Những tai nạn thương tâm
Ngày 26.10.2024, tại xã Quảng Hiệp (huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) đã xảy ra vụ tai nạn giao thông giữa xe đạp điện và xe tải khiến 2 em học sinh tiểu học bị thương. Vụ tai nạn được camera người dân ghi lại. Theo đó, 2 học học chở nhau trên xe đạp điện chạy tốc độ cao, khi đến ngã 3 đã tông thẳng vào hông xe tải.
Sau cú tông mạnh, một em bất tỉnh và em còn lại la hét trong hoảng loạn. Đây chỉ là một trong số ít những trường hợp vụ việc do xe đạp điện gây ra. Vụ tai nạn cũng là hồi chuông báo động về tình trạng phụ huynh chủ quan trong việc giao xe đạp điện cho con.
Chị H’Nat Niê, trú tại xã Cuôr Đăng (huyện Cư M’Gar, tỉnh Đắk Lắk) bàng hoàng nhớ lại, mấy năm trước, con gái lớn của chị 15 tuổi điều khiển xe đạp điện chở theo em gái 9 tuổi đi học, trong lúc băng qua đường quốc lộ đã va chạm với một học sinh khác. Hậu quả, con gái 9 tuổi của chị H’Nat bị thương đứt gân chân phải phẫu thuật nối lại, phải nghỉ học cả tháng để điều trị. Đến nay, di chứng vết thương ở chân vẫn hành con chị đau nhức và thi thoảng mưng mủ. Còn đứa lớn may mắn chỉ bị xây xát nhẹ. Chị rất hối hận và từ đó không cho con tự đi xe đạp điện nữa.
Thầy Mai Văn Chuyền, giáo viên Trường THCS Ngô Mây (xã Ea M’droh, huyện Cư M’Gar, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, đã nhiều lần chứng kiến các vụ việc mất an toàn liên quan đến xe đạp điện. Theo thầy Chuyền, nguyên nhân cơ bản là do các em chưa đủ tuổi để điều khiển, chưa có kỹ năng cũng như chưa hình thành ý thức tốt khi tham gia giao thông nên các em dễ gây tai nạn. Thậm chí nhiều em không đội mũ bảo hiểm, chở 3 hoặc 4.
Cũng theo thầy Chuyền, hiện nay, nhiều gia đình với tâm lý thương con nên mặc dù khó khăn nhưng cũng cố gắng mua sắm cho các con có phương tiện đi lại. Tuy nhiên, phụ huynh lại không phân biệt được các loại xe điện, điều kiện độ tuổi được phép điều khiển. Cá biệt, có nhiều em còn tự ý độ chế, nâng công suất của xe so với thiết kế.
“Nhất thiết phải trang bị kiến thức, kỹ năng điều khiển xe đạp điện cho các em học sinh. Cần kiểm soát tốt việc tham gia giao thông của các em cùng với cơ quan chức năng. Từ đó, giáo dục nhắc nhở các em ý thức tham gia giao thông ở nhà cũng như trong trường", thầy Chuyền nhấn mạnh.
Mặc dù, thời gian qua ngành giáo dục tỉnh Đắk Lắk thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở các đơn vị, trường học tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục cho học sinh, phụ huynh các em chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, trong đó có Luật Giao thông đường bộ. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh vẫn rất chủ quan dẫn đến những vụ tai nạn đáng tiếc. Đây là bài học cảnh tỉnh cho cả ngành giáo dục cũng như các bậc phụ huynh.
Xử lý các cơ sở kinh doanh, mua bán xe đạp điện kém chất lượng
Tại kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XV, ĐBQH Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đắk Lắk) có bài phát biểu về vấn đề này. Đại biểu cho rằng, thời gian qua, công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, qua số liệu năm 2024 cho thấy, tình hình an ninh, an toàn giao thông tiếp tục có chiều hướng tăng.
Đáng lưu ý là công tác quản lý, điều khiển phương tiện giao thông xe đạp điện. Tuy số vụ tai nạn giao thông do xe đạp điện gây ra chưa nhiều nhưng có nhiều vụ rất nghiêm trọng, để lại hậu quả thương tâm cho gia đình và xã hội.
Với sự gia tăng nhanh về số lượng, chủng loại và người điều khiển chủ yếu là lứa tuổi học sinh, xe đạp điện là phương tiện tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn và tai nạn giao thông.
Theo đại biểu Thu Nguyệt, với đặc tính kỹ thuật, loại phương tiện này khi di chuyển hầu như không có tiếng động, xe không được trang bị các thiết bị đảm bảo an toàn; một số phương tiện còn được độ chế khác với thiết kế của nhà sản xuất, trong khi người sử dụng phương tiện này chủ yếu là học sinh dưới 16 tuổi. Các em hầu như chưa được trang bị kỹ năng tham gia giao thông an toàn; trình độ nhận thức pháp luật chưa đầy đủ, tâm lý tuổi mới lớn thích thể hiện nên thường vi phạm các quy định của pháp luật.
Trước tình hình đáng báo động trên, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt đề nghị Chính phủ sớm ban hành nghị định và các văn bản pháp luật hướng dẫn khi Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ chính thức có hiệu lực. Trong đó, cần chú ý đến việc hướng dẫn chi tiết điều kiện hoạt động của xe thô sơ, nhất là xe đạp điện; chỉ đạo UBND cấp tỉnh đồng bộ, thống nhất trong việc ban hành các quy định về phạm vi hoạt động của xe thô sơ; khắc phục tối đa những vướng mắc trong công tác quản lý, xử lý hành vi vi phạm.
Đại biểu cũng đề nghị cần tăng cường chỉ đạo công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng, lực lượng cảnh sát kinh tế, hải quan, thuế, quản lý thị trường trong kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật và điều kiện kinh doanh xe đạp điện, đặc biệt là siết chặt, xử lý đối với các cơ sở sản xuất, nhập khẩu, mua bán những loại xe không đảm bảo chất lượng trên thị trường.
Thống kê của Phòng CSGT Công an tỉnh Đắk Lắk, chỉ tính riêng từ ngày 1.9 - 22.10.2024 trên địa bàn tỉnh xảy ra 60 vụ tai nạn giao thông, làm 50 người chết, 37 người bị thương. Trong đó, tai nạn giao thông liên quan đến lứa tuổi học sinh là 11 vụ, làm 8 em chết, 8 em bị thương, 21 phương tiện hư hỏng.