Chính sách đặc thù hỗ trợ các đối tượng dôi dư sau sắp xếp
Theo đánh giá tại kỳ họp, năm 2024, nền kinh tế của tỉnh Gia Lai được duy trì ổn định và có mặt tiếp tục phát triển so với cùng kỳ; 17/21 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt so với kế hoạch; các lĩnh vực văn hóa - xã hội, giáo dục - đào tạo, y tế tiếp tục được quan tâm; thực hiện kịp thời, đầy đủ các chế độ chính sách cho các đối tượng thụ hưởng. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững ổn định, quốc phòng, an ninh được bảo đảm; công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế được tăng cường.
HĐND tỉnh đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế, khó khăn, phân tích nguyên nhân, đặc biệt là các nguyên nhân chủ quan và trách nhiệm của các cấp, ngành, các địa phương. Từ đó, bổ sung giải pháp cụ thể mang tính tổng thể trên các lĩnh vực nhằm hoàn thiện hệ thống giải pháp khả thi thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra trong năm 2025. Nhất là công tác quản lý, giải ngân vốn đầu tư công; công tác quản lý sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản; quản lý bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường; việc triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; giải quyết các vấn đề trên lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh.
Về chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh trong lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh: đại biểu đề nghị UBND tỉnh cần quan tâm, chỉ đạo quyết liệt đối với một số nội dung.
Cụ thể, tiếp tục chỉ đạo khắc phục những tồn tại, hạn chế đã chỉ ra. Trong đó, có 4 chỉ tiêu thuộc lĩnh vực kinh tế chưa đạt trong năm 2024 nhằm tạo xung lực, động lực mới hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ trong năm 2025 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025) theo Nghị quyết số 46/NQ-HĐND ngày 10.8.2021 của HĐND tỉnh.
Tập trung nguồn lực thực hiện chương trình xóa nhà tạm, dột nát trên địa bàn tỉnh bảo đảm tiến độ đề ra (hoàn thành trước tháng 6.2025). Quyết tâm, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy và cán bộ của hệ thống chính trị trên địa bàn. Theo đó,UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành nghiên cứu các quy định của pháp luật, trình cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành chế độ, chính sách đặc thù của tỉnh hỗ trợ cho các đối tượng dôi dư sau sắp xếp.
Tiếp tục phát huy các nguồn lực, khơi thông các “điểm nghẽn” để phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương; quyết liệt trong triển khai thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Đầu tư, hỗ trợ đầu tư bảo vệ và phát triển rừng
Trên cơ sở đề nghị của Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh, các đại biểu HĐND tỉnh Gia Lai đã thảo luận, xem xét và quyết nghị thông qua 36 nghị quyết. Trong đó, có những nghị quyết nổi bật như: Nghị quyết số 101/2024/NQ-HĐND ngày 11.12.2024 quy định chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hoạt động không chuyên trách dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh Gia Lai; Nghị quyết số 103/2024/NQ-HĐND quy định chính sách đãi ngộ, thu hút, đào tạo nguồn nhân lực bác sỹ tại các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2025-2030; Nghị quyết số 106/2024/NQ-HĐND quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện Chương trình Bố trí dân cư trên địa bàn tỉnh Gia Lai; Nghị quyết số 112/2024/NQ-HĐND quy định mức đầu tư, hỗ trợ đầu tư bảo vệ và phát triển rừng từ nguồn ngân sách Nhà nước.
Nghị quyết số 108/2024//NQ-HĐND sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 72/2023/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Quy định mức thù lao hằng tháng đối với người giữ chức danh lãnh đạo chuyên trách đứng đầu hội, mức khoán kinh phí hỗ trợ để hội chi trả thù lao hằng tháng đối với người giữ chức danh lãnh đạo chuyên trách còn lại (đã nghỉ hưu) tại các hội có tính chất đặc thù được nhà nước hỗ trợ kinh phí thực hiện nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao trên địa bàn tỉnh Gia Lai;
Nghị quyết số 457/NQ-HĐND thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện các ý kiến, kiến nghị sau các đợt giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh đã thực hiện từ đầu nhiệm kỳ đến nay; Nghị quyết số 458/NQ-HĐND về kết quả giám sát việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Mười chín và các kỳ họp trước của HĐND tỉnh chưa được giải quyết hoặc giải quyết chưa dứt điểm…
Tại kỳ họp, các đại biểu đánh giá cao chất lượng hoạt động của Thường trực, các Ban HĐND tỉnh Gia Lai trong năm 2024. Công tác thẩm tra, giám sát các nội dung trình kỳ họp được thực hiện kỹ lưỡng, đúng quy định; công tác tổ chức kỳ họp ngày càng được cải tiến khoa học hơn; tổ chức hiệu quả các phiên giải trình, phiên chất vấn giữa hai kỳ họp HĐND tỉnh; tổ chức cho đại biểu HĐND tỉnh TXCT theo quy định, ngoài địa bàn ứng cử; TXCT theo chuyên đề... Qua đó, đã đồng hành với UBND tỉnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khắc phục tồn tại, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ chung về phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết các vấn đề cử tri, Nhân dân quan tâm.