Đàm phán giá được quy định áp dụng riêng với các gói thầu mua biệt dược
Đấu thầu mua thuốc, vật tư y tế là một trong những nội dung được dư luận xã hội và các ĐBQH rất quan tâm và cho ý kiến trong quá trình xây dựng, góp ý vào dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) thời gian qua. Vì vậy, nội dung này đã được Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách tiếp thu, chỉnh lý tại nhiều điều, khoản nhằm luật hóa, giải quyết các khó khăn, vướng mắc đang được dư luận quan tâm. Những nội dung này được chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các ĐBQH và kết quả làm việc với một số bệnh viện lớn tại Hà Nội và đã được sự đồng thuận của Bộ Y tế và cơ quan soạn thảo.
Báo cáo một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn cho biết, Điều 23 dự thảo Luật quy định áp dụng chỉ định thầu đối với “Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, phi tư vấn, thuốc, hóa chất, phương tiện, trang thiết bị y tế, xây lắp phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh, cấp cứu người bệnh cần triển khai ngay để tránh gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe người dân”. Điều 28 dự thảo Luật về hình thức “đàm phán giá” được quy định áp dụng riêng đối với “các gói thầu mua biệt dược gốc, sinh phẩm tham chiếu; thuốc, dược liệu chỉ có từ 1 - 2 nhà sản xuất và trường hợp đặc thù khác”. Chương V (từ điều 54 đến điều 57) dự thảo Luật quy định về “mua sắm tập trung, mua thuốc”… Cụ thể, Điều 56 quy định bao quát các trường hợp mua hóa chất, trang thiết bị y tế, trong đó quy định rõ về thời hạn đấu thầu hóa chất đi kèm sử dụng máy đặt, máy mượn để xét nghiệm tại các bệnh viện hiện nay là 5 năm kể từ ngày Luật này có hiệu lực (tại điểm a, khoản 1 Điều 56). Quy định việc lựa chọn nhà thầu theo số lượng dịch vụ y tế để bảo đảm tính hiệu quả, công khai, minh bạch (điểm b, khoản 1 Điều 56).
Đánh giá cao việc dự thảo Luật đã bổ sung quy định về đấu thầu mua sắm hóa chất đi kèm với sử dụng máy đặt, máy mượn để xét nghiệm tại các bệnh viện, ĐBQH Dương Khắc Mai (Đắk Nông) cho rằng, việc bổ sung quy định này sẽ giúp tháo gỡ những vướng mắc thực tế hiện nay khi các cơ sở y tế không đủ nguồn lực để có thể đấu thầu hóa chất cùng máy xét nghiệm. Tuy nhiên, hình thức đấu thầu này có nhược điểm là rất khó kiểm soát giá dịch vụ khi xét nghiệm. Vì vậy, đại biểu tán thành với quy định của dự thảo Luật theo hướng cho phép thực hiện hình thức đấu thầu này trong thời hạn 5 năm kể từ khi Luật có hiệu lực thi hành để các cơ sở y tế có thời gian xử lý các vấn đề tồn tại hiện nay. Sau thời hạn này, các cơ sở y tế phải chuyển sang các hình thức đấu thầu khác theo quy định để bảo đảm tính minh bạch.
Dự thảo Luật hiện đang quy định áp dụng đối với thuốc biệt dược hoặc thuốc chỉ có một hoặc hai nhà sản xuất. Nêu vấn đề này, ĐBQH Lê Văn Khảm (Bình Dương) cũng đề nghị, cần nghiên cứu bổ sung nội dung đàm phán giá đối với cả thiết bị và vật tư y tế. Bởi, thiết bị y tế thường là các máy móc có yêu cầu rất cao về kỹ thuật, như trong lĩnh vực ung thư có máy xạ trị, máy nội soi can thiệp tim mạch dưới hướng dẫn của siêu âm và thường nó chỉ có một hoặc hai hãng sản xuất bán tại Việt Nam. Máy xét nghiệm sinh hóa hay xét nghiệm miễn dịch, mỗi lĩnh vực cũng có số lượng máy móc hạn chế... Bên cạnh đó, trong điều trị bệnh cũng có những sản phẩm độc quyền, thường là sản phẩm có tính phát minh. Vì vậy, cần có cơ chế đàm phán giá để mua sắm được thiết bị, vật tư y tế với giá tốt nhất. Điều này sẽ có lợi cho cả bệnh nhân và Quỹ Bảo hiểm y tế, vì chi phí mua sắm thiết bị, vật tư y tế chính là yếu tố hình thành nên giá dịch vụ và chi phí khám, chữa bệnh.
