Khi các loại hàng hóa, dầu nhớt, nhu yếu phẩm cần thiết cho chuyến đi biển hoàn tất thì cũng là lúc hàng chục chủ tàu lưới kéo phường Phổ Thạnh (TX. Đức Phổ) lần lượt vươn khơi bám biển với mong muốn cá, tôm đầy thuyền.
Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá phường Phổ Thạnh Võ Thu phấn khởi nói: Song song với việc tuyên truyền, vận động cùng những biện pháp mạnh, phần lớn các chủ tàu lưới kéo đã thực hiện đầy đủ các thủ tục theo quy định, lắp đặt và cam kết duy trì hoạt động của thiết bị giám sát hành trình (VMS) tàu cá và được Chi cục Thủy sản tỉnh cấp giấy phép khai thác thủy sản trước khi tàu rời bến.
Theo tổng hợp mới nhất, trong năm 2022 và tháng 1.2023, trên địa bàn tỉnh có 59 tàu cá lưới kéo được cấp giấy phép KTTS theo hạn ngạch. Hầu hết những tàu cá này là của ngư dân phường Phổ Thạnh.
Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Văn Mười cho biết: Để đảm bảo các yêu cầu khai thác thủy sản, với những tàu cá trước đây có giấy phép KTTS nghề kéo nhưng hết hạn, nếu chủ tàu đáp ứng đầy đủ các điều kiện và thủ tục, nhất là tuân thủ việc lắp đặt và sử dụng thiết bị VMS trong quá trình khai thác sẽ được cấp lại giấy phép theo hạn ngạch. Tuy nhiên, về lâu dài tỉnh cần có lộ trình và cơ chế giúp ngư dân hành nghề lưới kéo chuyển đổi nghề; trọng tâm là phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá nhằm tạo việc làm cho số lao động đang hoạt động trên các tàu lưới kéo.
Thực hiện các quy định đề ra, Chi cục Thủy sản tỉnh đã phối hợp với chính quyền các địa phương tăng cường tuyên truyền, yêu cầu chủ của 1.061 tàu cá, trong đó có 316 tàu có chiều dài từ 15m trở lên khẩn trương thực hiện các thủ tục có liên quan để được cấp, cấp lại giấy phép theo hạn ngạch. Qua đó, tạo thuận lợi cho lực lượng chức năng trong công tác quản lý tàu cá, cũng như góp sức cùng với cả nước sớm gỡ “thẻ vàng” thủy sản.
Là doanh nghiệp duy nhất trong tỉnh xuất khẩu thủy sản trực tiếp sang thị trường Châu Âu (EU), Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu thủy sản Hải Phú (KCN Quảng Phú) gặp nhiều khó khăn kể từ khi Ủy ban Châu Âu (EC) áp “thẻ vàng”. Việc EU kiểm tra nghiêm ngặt nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu thủy sản từ khai thác dẫn đến chi phí đầu vào của DN tăng cao, sản lượng xuất khẩu đến thị trường EU vì thế giảm.
Để sớm có được “thẻ xanh”, 5 năm qua, song song với việc đầu tư phát triển các sản phẩm mới, đa dạng thị trường xuất khẩu, Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu thủy sản Hải Phú thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các khuyến nghị của EC; chủ động triển khai những biện pháp về quản lý, giám sát truy xuất nguồn gốc trước, trong và sau khi xuất khẩu sản phẩm sang thị trường EU.
Hiện cộng đồng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến và xuất khẩu thủy sản trên địa bàn tỉnh tích cực vận động, khuyến khích chủ tàu, thuyền trưởng chấp hành các quy định chống khai thác hải sản bất hợp pháp. Kiên quyết không thu mua những sản phẩm khai thác không rõ nguồn gốc, hoặc của chủ tàu không thực hiện các quy định về xuất nhập cảng và bốc dỡ hàng hóa qua cảng. Chú trọng tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, quy trình chế biến...
Cùng tháo gỡ khó khăn cho chủ thuyền và các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản trên địa bàn, để gỡ “thẻ vàng” trong thời gian sớm nhất, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã yêu cầu các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp liên quan theo dõi số lượng, truy xuất nguồn gốc, quản lý nguyên liệu thủy sản nhập khẩu... Qua đó, đảm bảo 100% lô hàng thủy sản xuất khẩu sang Châu Âu và các thị trường có yêu cầu truy xuất được nguồn gốc nguyên liệu khai thác và tuân thủ các quy định khi cập cảng.