Chưa đạt kỳ vọng
Đề án 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội đến năm 2030 là một chủ trương lớn, nhân văn của Đảng, Nhà nước, nhằm giải quyết nhà ở cho người thu nhập thấp và cần phải huy động rất nhiều nguồn vốn. Hưởng ứng Chương trình, Ngân hàng Nhà nước đã báo cáo Chính phủ đưa vào Nghị quyết số 33/NQ-CP việc các ngân hàng thương mại tự nguyện đưa ra một gói 120.000 tỷ đồng; đến nay, đã tăng lên 145.000 tỷ đồng để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh, đầu tư bất động sản.
Theo Chương trình này, vốn do các ngân hàng huy động từ người dân và lãi suất giảm khoảng từ 1,5 - 2% so với mức lãi suất thông thường 3 năm đối với người thu nhập thấp và 5 năm đối với chủ đầu tư. Tuy nhiên, đến nay dù có nhiều chương trình, giải pháp để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội được đưa vào thực hiện nhưng kết quả vẫn chưa đạt được như kỳ vọng.
Giai đoạn 2011 - 2020, chương trình nhà ở xã hội chỉ hoàn thành 42% mục tiêu đề ra. Giai đoạn 2021 - 2025, trong số 428.000 căn nhà dự kiến hoàn thành, đến nay, chỉ đạt gần 40.000 căn, tương đương khoảng 10% kế hoạch. Tuy quy mô vốn đã tăng lên nhưng trên thực tế công tác phát triển nhà ở xã hội đã và đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Nguyên nhân dẫn đến kết quả trên xuất phát từ các vướng mắc pháp lý, thủ tục hành chính phức tạp... khiến không ít dự án bị đình trệ hoặc chậm tiến độ, ảnh hưởng lớn đến mục tiêu xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp.
Theo Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính, trước đây, việc thực hiện dự án nhà ở xã hội có nhiều khó khăn, vướng mắc; tập trung vào 5 yếu tố: quỹ đất, thủ tục, cơ chế, lãi suất và đầu ra thị trường. Mặc dù hiện nay, vấn đề về thủ tục, đầu ra và vốn đã được các quy định của pháp luật "cởi trói" một cách mạnh mẽ nhưng "điểm nghẽn" về lãi suất trong thực hiện nhà ở xã hội vẫn còn nhiều vấn đề phải bàn.
Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội thời gian qua chủ yếu dưới hình thức các "gói hỗ trợ" ngắn và trung hạn, do đó chỉ mang tính thời điểm và không bền vững. TS. Cấn Văn Lực cũng cho biết, hiện nay, gần như chưa có nguồn vốn hỗ trợ nhà ở thương mại vừa túi tiền. Ngoài ra, doanh nghiệp thực hiện dự án nhà ở xã hội cũng đang gặp khó trong việc tiếp cận nguồn đất...
Dành nguồn lực cho nhà ở xã hội
Thực hiện chủ trương chính sách về phát triển nhà ở xã hội mà mới đây nhất là Chỉ thị số 34-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự Lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới; triển khai các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước về cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo xây dựng lại chung cư cũ; Agribank luôn chủ động, khẳng định vai trò tiên phong trong hỗ trợ vốn cho phát triển nhà ở xã hội.
Theo đó, ngay khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, đồng thời phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030"; Agribank đã tích cực tham gia xây dựng chương trình tín dụng cho nhà ở xã hội với cam kết phân bổ 30.000 tỷ đồng để hỗ trợ chủ đầu tư và người mua nhà tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Đến nay, Agribank là ngân hàng thương mại dẫn đầu về triển khai cho vay nhà ở xã hội.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng thu nhập thấp có thể tiếp cận nguồn vốn, Agribank thực hiện nhiều chính sách tín dụng ưu đãi. Hiện nay, lãi suất áp dụng đến hết ngày 31.12.2024 đối với chủ đầu tư là 7%/năm và đối với người mua nhà là 6,5%/năm. Thời gian ưu đãi lãi suất đối với chủ đầu tư là 3 năm kể từ ngày giải ngân nhưng không quá thời hạn cho vay tại thỏa thuận cho vay ban đầu, còn đối với người mua nhà là 5 năm. Lãi suất ưu đãi của chương trình được điều chỉnh 6 tháng/lần.
Tính đến cuối tháng 10.2024, Agribank đã phê duyệt 13 dự án nhà ở xã hội tại các tỉnh như Bắc Ninh, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Kiên Giang, Hà Nam, Hải Phòng, Lâm Đồng... với tổng mức phê duyệt đạt 3.095 tỷ đồng; trong đó, doanh số cho vay của Agribank là 976 tỷ đồng. Một số dự án lớn đang triển khai bao gồm: Dự án Nhà ở thuộc Khu thiết chế công đoàn tỉnh Bình Định; Dự án Đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại 39 Lương Khánh Thiện, Hải Phòng và Khu dân cư Đại Thắng, Thái Nguyên.
Để bảo đảm hiệu quả trong triển khai, Agribank đã áp dụng nhiều giải pháp cụ thể, không ngừng cải tiến quy trình xét duyệt hồ sơ, đơn giản hóa thủ tục vay vốn, nhằm giảm thời gian xử lý và bảo đảm nguồn vốn đến tay khách hàng nhanh chóng. Agribank cũng phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương cập nhật danh mục dự án đủ điều kiện vay vốn, cũng như tháo gỡ các khó khăn về pháp lý…
Thời gian tới, Agribank cam kết tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ phát triển nhà ở xã hội. Với những nỗ lực trên, Agribank đang góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội vào năm 2030, mang lại cơ hội an cư cho hàng triệu người thu nhập thấp; đồng thời, thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước.