Khẩn trương, quyết liệt, trách nhiệm
- Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất đã thành công tốt đẹp. Cảm nhận của ông về kết quả của kỳ họp chưa từng có tiền lệ này như thế nào?
- Vì tính chất bất thường của kỳ họp này nên công tác chuẩn bị tổ chức kỳ họp được tiến hành rất khẩn trương nhưng vẫn bảo đảm chất lượng. Cá nhân tôi cũng như các đại biểu Quốc hội khác đều có một cảm nhận chung là kỳ họp diễn ra rất thành công, suôn sẻ và không có gì “khác thường” so với những kỳ họp khác. Vì công tác chuẩn bị được tiến hành rất chu đáo, bài bản, chặt chẽ, khoa học. Điều đó cho thấy, Lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã làm rất tốt công tác điều hành, lãnh đạo, chỉ đạo việc chuẩn bị tổ chức kỳ họp này.
Trong thời gian diễn ra kỳ họp, Đoàn Chủ tịch điều hành các phiên họp rất năng động, linh hoạt, hiệu quả, tạo được không khí cởi mở, dân chủ, khích lệ được các đại biểu tham gia thảo luận tích cực, đi vào đúng trọng tâm vấn đề. Công tác chuẩn bị tổ chức kỳ họp và công tác điều hành của lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã góp phần vào thành công chung của kỳ họp.
- Ông đánh giá thế nào về chương trình nghị sự của kỳ họp bất thường?
- Chương trình nghị sự của kỳ họp lần này tập trung vào những vấn đề thực sự cấp bách, cần được tháo gỡ ngay nhằm hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế - xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, cho thấy Quốc hội luôn đặt lợi ích của đất nước, của người dân lên trên hết, trước hết. Quốc hội luôn sẵn sàng hành động khi có những vấn đề cấp bách mà thực tiễn cuộc sống đặt ra liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của Nhân dân cũng như phục vụ quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
Chúng ta cũng thấy, trong quá trình chuẩn bị và diễn ra kỳ họp, thời gian làm việc của các cơ quan của Quốc hội không phải chỉ 8 tiếng theo quy định, mà thậm chí là không có ngày lễ, ngày nghỉ, làm việc thâu đêm đến hôm sau để bảo đảm tiến độ chuẩn bị tài liệu, tiếp thu, chỉnh lý các văn bản cho kỳ họp. Tinh thần làm việc rất khẩn trương, quyết liệt, trách nhiệm, không quản ngại phục vụ Nhân dân, vì lợi ích của Nhân dân.
- Các nội dung trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp bất thường đều là những vấn đề khó. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để các đại biểu xem xét và đưa ra quyết định đúng đắn nhất trong thời gian gấp như vậy, thưa ông?
- Do những nội dung trình Quốc hội xem xét quyết định lần này đều là những vấn đề mới, khó, cấp bách nên công tác chuẩn bị nội dung của kỳ họp rất khẩn trương. Để đại biểu Quốc hội có đủ cơ sở, căn cứ thảo luận, cho ý kiến về các nội dung dự thảo luật, dự thảo nghị quyết và quyết định đối với những vấn đề được trình ra, thì việc thông tin cung cấp cho các đại biểu là vô cùng quan trọng.
Tại kỳ họp này, dự án luật, các dự thảo nghị quyết đưa ra thảo luận đều kèm theo các báo cáo giải trình, tiếp thu, đánh giá tác động, các ý kiến thẩm tra của các cơ quan, ban, ngành liên quan. Nếu nghiên cứu hết các tài liệu được cung cấp qua ứng dụng trên iPad thì đại biểu có đủ thông tin, cơ sở để đóng góp ý kiến và đưa ra quyết định đúng đắn nhất.
