúng ta có thể thực hiện được việc đối phó với 3 cuộc khủng hoảng toàn cầu liên quan biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và suy giảm đa dạng sinh học”, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ cho hay.