Chậm ngày nào, doanh nghiệp khó khăn ngày đó
- Theo ông, Nghị quyết của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất có những khác biệt như thế nào so với một số gói kích thích kinh tế từng được áp dụng trước đây?
- Gói chính sách tài khóa, tiền tệ được Quốc hội quyết định tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để chúng ta chủ động phòng, chống dịch, hỗ trợ kịp thời cho phục hồi và phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Đây cũng là gói chính sách hỗ trợ có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, phạm vi áp dụng trong nhiều lĩnh vực, thời gian áp dụng ngắn.
Gói chính sách tài khóa, tiền tệ lần này cũng có ý nghĩa rộng hơn khi gắn với quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, phát triển bền vững của nước ta. Ngoài việc hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp, người dân, phạm vi áp dụng lần này còn với xây dựng cơ sở hạ tầng và cải cách hành chính - là hai điều kiện cần cho quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, phát triển bền vững trong thời gian tới. Do vậy, cá nhân tôi đặt nhiều kỳ vọng và mong mỏi với quá trình thực hiện các chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi kinh tế trong thời gian tới.
- Theo ông, trong quá trình thực hiện các chính sách tài khóa, tiền tệ cần chú ý những vấn đề nào để bảo đảm hiệu quả chính sách?
- Trong triển khai các chính sách tài khóa, tiền tệ, Chính phủ và các bộ ngành cần chú ý triển khai hỗ trợ đúng đối tượng, đúng mục tiêu. Đây không chỉ là mối quan tâm, mà là một trong những yếu tố quyết định hiệu quả của các chính sách hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Điều này đòi hỏi cần xây dựng tiêu chí, điều kiện cụ thể, rõ ràng, công bằng, hợp lý để xác định đủ, đúng đối tượng đối với từng loại hỗ trợ là rất quan trọng, đặc biệt là đối với nội dung hỗ trợ có phạm vi rộng hoặc nhu cầu được hỗ trợ nhiều.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần khẩn trương ban hành chương trình, kế hoạch hành động ngay. Chậm ngày nào, là doanh nghiệp, người dân, nền kinh tế khó khăn thêm ngày đó và có thể giảm hiệu quả của các chính sách. Chính phủ cần chủ động cải cách thủ tục, quy trình thuộc phạm vi thẩm quyền để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Chương trình, chủ động cải cách thủ tục hành chính để giúp đưa hỗ trợ sớm đến với doanh nghiệp, người dân.
Các cơ quan chức năng cũng phải theo dõi sát sao, chủ động triển khai biện pháp ngăn chặn rủi ro, không để trục lợi chính sách xảy ra hoặc trở thành chính sách mang tính "ăn xổi". Bởi, có thể thấy, những quy định hành chính hay thẩm định hồ sơ vay vốn chỉ là "khóa nhỏ", quan trọng là đối tượng vay có thực sự dùng tiền vay từ ngân hàng được hỗ trợ lãi suất này vào đầu tư cho sản xuất, kinh doanh hay không. Tương tự, các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng được lựa chọn không thể chỉ nhìn vào quy mô thực hiện, quan trọng là để phát huy hiệu quả phải kèm theo những điều kiện nào, có thể đáp ứng được ngay hay không.
Tôi cũng hy vọng, tinh thần quyết liệt, tư duy hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, tinh thần không ngại đổi mới, tìm kiếm cách làm mới trong giai đoạn phòng, chống dịch bệnh cần được tiếp tục trong giai đoạn phục hồi và trong quá trình tổ chức thực thi Chương trình này. Tinh thần khẩn trương, quyết liệt hành động như đã thấy ở Quốc hội, Chính phủ vừa qua phải trở thành phương châm hành động của các bộ, ngành, địa phương.
Phải giám sát chặt chẽ việc thực hiện
- Để những mong mỏi, kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp, người dân đối với gói chính sách tài khoá, tiền tệ vừa được Quốc hội thông qua sớm trở thành hiện thực, theo ông, cần chú ý những yếu tố nào?
- Kỳ vọng và mong mỏi với gói chính sách tài khóa, tiền tệ vừa được Quốc hội quyết định nói riêng và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nói chung là rất lớn. Tôi cho rằng, để phát huy hiệu quả của gói chính sách, trước hết, phải chọn đúng và trúng dự án đầu tư cơ sở hạ tầng. Các dự án được đưa vào danh mục đầu tư, thụ hưởng chính sách phải tập trung vào lĩnh vực then chốt, tạo sức bật, lan tỏa, tránh phát sinh cơ chế xin - cho. Việc đầu tư tập trung vào một khu vực hay đầu tư dàn trải đều phải tránh. Đầu tư theo hai hướng này đều khó tạo ra hiệu quả cao, thậm chí có thể chỉ là ăn chia giữa các đơn vị, doanh nghiệp, chỉ giúp tăng một chút cầu cho nền kinh tế chứ không thể tạo ra sức bật. Chúng ta phải chắt chiu từng đồng vốn để có thể triển khai các gói chính sách giúp phục hồi kinh tế nên sử dụng lỗi một đồng vốn nào lúc này đều rất đáng trách.
Một yêu cầu nữa trong triển khai thực hiện của Chính phủ, các bộ ngành là phải bảo đảm gói chính sách tài khóa, tiền tệ này sẽ được giữ trong phạm vi 350 nghìn tỷ đồng như Quốc hội quyết định, không được phép đội giá, phát sinh chi phí thực hiện. Nguy cơ này rất dễ xảy ra ở các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, lấy lý do tăng giá hàng hóa, thiết bị, thiếu vốn là sẽ lại xin điều chỉnh tổng mức đầu tư, làm đội vốn thực hiện.
Cùng với việc quyết liệt triển khai các chính sách vừa được Quốc hội thông qua thì yêu cầu thanh tra, kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện là rất quan trọng để bảo đảm hiệu quả tối ưu của chính sách.
- Theo ông, Quốc hội cần chú ý những vấn đề gì trong giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội?
- Gói chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, thực hiện trên diện rộng, áp dụng với nhiều đối tượng khác nhau, trong khi thời gian áp dụng chỉ trong vòng 2 năm nên nguy cơ phát sinh tiêu cực hoặc bị nhóm lợi ích lợi dụng là có. Do vậy, tôi đánh giá cao việc ngay tại Nghị quyết, Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đề cao trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức, triển khai thực hiện; đồng thời giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
Một điểm đặc biệt nữa là ngay tại Nghị quyết, Quốc hội đã giao Kiểm toán Nhà nước tổ chức thực hiện kiểm toán hằng năm việc thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm thực hiện nhanh, hiệu quả, công khai, minh bạch, chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp cuối các năm 2022, 2023 và kỳ họp giữa năm 2024. Sự tham gia của Kiểm toán Nhà nước ngay từ đầu quá trình thực hiện mỗi dự án, chương trình sẽ mang lại nhiều tác dụng. Điều này có thể thấy ngay trong việc xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021 – 2025, với sự tham gia của Kiểm toán Nhà nước ngay từ giai đoạn đầu đã giúp tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư.
Như vậy, bên cạnh sự giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và từng đại biểu Quốc hội, cần phát huy công cụ đắc lực và sắc bén của Quốc hội là Kiểm toán Nhà nước. Nên xem xét bổ sung chức năng, nhiệm vụ, hoặc đặt ra yêu cầu mới với Kiểm toán Nhà nước trong thực hiện việc thực hiện kiểm toán hàng năm với triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
- Xin cảm ơn ông!