Tạo đồng thuận, đoàn kết
Theo đó, để kịp thời triển khai việc sắp xếp các sở, phòng chuyên môn và tương đương thuộc sở, phòng chuyên môn thuộc UBND cấp huyện theo tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”, cấp tỉnh không chờ cấp huyện, cấp huyện không chờ cơ sở; không làm gián đoạn, ách tắc công việc, UBND tỉnh yêu cầu các sở, UBND cấp huyện bám sát định hướng sắp xếp theo yêu cầu của Nghị quyết số 18-NQ/TW, yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW. Trên nguyên tắc một cơ quan thực hiện nhiều việc, một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện, chịu trách nhiệm chính.
Đồng thời, tuyên truyền, quán triệt rộng rãi đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương nắm bắt đầy đủ, chính xác các chủ trương, chính sách của Đảng về sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tạo đồng thuận, đoàn kết, thống nhất, dũng cảm, hy sinh của từng cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền vì sự phát triển của đất nước.
Sắp xếp tổ chức bộ máy gắn với giảm biên chế
Theo công văn, tổ chức bộ máy của các sở thực hiện sắp xếp, tinh gọn sẽ giảm tối thiểu 15-20% đầu mối tổ chức bên trong. Trong đó, không bao gồm các tổ chức thuộc diện hợp nhất, sáp nhập do trùng lặp chức năng, nhiệm vụ khi thực hiện hợp nhất các sở theo phương án sắp xếp tương ứng của Trung ương. Rà soát lại tất cả các hoạt động của các ban chỉ đạo theo hướng kết thúc hoạt động, chỉ giữ lại những ban chỉ đạo có chức năng, nhiệm vụ cần thiết.
Sắp xếp tổ chức bộ máy gắn với giảm biên chế cán bộ, công chức, viên chức và cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đề xuất, giải quyết chế độ chính sách theo quy định đối với cán bộ, công chức, viên chức khi thực hiện sắp xếp…
Việc sáp nhập, hợp nhất, kết thúc nhiệm vụ một số sở tương ứng với phương án sắp xếp bộ, ngành của Chính phủ. Phòng chuyên môn và tương đương thuộc sở (gọi chung là phòng thuộc sở) và phòng chuyên môn cấp huyện sau khi sắp xếp phải xác định rõ chức năng, nhiệm vụ tham mưu quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực và bảo đảm về số lượng biên chế tối thiểu theo quy định pháp luật.
Tổ chức thanh tra sở chỉ giữ lại trong các trường hợp và theo thứ tự ưu tiên như sau: theo quy định của Luật; các sở thuộc nhóm ngành, lĩnh vực sau: cơ sở hạ tầng, đô thị; tài chính, kế hoạch; nội vụ-lao động, nguồn nhân lực, chính sách; nông nghiệp, đất đai, môi trường; văn hóa, du lịch; y tế, bảo trợ xã hội. Cơ bản kết thúc mô hình chi cục và tương đương thuộc sở (trừ trường hợp cần thiết).
Đối với tổ chức hành chính thuộc sở đang bố trí hoạt động theo đơn vị hành chính cấp huyện thì nghiên cứu, rà soát, sáp nhập hình thành tổ chức có phạm vi quản lý, hoạt động liên huyện hoặc khu vực. Không thành lập tổ chức pháp chế riêng tại các sở. Rà soát hiện trạng nhân lực, tổng chỉ tiêu biên chế được giao để bố trí đủ cho bộ phận trực tiếp làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ chuyên ngành của ngành, lĩnh vực.
Việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy các sở trên cơ sở tổng số biên chế được cấp thẩm quyền giao gắn với việc xem xét, điều tiết biên chế giữa các sở cho phù hợp. Tạm dừng việc điều động, bổ nhiệm, luân chuyển nội bộ (trừ trường hợp đã có chủ trương trước ngày 1.12.2024; trường hợp cần thiết phải có ý kiến của cơ quan quản lý cấp trên) cho đến khi hoàn thành phương án sắp xếp bộ máy các sở.
UBND cấp huyện xây dựng phương án, xin chủ trương cấp có thẩm quyền và trình HĐND cấp huyện xem xét, quyết định việc thành lập, bãi bỏ phòng chuyên môn cấp huyện tương ứng với phương án sắp xếp của trung ương, của tỉnh. Nghiên cứu phương án sắp xếp phòng chuyên môn cấp huyện có từ 3 biên chế trở xuống để hình thành tổ chức đa ngành, lĩnh vực nhằm giảm đầu mối, tăng nhân lực trực tiếp làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ.
Đồng thời, UBND tỉnh cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành liên quan đối với việc sắp xếp, sáp nhập, hợp nhất, điều chuyển chức năng, nhiệm vụ…