Các vấn đề được đưa ra tại kỳ họp này khá trọng tâm, tập trung tháo gỡ khó khăn về thể chế, pháp luật cho doanh nghiệp, nhà đầu tư nên các ý kiến phát biểu của các đại biểu rất tập trung, đi đúng vào những điểm cần thảo luận, tìm giải pháp tháo gỡ. Các đại biểu đã phát huy trí tuệ, tinh thần trách nhiệm cao trước cử tri, thẳng thắn phân tích những mặt trái, chỉ ra những hệ lụy, tác động không mong muốn có thể có của những chính sách được đề xuất sửa đổi. Với các ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội, báo cáo tiếp thu, chỉnh lý của cơ quan thẩm tra, dự thảo Luật và các dự thảo Nghị quyết đã có nhiều thay đổi so với bản dự thảo ban đầu Chính phủ trình Quốc hội.
Kịp thời trong phản ứng chính sách
- Một trong 4 nội dung Quốc hội xem xét quyết định tại kỳ họp bất thường được dư luận xã hội quan tâm là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật. Ông đánh giá thế nào về tính hiệu quả của kỹ thuật "một luật sửa nhiều luật" trong công tác lập pháp của Quốc hội?
- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của một số luật được Quốc hội thông qua theo quy trình rút gọn thể hiện tính kịp thời trong phản ứng chính sách và công tác lập pháp trước những đòi hỏi cấp bách nhất mà thực tiễn cuộc sống đặt ra, nhằm tháo gỡ ngay những vướng mắc về thể chế, pháp luật cản trở các doanh nghiệp, nhà đầu tư phục hồi trong bối cảnh đại dịch khi chúng ta chưa thể sửa đổi toàn diện các luật chuyên ngành liên quan.
Việc Quốc hội vận dụng kỹ thuật lập pháp "một luật sửa nhiều luật" giúp khắc phục nhanh chóng những mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật. Bởi, thực tiễn cho thấy, các luật được ban hành tại những thời điểm khác nhau nên khó tránh khỏi tình trạng thiếu thống nhất khi điều chỉnh cùng một vấn đề. Vì vậy, kỹ thuật “một luật sửa nhiều luật” là giải pháp tạo sự thống nhất trong pháp luật.
Từ những vướng mắc thực tiễn cuộc sống đặt ra, việc điều chỉnh kịp thời là cần thiết. Qua đó, chúng ta cũng rút ra bài học kinh nghiệm rằng, quá trình xây dựng, ban hành pháp luật cần bám sát thực tiễn cuộc sống nhiều hơn, đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện tác động của chính sách và lấy ý kiến của tất cả các đối tượng chịu sự tác động của chính sách, quy định được đề xuất sửa đổi, bổ sung để bảo đảm cao nhất tính khả thi.
- Thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật, có ý kiến cho rằng không nên lạm dụng kỹ thuật lập pháp “một luật sửa nhiều luật”. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
- Trong bối cảnh hệ thống luật pháp của nước ta hiện nay chưa hoàn chỉnh, đồng bộ và cũng chưa ổn định do nền kinh tế vẫn đang trong quá trình vận động và phát triển, thì sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn phát triển của đất nước là đương nhiên. Mong muốn của Quốc hội cũng như người dân và doanh nghiệp đều mong muốn ban hành hệ thống luật pháp càng có tính ổn định và sức sống lâu dài càng tốt. Quốc hội đã, đang và sẽ không ngừng nỗ lực, phấn đấu hướng tới mục tiêu đó. Nhưng nếu sự ổn định đó gây ra những rào cản cho cuộc sống của người dân, cho hoạt động của doanh nghiệp và sự phát triển của đất nước, thì sự ổn định đấy không phải là tốt. Hơn nữa, việc dùng một luật sửa nhiều luật cũng xuất phát từ tính cấp bách của những vấn đề cần được tháo gỡ thực tiễn cuộc sống đang đặt ra. Thực tế, trong điều kiện hiện nay, kỹ thuật "một luật sửa nhiều luật" vẫn là giải pháp kịp thời và hiệu quả.
- Xin cảm ơn ông!