Khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của địa phương
Chủ cơ sở sản xuất nấm làng Vàng (xã Lại Thượng) Chu Văn Tân phát triển nghề trồng nấm từ năm 2020 với quy mô sản xuất tập trung vào các loại nấm mộc nhĩ và nấm sò; trong đó, gia đình anh tập trung sản xuất 3 loại nấm sò: sò trắng, sò vàng và sò nâu và mộc nhĩ được sản xuất tập trung vào mùa khô. Với kinh nghiệm trong nghề, gia đình anh đã không ngừng cải tiến quy trình sản xuất, chú trọng chất lượng sản phẩm và áp dụng các tiêu chuẩn OCOP để xây dựng thương hiệu. Với nguyên liệu chính của quy trình sản xuất là mùn cưa gỗ cao su và keo, bổ sung thêm vi chất như gạo và ngô; anh cho biết: nấm của cơ sở anh sản xuất nấm trong môi trường sạch, không sử dụng hóa chất hay chất bảo quản.
Nhờ quy trình sản xuất sạch và an toàn, thương hiệu nấm, mộc nhĩ của gia đình anh Tân đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Đây là minh chứng rõ ràng cho thành công của mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường và xây dựng thương hiệu sản phẩm địa phương; anh Tân cho biết: mỗi ngày, cơ sở sản xuất nấm của gia đình cho thu hoạch khoảng 50kg nấm sò, bán buôn với giá khoảng 40.000 đồng/kg, tổng doanh thu mỗi ngày khoảng 2 triệu đồng, sau chi phí riêng cây nấm cũng cho thu lời khoảng 20 triệu/tháng.
Là chủ thể tham gia sản phẩm OCOP của huyện, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Hương Ngải, xã Hương Ngải Nguyễn Đỗ Ban cũng cho biết: năm 2019, HTX đăng ký với huyện tham gia xây dựng sản phẩm OCOP cho các loại rau ăn lá gồm: rau muống, cải bắp, cải xanh, cải ngọt, rau ngót và củ khoai tây. Đến nay, HTX đã có 6 sản phẩm được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP, trong đó có 5 sản phẩm đạt 3 sao, 1 sản phẩm 4 sao. Sau khi sản phẩm của HTX được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP, HTX được huyện tạo điều kiện tham gia quảng bá sản phẩm tại các hội chợ. Nhờ đó, các sản phẩm nông sản được nhiều người biết đến, sản lượng tiêu thụ và giá bán được cải thiện rõ rệt. Nông dân rất phấn khởi, có thêm động lực để mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, từng bước nâng cao chất lượng, quy chuẩn sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn nhiều thị trường.
Theo Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Thạch Thất, trong năm 2024, huyện có 33 sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng mỗi xã một sản phẩm OCOP. Trong đó, 26 sản phẩm đánh giá lần đầu, 7 sản phẩm đánh giá lại. Các sản phẩm gồm: bánh chè lam, chè kho, bánh dầy, bánh chưng, kẹo lạc, bánh gio, cà nén, kẹo vừng, bánh cốm, rau, củ quả, tương ớt, nước mắm, nấm, đồ gia dụng trang trí… Trong đó, xã Đại Đồng 6 sản phẩm, Thạch Xá 5 sản phẩm, Hương Ngải 5 sản phẩm, Yên Bình 4 sản phẩm; 3 xã Lại Thượng, Cẩm Yên, Phùng Xá, mỗi xã 3 sản phẩm; Canh Nậu 2 sản phẩm; Tân Xã 1 sản phẩm.
Các sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng năm 2024 đều là các sản phẩm đặc sản, đặc trưng, truyền thống, thế mạnh của mỗi địa phương trong huyện. Các chủ thể đã quan tâm đến chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc và bao bì nhãn mác theo quy định, khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh về sản vật và sử dụng lao động địa phương, có khả năng mở rộng và liên kết sản xuất để mở rộng thị trường. Thông qua việc đánh giá, phân hạng, khi được công nhận, sản phẩm OCOP sẽ thúc đẩy, tạo điều kiện để phát triển và nâng giá trị sản phẩm… Đồng thời, các chủ thể có sản phẩm sau khi được chứng nhận tiếp tục hoàn thiện, duy trì và nâng cao chất lượng sản phẩm, đầu tư nâng cấp mở rộng quy mô sản xuất, đa dạng mẫu mã bao bì phù hợp với quy định và thị hiếu của thị trường, quan tâm chú trọng đến công tác quảng bá thương hiệu sản phẩm OCOP của địa phương tới người tiêu dùng trong và ngoài huyện.