Tăng cường phân cấp cho cơ sở y tế trong đấu thầu mua sắm thuốc
Dự thảo Luật hiện đang quy định đấu thầu tập trung được áp dụng khi hàng hóa, dịch vụ cần mua sắm với số lượng lớn. Nêu vấn đề này, ĐBQH Nguyễn Anh Trí (TP. Hà Nội) cũng đề nghị, cần áp dụng đấu thầu tập trung đối với mua sắm thuốc, vật tư y tế với số lượng nhỏ, rất nhỏ, rất ít, rất hiếm. Đại biểu lập luận, quy định như vậy mới đấu thầu được và mới có nhà cung cấp, phục vụ cho bệnh nhân ở tất cả các bệnh viện; qua đó, mới giảm tải được cho các bệnh viện, bởi các bệnh viện tuyến dưới có phác đồ điều trị nhưng vì không có thuốc nên phải lên tuyến trên điều trị. Đại biểu cũng cho rằng, việc áp dụng đấu thầu tập trung đối với mua sắm thuốc, vật tư y tế sẽ giúp hạn chế những tiêu cực trong mua sắm loại hàng hóa đặc biệt này, bệnh nhân cũng không phải mua thuốc trôi nổi trên thị trường. Mặt khác, nếu quy định áp dụng đấu thầu tập trung đối việc mua sắm thuốc, thiết bị, vật tư y tế với số lượng lớn là rất "cồng kềnh". Do đó, đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị nên quy định để các cơ sở y tế, bệnh viện tự đấu thầu là chính, hạn chế đấu thầu tập trung nhằm tạo sự chủ động cho các cơ sở y tế, không phải chờ đợi, đặc biệt là không gây lãng phí.
Giải trình, làm rõ thêm về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn cho biết, việc đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư y tế không chỉ áp dụng theo quy định tại Chương V (từ Điều 53 đến Điều 57) dự thảo Luật quy định về mua sắm tập trung; mua thuốc, hóa chất, trang thiết bị y tế; cung cấp sản phẩm, dịch vụ công, mà có thể áp dụng theo rất nhiều quy định khác về đấu thầu, như quy định về mua sắm trực tiếp, mặc dù quy định giữ nguyên như quy định hiện hành. “Chúng ta có thể căn cứ vào hợp đồng cũ mà mua đến 130% trong hợp đồng mới khi mua sắm trực tiếp với các gói đấu thầu tương tự của cùng chủ đầu tư hoặc của chủ đầu tư khác, cho nên cần nhìn tổng thể các quy định có trong dự thảo Luật”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách nói.
Về đề nghị nên áp dụng hình thức mua sắm tập trung đối với những mặt hàng thuốc hiếm số lượng ít, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhấn mạnh, khi áp dụng hình thức mua sắm tập trung phải áp dụng với số lượng lớn, còn nếu không thì phải phân cấp để cho các bệnh viện, cơ sở y tế tự quyết định. “Ngay cả với những mặt hàng thuốc hiếm thì các bệnh viện, cơ sở y tế cũng tự quyết định được. Hiếm thì giá sẽ khác và trong trường hợp cả nước cần thì chúng ta áp dụng phương án đàm phán giá”, ông Nguyễn Hữu Toàn nói.
Bên cạnh đó, đại diện Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng nêu rõ, dự thảo Luật lần này có điểm mới là quy định danh mục đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư y tế do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành. Danh mục này có thể đưa vào, có thể rút ra. Sau khi hình thành giá trên thị trường thì mặt hàng thuốc, vật tư y tế cần đấu thầu mua sắm có thể được đưa ra khỏi danh mục này. “Với tinh thần như vậy thì phân cấp nhiều cho các đơn vị bệnh viện, trung tâm khám, chữa bệnh. Kể cả danh mục đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư y tế mới đầu có 100 loại thuốc, vật tư y tế nhưng sau khi hình thành thị trường rõ nét rồi thì danh mục đó có thể chỉ còn 5, còn 10”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách nêu rõ.
Đối với các gói đấu thầu liên quan đến các địa phương, không phải chỉ riêng mặt hàng thuốc, vật tư y tế mà kể cả các mặt hàng khác, người ta có thể làm một vài lần và sau đó rút ra khỏi danh mục đấu thầu mua sắm. Như vậy, "vừa tạo sự tự chủ, vừa tạo ra mặt bằng ban đầu khi những loại mới ra”. Nhấn mạnh điều này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng bày tỏ mong muốn, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí và các đại biểu Quốc hội khác tiếp tục phối hợp với Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhằm tiếp tục cho ý kiến, kiến nghị thêm về từng điểm quy định vấn đề này, góp phần hoàn thiện dự thảo Luật.
Thực tế cho thấy, ách tắc trong hoạt động đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư y tế dẫn tới tình trạng thiếu thuốc men, thiếu vật tư y tế phục vụ cho công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân thời gian qua có nguyên nhân chính là tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ thanh tra, kiểm tra nên không dám làm, không dám đấu thầu mua sắm tại một số địa phương và đơn vị. Nêu thực tế này, ĐBQH Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) đề nghị, cần rà soát lại những nội dung liên quan đến đấu thầu mua sắm trong lĩnh vực y tế để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, bảo đảm các điều kiện cho hoạt động khám, chữa bệnh trên cả nước.