Quốc hội đã thấu tiếng lòng của dân
Lê Hồng Hạnh - Trưởng phòng Tư pháp thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh
____________
Một trong những kỳ họp để lại nhiều niềm vui, hạnh phúc cho muôn dân có thể kể đến Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XV. Đúng như chia sẻ của nhiều cử tri, đây là kỳ họp đậm ân tình đại biểu với cử tri, đặc biệt là với cử tri có hoàn cảnh khó khăn. Ngay từ những ngày đầu thiết lập chính quyền cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định mô hình nhà nước của Việt Nam là Nhà nước dân chủ nhân dân. Những quyết sách của Quốc hội là minh chứng hùng hồn theo lời dạy của Người “lợi ích đều vì dân”.
Theo đó, kỳ họp đã thông qua 18 luật, 4 nghị quyết quy phạm pháp luật trên tinh thần đổi mới mạnh mẽ tư duy trong công tác lập pháp theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển. Đặc biệt, việc sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế, thông qua Nghị quyết thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người từ năm 2025; sử dụng kinh phí từ nguồn tiết kiệm 5% chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2024 để triển khai hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát là những quyết sách đậm chữ “tình”, thấu hiểu tâm tư nguyện vọng của đại đa số cử tri trong toàn xã hội, đặc biệt là những cử tri có hoàn cảnh khó khăn.
__________
Quyết sách đậm chữ tình
__________
Luật số 51/2024/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế đã được Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Khóa XV, Kỳ họp thứ Tám thông qua ngày 27.11.2024. Một trong những điểm mới của Luật có hiệu lực từ ngày 1.1.2025 là người bệnh đã được chẩn đoán mắc bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần sử dụng kỹ thuật cao nằm trong danh mục của Bộ Y tế ban hành có thể đến thẳng cơ sở y tế chuyên sâu để điều trị mà không cần phải xin giấy chuyển viện như trước đó. Đây là quy định được các bậc cử tri và Nhân dân trong cả nước rất mong chờ.
Sau khi tiếp cận được các quy định về các điểm mới của Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, bà Lê Thị Dinh ở xã Hưng Nghĩa, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An vỡ òa khi biết từ nay không phải đi một vòng xin giấy chuyển tuyến cho chồng. “Chồng tôi mắc bệnh nặng, thuộc danh mục các bệnh không phải xin giấy chuyển tuyến. Như trước đây hàng năm đều phải xin. Việc miễn giấy chuyển tuyến sẽ giúp bệnh nhân được điều trị nhanh chóng, không phải trải qua quá trình chuyển tuyến rườm rà, từ đó giảm thiểu thời gian và chi phí điều trị. Tôi thấy Quốc hội sửa Luật BHYT rất nhân văn, phù hợp với thực tiễn, tạo thuận lợi cho chúng tôi và các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo", bà Dinh chia sẻ.
Quy định không phải chuyển tuyến khi đi khám bệnh là tin vui đối với chị Hồ Thị Hồng, huyện Eah’Leo, tỉnh Đắk Lắk, không may mắc bệnh nan y, điều kiện kinh tế khó khăn, mỗi lần đi điều trị là cả một thử thách đối với bản thân chị và gia đình. “Muốn lên tỉnh thì phải huyện chuyển, muốn lên bệnh viện Trung ương điều trị cũng phải chuyển từ tỉnh nhưng đi lại khó khăn và nếu không chuyển tuyến được thì lại không có bảo hiểm, chi phí đắt đỏ nên nhiều khi đành chịu. Nay quy định mới của Luật BHYT sửa đổi thì không phải lo lắng đến việc chuyển tuyến trên. Nếu thu xếp được thì tuần tới tôi sẽ đi Bệnh viện Chợ Rẫy thăm khám”, chị Hồng phấn khởi cho biết.
Theo chia sẻ trên các kênh thông tin của đại diện Bệnh viện K, trong ngày đầu tiên của năm 2025 đến sáng 2.1, đã có hơn 20.000 bệnh nhân ung thư điều trị tại Bệnh viện K đã không phải xin giấy chuyển tuyến mới. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi, giảm bớt thủ tục hành chính cho người bệnh BHYT.
Luật BHYT sửa đổi được bệnh nhân mắc bệnh nan y, bệnh hiếm đón nhận trong niềm hạnh phúc. Những quyết sách như việc chuyển tuyến sau khi có hiệu lực thi hành đã được đón nhận trong niềm vui của hàng nghìn người bệnh.
__________
Lợi ích đều vì dân
__________
Nghị quyết 173/2024/QH15 ngày 30.11.2024 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XV nêu rõ: thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người từ năm 2025, bảo đảm sức khỏe cộng đồng, trật tự, an toàn xã hội; giao Chính phủ tổ chức thực hiện cụ thể. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là đối với thanh niên, thiếu niên về tác hại của rượu, bia, thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người. Theo đó, kể từ ngày 1.1.2025, chính thức cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, vận chuyển, chứa chấp và sử dụng thuốc lá điện tử, shisha và “bóng cười”. Đây cũng là một quyết sách được đa số các tầng lớp Nhân dân hưởng ứng, đồng tình.
“Những năm qua, nhiều vụ việc đau lòng liên quan đến thuốc lá điện tử, bóng cười trong giới trẻ đã xảy ra. Đây là một trong những quyết sách tôi cho rằng Quốc hội đã thấu hiểu, lắng nghe thực tiễn, các đại biểu Quốc hội đã thẳng thắn chất vấn, làm rõ trách nhiệm tại Kỳ họp thứ Tám và Quốc hội đã biểu quyết thông qua. Đây là việc cần thiết, cấp bách, bảo vệ sức khỏe Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ”, cử tri Phan Hành, thành phố Đà Nẵng khẳng định.
“Để quy định sớm đi vào cuộc sống, theo tôi ngoài tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là đối với thanh niên, thiếu niên về tác hại của rượu, bia, thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ, bộ, ngành liên quan sớm có các văn bản hướng dẫn cụ thể để các địa phương áp dụng thống nhất”, bà Nguyễn Thị Hoan, Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh bày tỏ.
Một trong những quyết sách mới được sự quan tâm lớn của dư luận và sự đón nhận của các tầng lớp Nhân dân đó chính là việc Quốc hội thống nhất với đề nghị của Chính phủ, Bộ Tài chính dành 5% chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2024 triển khai hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát. Đây được xem như đòn bẩy để nhiều địa phương trong cả nước quyết tâm xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2024, để người dân chuẩn bị đón Tết cổ truyền dân tộc ấm no, hạnh phúc.
Ngay từ những ngày đầu thiết lập chính quyền cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định mô hình nhà nước của Việt Nam là Nhà nước dân chủ nhân dân. Người viết: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân... Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra”. Những quyết sách của Quốc hội là minh chứng hùng hồn theo lời dạy của Người “lợi ích đều vì dân”. Cùng với triển khai thực thi, kỳ vọng Quốc hội cũng sẽ tăng cường công tác giám sát để các quyết sách được tôn trọng, thực hiện nghiêm túc như kỳ vọng của muôn dân.