188 sản phẩm OCOP đạt 3 - 4 sao
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Phùng Khắc Sơn, chương trình OCOP có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, tạo ra các sản phẩm dịch vụ có chất lượng phục vụ phát triển kinh tế tại địa phương, vừa góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, vừa thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất" trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Đồng thời, làm thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu hướng người dân vào kinh tế thị trường, tạo hướng đi mới trong sản xuất kinh doanh các sản phẩm truyền thống có lợi thế ở khu vực nông thôn, góp phần tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp.
Thời gian qua, huyện Thạch Thất đã tích cực đồng hành, hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp, người dân tham gia Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm" OCOP. Tính đến nay, toàn huyện có 188 sản phẩm OCOP đạt 3 - 4 sao, trong đó 68 sản phẩm đạt 3 sao, 120 sản phẩm đạt 4 sao; có 2.447 doanh nghiệp, 11.429 hộ sản xuất, kinh doanh. Năm 2024, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn toàn huyện ước đạt 88.409 tỷ đồng, bằng 109% kế hoạch năm và tăng 15,3% so với năm 2023. Cùng với đó, để giới thiệu các sản phẩm OCOP, làng nghề, nông sản, thực phẩm an toàn tới người tiêu dùng Thủ đô, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Hà Nội phối hợp với UBND huyện Thạch Thất, các sở, ngành, đơn vị, doanh nghiệp tổ chức các sự kiện, hội chợ, hội thảo kết nối giao thương, trưng bày sản phẩm nhằm quảng bá, xúc tiến thương mại, tổ chức các tuần hàng giúp cho các chủ thể giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm an toàn chất lượng đến người tiêu dùng.
Trong đó, UBND huyện Thạch Thất đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Hà Nội tổ chức khai mạc Tuần hàng tư vấn, giới thiệu và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP, làng nghề, nông sản, thực phẩm an toàn năm 2024 tại Quảng trường vườn hoa Phùng Khắc Khoan, trung tâm của huyện. Đồng thời, phấn đấu đến hết năm 2024, huyện phấn đấu có thêm từ 20 - 30 sản phẩm đăng ký mới được công nhận OCOP đạt hạng 3 sao trở lên và hoàn thành 100% số xã, thị trấn có ít nhất 1 sản phẩm trở lên được công nhận OCOP.
Để nâng cao hơn nữa chất lượng các sản phẩm OCOP, Phó Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Chí đề nghị các chủ thể có sản phẩm OCOP được công nhận tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị để đưa sản phẩm OCOP ngày càng phát triển. Các đơn vị phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, cửa hàng kinh doanh đồ thủ công mỹ nghệ, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, các sàn giao dịch điện tử tăng cường kết nối để người tiêu dùng Thủ đô, trong nước và quốc tế nhận diện thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông thôn, xây dựng nông thôn mới bền vững.
Phó Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới TP. Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết: tính từ năm 2019 đến nay, TP. Hà Nội đã đánh giá và chứng nhận 3.021 sản phẩm OCOP, trong đó có 6 sản phẩm đạt 5 sao, 16 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.538 sản phẩm đạt 4 sao và 1.461 sản phẩm đạt 3 sao. Trong năm 2024, thành phố tiếp tục đánh giá, phân hạng khoảng 500 sản phẩm OCOP, nhằm hỗ trợ các chủ thể phát triển, nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng Thủ đô, trong nước và xuất khẩu.
Đặc biệt, thành phố Hà Nội cũng đã triển khai hơn 164 mô hình ứng dụng công nghệ cao và cấp mã truy xuất nguồn gốc (QRCode) cho hơn 13.000 sản phẩm nông, lâm, thủy sản; đồng thời, cùng 43 tỉnh, thành trên cả nước chủ động duy trì và phát triển 977 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, mang lại lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng Thủ đô.
(Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội)