Tăng cường kết nối cung - cầu
Từ đầu năm 2024, Sở Công Thương Long An trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển TMĐT tỉnh năm 2024 với các nội dung về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực TMĐT tỉnh; hỗ trợ DN Long An tham gia sàn giao dịch TMĐT uy tín; xây dựng, triển khai kế hoạch điều tra, thống kê TMĐT; duy trì, phục hồi dữ liệu sàn giao dịch TMĐT; phần mềm truy xuất nguồn gốc sản phẩm đặc trưng tỉnh Long An; phần mềm quản lý kinh doanh xăng, dầu trực tuyến tỉnh Long An. Sở tập trung nghiên cứu việc triển khai, thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại tại nước ngoài, khuyến khích DN, hợp tác xã của tỉnh tham gia các hoạt động TMĐT quốc tế. Nhờ đó, nhiều nông sản của tỉnh từng bước được quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ qua các sàn TMĐT đến nhiều thị trường trong và ngoài nước.
Để tăng cường kết nối cung - cầu, Sở Công Thương thường xuyên phối hợp các cơ quan thuộc Bộ Công Thương, Tham tán, Thương vụ Việt Nam tại các quốc gia thông tin tình hình thị trường, chính sách, pháp luật đến DN; đồng thời, phối hợp đón nhiều đoàn nước ngoài đến khảo sát, tìm hiểu giao thương với các DN trên địa bàn tỉnh Long An; phối hợp DN, người Việt Nam tại thị trường nước ngoài tìm hiểu thị trường, kết nối tìm nguồn hàng cung ứng.
Sở tiếp tục phối hợp Trung tâm Phát triển TMĐT duy trì phần mềm truy xuất nguồn gốc sản phẩm đặc trưng của tỉnh tại địa chỉ: https://truyxuatnguongoc.longan.gov.vn; đồng thời, triển khai đến các DN, cơ sở kinh doanh đăng ký tham gia Sàn TMĐT Long An tại địa chỉ http://longantrade.com/, kết nối với Sàn TMĐT hợp nhất của Bộ Công Thương tại địa chỉ https://sanviet.vn.
Sở Công Thương hỗ trợ một số nông sản đã qua chế biến như thanh long sấy, khoai lang sấy, chao, lạp xưởng, mắm các loại... lên các sàn TMĐT trong nước như Voso, buudien, Sendo, Shopee, Lazada... Đồng thời, Sở hỗ trợ 15 doanh nghiệp đưa các mặt hàng nông sản thế mạnh của tỉnh như gạo, chanh, thanh long, chuối... lên sàn TMĐT quốc tế Alibaba.com. Sở phối hợp Trung tâm TMĐT khu vực phía Nam - OSB Group hỗ trợ DN trên địa bàn tỉnh tham gia sàn TMĐT Alibaba.com; đồng thời, hỗ trợ 100% kinh phí mua gói dịch vụ thành viên Gold Supplier Basic trên sàn TMĐT Alibaba.com, thiết kế gian hàng trên sàn TMĐT Alibaba.com, chăm sóc gian hàng theo tiêu chuẩn…
Đến gần hơn với người tiêu dùng trong, ngoài nước
Công ty Cổ phần Thực phẩm HG (huyện Thủ Thừa) là một trong những DN được Sở Công Thương hỗ trợ đưa sản phẩm lên sàn TMĐT Alibaba.com, bước đầu nhận được sự quan tâm, phản hồi khá tích cực. Giám đốc Công ty Dương Thị Trúc Giang cho biết: cùng với duy trì các kênh bán hàng truyền thống, Công ty đẩy mạnh quảng bá sản phẩm, giao dịch hàng hóa trên các sàn TMĐT. Nhờ vậy, sản phẩm của Công ty đến gần hơn với người tiêu dùng trong và ngoài nước; đồng thời, giảm bớt chi phí cho các khâu trung gian trong tiêu thụ sản phẩm.
Chanh không hạt Long An giờ đây không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn chinh phục được các thị trường ở châu Á, châu Âu, Bắc Mỹ và Trung Đông. Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Chanh Việt (xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức) Nguyễn Văn Hiển cho biết, bên cạnh chanh tươi, các sản phẩm làm từ chanh cũng dần chinh phục được người tiêu dùng trong và ngoài nước thông qua các sàn TMĐT.
Hợp tác xã Nông nghiệp Công nghệ cao Phước Điền (huyện Cần Giuộc) được thành lập năm 2019. Giám đốc Hợp tác xã Nguyễn Duy Phong đã mạnh dạn khai thác kênh bán hàng qua livestream trên các mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok. Sau quá trình thử nghiệm, anh Phong không ngừng tích lũy kinh nghiệm, tập trung bảo đảm chất lượng sản phẩm và cách giao tiếp thân thiện, thu hút khách hàng. Khi đã thành thạo các kỹ năng livestream bán hàng, anh bắt đầu sản xuất video chia sẻ kinh nghiệm. Nhờ sự hỗ trợ và định hướng đó, thương hiệu hoa lan của hợp tác xã phổ biến hơn, thu hút lượng khách hàng ngày càng tăng, trung bình mỗi ngày tiêu thụ được hơn 300 đơn hàng với khoảng 1.000 cây hoa lan các loại.
Sản phẩm mai tứ quý ghép của anh Nguyễn Văn Hào (xã Quê Mỹ Thạnh, huyện Tân Trụ) được chứng nhận OCOP 3 sao từ tháng 7.2024. Trong một lần tình cờ tìm hiểu trên internet, nhận thấy ghép mai vàng vào gốc mai tứ quý đang được thị trường yêu thích, anh quyết định phát triển thương hiệu riêng ngay trên quê hương. Anh tập trung bán sản phẩm qua các nền tảng TMĐT và kênh YouTube cá nhân, giúp mai ghép tiếp cận được nhiều khách hàng ở xa. Anh xây dựng kênh YouTube Mai ghép Hào Nguyễn với hơn 3.600 lượt theo dõi để chia sẻ kinh nghiệm ghép mai, tiếp thị sản phẩm và cũng là “kênh truyền thông” của bản thân. Nhờ vậy, nhiều khách hàng trên cả nước biết đến vườn mai của anh.
Thời gian tới, Sở Công Thương tiếp tục hỗ trợ các chủ thể sản xuất, kinh doanh đưa nông sản lên các sàn TMĐT; hỗ trợ, thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi TMĐT trong DN và cộng đồng; xây dựng thị trường TMĐT lành mạnh, có tính cạnh tranh và phát triển bền vững; đẩy mạnh hoạt động đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, truy xuất nguồn gốc điện tử.