Nâng mức hỗ trợ từ 30% lên 50% mức đóng cho học sinh, sinh viên
Các ĐBQH đều thống nhất với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế và việc xem xét, thông qua dự luật theo quy trình tại một Kỳ họp.
Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật, ĐBQH Lý Thị Lan (Hà Giang) đề nghị xem xét bổ sung thêm 3 nhóm đối tượng là (1) “Trẻ em dưới 6 tuổi không có giấy khai sinh”; (2)“Người cao tuổi từ đủ 60 tuổi trở lên đến dưới 75 tuổi”; (3) “Người thuộc hộ gia đình thoát nghèo không thuộc hộ cận nghèo” vào nhóm do ngân sách nhà nước đóng.
Tại Khoản 14, Điều 1 dự thảo Luật về sửa đổi, bổ sung Điều 21 Luật BHYT quy định người tham gia BHYT được Quỹ BHYT thanh toán các chi phí (điểm b, khoản 1, Điều 21). Tại điểm b quy định “b) Vận chuyển người bệnh đối với đối tượng quy định tại các điểm a, b, c, d, e, i, o và r khoản 3 Điều 12 của luật này trong trường hợp cấp cứu hoặc khi đang điều trị nội trú phải chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu chuyên môn bằng xe cứu thương hoặc xe vận chuyển người bệnh;”
Đại biểu Lý Thị Lan đề nghị xem xét, sửa lại quy định trên như sau: “b) Vận chuyển người bệnh đối với đối tượng quy định tại Điều 12 của Luật này trong trường hợp cấp cứu hoặc khi đang điều trị nội trú phải chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu chuyên môn bằng xe cứu thương hoặc xe vận chuyển người bệnh”.
Cũng tại Khoản 23, Điều 1 dự thảo Luật về sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 32 Luật BHYT. Dự thảo luật quy định về sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 2 Điều 32 (Tạm ứng, thanh toán, quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT) như sau: “d) Việc thẩm định quyết toán năm đối với quỹ BHYT phải được thực hiện trước ngày 01 tháng 10 năm sau;”. Đề nghị ban soạn thảo xem xét, sửa đổi lại như sau: “d) Việc thẩm định quyết toán năm đối với quỹ BHYT phải được thực hiện trước ngày 1 tháng 7 năm sau”.
Ngoài ra, đại biểu Lý Thị Lan đề xuất nâng mức hỗ trợ đóng đối với một số nhóm đối tượng quy định tại Luật BHYT (sửa đổi). Theo đó, đối tượng quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 12: Đề xuất ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% mức đóng BHYT cho nhóm người thuộc gia đình cận nghèo. Đối tượng quy định tại điểm b, khoản 4, Điều 12: Đề xuất nâng mức hỗ trợ ngân sách nhà nước từ 30% lên 50% mức đóng cho nhóm học sinh, sinh viên.
Đối với nhóm đối tượng quy định tại điểm g, khoản 4, Điều 12 gồm Người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại các xã thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn mà các xã này được xác định không không còn thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn thì được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng bảo hiểm tế. Mức hỗ trợ và thời gian hỗ trợ đóng BHYT theo quy định của Chính phủ, đại biểu Lý Thị Lan đề xuất nâng mức hỗ trợ đóng lên 100% và kéo dài thời gian hỗ trợ.
Bổ sung đối tượng mắc bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo
ĐBQH Tô Ái Vang (Sóc Trăng) đề nghị bổ sung đối tượng mắc bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo. Bởi, hiện chưa có văn bản quy định thống nhất thế nào là bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo; pháp luật hiện hành về bảo hiểm y tế cũng chưa có danh mục chi tiết về bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo.
Bên cạnh đó, tại khoản 19 Điều 1 sửa đổi bổ sung Điều 27, quy định chuyển người bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT; bổ sung đối với trường hợp đặc thù thì không phải theo trình tự thủ tục khám bệnh, chữa bệnh BHYT, chuyển người bệnh giữa các cơ sở khám bệnh BHYT theo quy định.
Đại biểu Tô Ái Vang cũng đề nghị viết lại quy định tại điểm 1 khoản 25 Điều 1 như sau: “91% số tiền đóng bảo hiểm y tế dành cho khám bệnh, chữa bệnh được phân bổ, giao dự toán hàng năm đến bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ sở khám chữa bệnh BHYT".
ĐBQH Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) đề nghị tiếp tục nghiên cứu, quan tâm một số vấn đề. Theo đó, trong nhóm chính sách cần có quy định khung để làm cơ sở cho Chính phủ trong việc quy định nâng cao dịch vụ y tế, đảm bảo dịch vụ trong sử dụng bảo hiểm y tế, nhất là tuyến cơ sở. Đề nghị tăng cường kiểm soát, giám sát chất lượng dịch vụ y tế để tránh tình trạng lạm dụng, sử dụng lãng phí nguồn lực. Bên cạnh đó, cần có cơ chế trong việc thanh toán chi trả bảo hiểm y tế giảm bớt giấy tờ, thủ tục, quy trình phức tạp hiện nay.
Đại biểu cũng đề nghị cần có cơ chế để bảo đảm bảo hiểm y tế cho đồng bào dân tộc thiểu số; đẩy mạnh công nghệ thông tin trong quản lý bảo hiểm y tế, tăng bảo mật thông tin cá nhân khi tham gia sử dụng.