Chỉ đạo xuyên suốt từ cấp tỉnh đến cơ sở và các chủ rừng
Tại Thông báo kết luận số 212/TB-HĐND của Thường trực HĐND tỉnh Gia Lai về kết quả Kỳ họp thứ 19, HĐND tỉnh Khóa XII, nhiệm kỳ 2021 - 2026, Thường trực HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh quan tâm thực hiện các nội dung thuộc lĩnh vực nông - lâm nghiệp, môi trường và du lịch. Theo đó, đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, Thường trực HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh tiếp tục quan tâm, tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, phát huy vai trò của chủ rừng, cơ quan quản lý gắn với trách nhiệm của địa phương nơi có rừng; chú trọng thực hiện các biện pháp phát triển rừng, bảo đảm hiệu quả trồng rừng, phấn đấu đạt tỷ lệ che phủ rừng, tỷ lệ trồng rừng theo kế hoạch đã đề ra.
Thực hiện đề nghị của Thường trực HĐND, để tiếp tục tăng cường quản lý, bảo vệ rừng, phát huy vai trò của chủ rừng, cơ quan quản lý gắn liền trách nhiệm địa phương nơi có rừng, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương, đơn vị chủ rừng thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng; chủ động phòng ngừa nguy cơ gây cháy rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật. Trong đó, đã quy định rõ trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương, đơn vị chủ rừng. Qua đó, công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành trong lĩnh vực lâm nghiệp được thực hiện nghiêm túc, bảo đảm xuyên suốt từ cấp tỉnh đến cơ sở và các đơn vị chủ rừng. Thường xuyên chỉ đạo kiểm tra, kịp thời xử lý hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý trách nhiệm tập thể, tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm trong quản lý bảo vệ rừng. Công tác thanh, kiểm tra về quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc, bảo đảm xuyên suốt từ cấp tỉnh đến cơ sở và đã đạt những kết quả tích cực.
Nhằm tăng cường phát triển rừng, trồng rừng, trồng cây phân tán năm 2024, triển khai thực hiện “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”, UBND tỉnh Gia Lai cũng đã ban hành Công văn số 272/UBND-NL 01.2.2024 chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị chủ rừng triển khai thực hiện “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”, tăng cường công tác phát triển rừng, trồng rừng, trồng cây phân tán năm 2024. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập các đoàn công tác kiểm tra, nắm bắt tình hình thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng, kịp thời giải đáp những khó khăn, vướng mắc của địa phương; phối hợp với UBND các huyện, thị, thành đề ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng tại các địa phương trong thời gian tới.
UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống nhất với các địa phương, ban hành Kế hoạch triển khai công tác trồng rừng, trồng cây phân tán năm 2024 với diện tích dự kiến 10.313ha. Đến ngày 19.11.2024, đã trồng được 9.206,6ha, đạt 102,3% kế hoạch Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh, UBND giao. Chăm sóc rừng trồng đạt 100% kế hoạch năm 2024 với diện tích chăm sóc 32.265ha. Nguồn giống cây lâm nghiệp đưa vào trồng rừng cơ bản được kiểm soát chặt chẽ, có sự phối hợp nhiều cơ quan, ban, ngành liên quan ở địa phương. Chất lượng rừng trồng được cải thiện. Các cơ sở sản xuất, gieo ươm giống cơ bản đáp ứng được về số lượng, chủng loài cho các đơn vị có nhu cầu sử dụng giống trồng rừng. Cơ cấu loài cây trồng rừng sản xuất có xu thế ngày càng đa dạng, có chọn lọc dựa trên các yếu tố thị trường, sinh thái cây trồng theo điều kiện lập địa phù hợp.
Bảo tồn, phát huy giá trị di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên
Đối với việc phát triển văn hóa, du lịch, Thường trực HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử, bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc, khơi dậy tiềm năng thể thao. Đồng thời, đẩy mạnh quảng bá tiềm năng, thế mạnh du lịch với nhiều hình thức phong phú, thiết thực, hiệu quả nhằm thu hút đầu tư, khách du lịch đến với tỉnh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm và thu nhập cho người dân.
Thực hiện nội dung này, UBND tỉnh tiếp thu ý kiến của HĐND tỉnh, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan triển khai đạt một số kết quả cụ thể. Theo đó, công tác bảo tồn, tôn tạo, chống xuống cấp di tích, nhất là di tích lịch sử, công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống được quan tâm thực hiện. Đặc biệt, trong năm 2024 đã thực hiện tốt nhiệm vụ của Đề án Bảo tồn, phát huy giá trị di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên của tỉnh Gia Lai giai đoạn 2023 - 2025 với nhiều hoạt động như: tổ chức phục dựng lễ hội mừng lúa mới của dân tộc Bahnar; tổ chức điều tra thông tin về cồng chiêng và các nghệ nhân thực hành cồng chiêng…
Cùng với đó, để đẩy mạnh quảng bá tiềm năng, thế mạnh du lịch, tỉnh đã tập trung khai thác được thế mạnh về tài nguyên văn hóa, sinh thái của tỉnh như: thắng cảnh thiên nhiên Biển Hồ, hồ Yaly, núi lửa Chư Đang Ya, núi Chư Nâm, hàng thông trăm tuổi… các loại hình này đã thu hút hàng ngàn lượt khách tham quan. Đồng thời, với bề dày của văn hóa mang đậm bản sắc độc đáo của đồng bào các dân tộc thiểu số (người Bahnar và Jarai) đã góp phần tổ chức tốt loại hình du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng tại các buôn làng, trải nghiệm không gian văn hóa cồng chiêng, tham quan tìm hiểu về phong tục tập quán, nghề truyền thống…