TS. Bùi Ngọc Thanh
Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội
Từ Hiến pháp năm 1946 đến Hiến pháp năm 2013, cả 5 bản Hiến pháp đều đã quy định Quốc hội có thể họp bất thường khi có yêu cầu. Tương tự như vậy cả 5 văn bản Luật Tổ chức Quốc hội từ năm 1960 đến năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) cũng đều khẳng định điều đó(1), nhưng cho tới nay (tháng 1.2022), trải qua 76 năm, lần đầu tiên Quốc hội tổ chức kỳ họp bất thường.
Sự đồng thuận rất cao của Quốc hội
Như các phương tiện thông tin đại chúng đã nhấn đậm, kỳ họp đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình, giải quyết thấu đáo 4 vấn đề rất quan trọng và đã thành công rất tốt đẹp. Trong đó có những vấn đề cấp bách “nước sôi, lửa bỏng” - “việc hôm nay không thể để ngày mai”.
Với “chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”. Quốc hội đã nhất trí tán thành thông qua Nghị quyết này với tỷ lệ đại biểu tham gia biểu quyết tán thành lên tới 99,53% (424/426). Quy mô giá trị của chính sách tài khóa, tiền tệ lên tới 350 nghìn tỷ đồng. Hiện tại cả nước vẫn đang ra sức thực hiện “mục tiêu kép” và chuẩn bị cho phát triển lâu dài. Gói 350 nghìn tỷ đồng phục vụ cho 4 nhiệm vụ lớn, cấp bách. Mộtlà, đầu tư phát triển y tế để có năng lực cao hơn, tiếp tục phòng, chống Covid-19 đang diễn biến phức tạp khó lường, bảo đảm cho mọi hoạt động xã hội trong điều kiện bình thường mới với ý nghĩa y tế là “vũ khí”, là mặt trận hàng đầu chống dịch. Hai là, chi cho an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động và tạo việc làm. Đây chính là khắc phục hậu họa nặng nề của đại dịch đã gây ra cho xã hội. Bên cạnh tạo việc làm phải trợ cấp cho người dân, cho các lực lượng lao động bị giảm nặng hoặc mất thu nhập. Một đặc điểm của người lao động là, mất việc làm (không làm việc) nhưng vẫn phải tiêu dùng với mức độ cần thiết để duy trì sự sống và khả năng lao động), do đó không thể không tài trợ lúc này. Đây chính là nét ưu việt của thể chế chính trị của chúng ta. Ba là, hỗ trợ các doanh nghiệp, các hợp tác xã, đơn vị sản xuất. Đây cũng chính là khắc phục hậu quả mà đại dịch đã tàn phá khốc liệt, khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh là nhiệm vụ sống còn, cấp bách của cấp bách. Bốn là, đầu tư khôi phục và phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ cho sự phát triển của toàn bộ nền kinh tế - xã hội trước mắt cũng như lâu dài. Và đây cũng chính là thực hiện một trong 3 đột phá chiến lược và một trong 10 nhiệm vụ quan trọng mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định...
Cả 4 nhiệm vụ có mối quan hệ đan xen, là chỗ dựa, là tiền đề cho nhau ổn định và phát triển. Xử lý các công việc đó sớm được ngày nào tốt ngày đó và ngược lại, chậm trễ ngày nào sẽ thêm khó khăn thêm ngày đó.
Với dự án làm một luật, sửa đổi, bổ sung 9 luật: Nghị quyết về vấn đề này cũng đạt tỷ lệ đồng thuận cao (93,56% số đại biểu có mặt). Đây cũng là loại vấn đề cấp bách mang ý nghĩa nhiều mặt. Trước hết là, phải thực hiện ngay càng sớm càng tốt một trong những nhiệm vụ của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, sớm khắc phục tình trạng “hệ thống pháp luật còn một số quy định chưa thống nhất, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn” để phấn đấu “xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định” mà Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ(2). Thực tiễn cũng cho thấy, giữa Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Đấu thầu, Luật Nhà ở đang tồn đọng hơn 20 điểm xung đột, chồng chéo(3), và những mâu thuẫn ở một số luật khác. Vì vậy, ngay lập tức phải tháo gỡ những chồng chéo, mâu thuẫn đó để luật được thực thi thông thoáng trong đầu tư, trong quản trị doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh, trong các hoạt động của xã hội. Đặc biệt là phải phục vụ ngay cho việc phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh trong điều kiện đẩy mạnh phòng, chống đại dịch Covid-19...
Hai vấn đề còn lại cũng được Quốc hội cân nhắc kỹ lưỡng và đạt được sự thống nhất khá cao. Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đạt tới 98,94% số đại biểu có mặt. Tương tự, Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ đạt 98,72%.
Lấy quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm
Các đối tượng thụ hưởng chính sách (người dân và cộng đồng doanh nghiệp) đã và đang tỏ rõ sự vui mừng, phấn khởi và tin tưởng. Các nghị quyết Quốc hội vừa thông qua tại Kỳ họp bất thường sẽ được Chính phủ, các cấp, các ngành tổ chức thực hiện nghiêm túc. Như Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được đánh giá sẽ là hy vọng, là “cứu cánh” để bảo đảm phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, tạo thêm nhiều việc làm, bảo đảm và nâng cao đời sống mọi mặt của người dân. Vực dậy và phát triển vững chắc nền kinh tế - điều kiện hàng đầu của sự tồn tại một xã hội đang được bảo đảm chắc chắn.
Trước những tác hại bất thường, quy mô lớn, kéo dài của đại dịch Covid-19, Nhà nước đã hết sức có trách nhiệm trước Nhân dân. Quốc hội đồng hành với Chính phủ, đề xuất, nghiên cứu, lựa chọn vấn đề, cân nhắc kỹ lưỡng từng việc, từng chi tiết để quyết nghị chính xác, kịp thời đáp ứng tốt nhất yêu cầu của thực tiễn. Sự kiện này càng tỏ rõ sự lãnh đạo, quản lý nhạy bén, hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước ta.
Riêng Quốc hội đã có được một số bài học kinh nghiệm như lời bế mạc kỳ họp của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: “Với việc tổ chức thành công Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, chúng ta có bài học quý để những kỳ họp “bất thường” trở thành hoạt động “bình thường” của Quốc hội nhằm đáp ứng kịp thời đòi hỏi cấp bách của thực tiễn cuộc sống”. (4)
Về mặt luật pháp, tới đây Quốc hội cũng phải nghiên cứu những vấn đề nhằm hoàn thiện tổ chức kỳ họp bất thường trong những điều kiện khác nhau. Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội chỉ mới quy định chủ thể có quyền yêu cầu tổ chức kỳ họp bất thường mà chưa quy định gì về nội dung kỳ họp nhằm giải quyết những vấn đề gì, như thế nào. Qua Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất cho thấy: Về nội dung, phải là những vấn đề hết sức cấp bách không thể trì hoãn, hoặc là những vấn đề càng được giải quyết sớm càng có lợi, càng có hiệu quả và càng tiết kiệm được chi phí đầu tư. Tuy nhiên, phải tính toán kỹ càng thực tế các nguồn lực.
Cũng có ý kiến cho rằng, số lượng đại biểu chuyên trách ngày càng nhiều thì rất có thể Quốc hội sẽ tiến tới họp hàng quý hoặc họp 3 kỳ trong năm theo xu thế đại biểu chuyên trách, Quốc hội tiến đến chuyên trách.
Trong muôn vàn khó khăn do đại dịch gây ra, Quốc hội ngày càng hoàn thiện việc tổ chức kỳ họp trực tuyến, biểu quyết trực tuyến, quản lý kỳ họp trực tuyến, cung cấp tài liệu qua mạng, tiến đến hiện thực hóa “kỳ họp không giấy tờ” và nhiều đổi mới, hoàn thiện khác.
Tuy nhiên, bài học lớn trước hết và trên hết vẫn là tuyệt đối tuân thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, nhạy bén, kịp thời, sát sao của Đảng, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Đây vừa là bài học, vừa là nguyên nhân quan trọng của thắng lợi Kỳ họp bất thường đầu tiên. Nội dung lãnh đạo, chỉ đạo có thể tổng quát lại là: Lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, của doanh nghiệp làm trọng tâm thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển nhanh và bền vững trong mọi tình huống, mọi lúc, mọi nơi.
____
(1) Điều 28 Hiến pháp 1946, Điều 46 Hiến pháp 1959, Điều 85 Hiến pháp 1980, Điều 86 Hiến pháp 1992, Điều 83 Hiến pháp 2013; Điều 1 Luật Tổ chức QH 1960, Điều 15 Luật tổ chức QH và Hội đồng Nhà nước 1981, Điều 53 Luật Tổ chức QH 1992, Điều 62 Luật Tổ chức QH 2001 và Điều 90 Luật Tổ chức QH 2014 (sửa đổi, bổ sung 2020).
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 1, trang 89, 175., Nxb CTQG, HN. 2021.
(3) Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI): Báo cáo nhanh về 20 điểm xung đột, chồng chéo lớn của pháp luật tại Hội nghị của Chính phủ về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật, ngày 24.11.2020 (tại Hà Nội).
(4) Báo Đại biểu Nhân dân số 12, ngày 12.1.2022.