Đã chú trọng nghiên cứu, giải quyết kiến nghị cử tri
Tại Kỳ họp thứ Sáu, Ban Dân nguyện sẽ báo cáo với Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV. Để thực hiện tốt nhất nhiệm vụ này, Ban Dân nguyện đã tổ chức phiên họp giải trình, cung cấp thông tin về việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Năm. Bộ trưởng Bộ Y tế và lãnh đạo các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Lao động, Thương binh và Xã hội, Nội vụ, Giáo dục và Đào tạo, Giao thông Vận tải, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã tham dự Phiên họp và giải trình các vấn đề thuộc trách nhiệm của bộ, ngành mình.

Theo báo cáo của Ban Dân nguyện, qua các cuộc tiếp xúc cử tri đã tiếp nhận, tổng hợp được 2.763 kiến nghị và đã chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định. Nội dung kiến nghị liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó một số lĩnh vực tiếp tục được nhiều cử tri quan tâm như: lao động, thương binh và xã hội, y tế, giao thông vận tải, giáo dục - đào tạo, tài nguyên và môi trường, công an, nội vụ, nông nghiệp.
Đến nay, 1.887/2.763 kiến nghị của cử tri đã được trả lời, giải quyết, đạt 68,3%. Trong đó, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp nhận và trả lời 49/69 kiến nghị, đạt 71%; Chính phủ, các Bộ, ngành đã tiếp nhận và trả lời 1.776 kiến nghị, đạt 67,9%.
Báo cáo của Ban Dân nguyện nêu rõ, cùng với sự tập trung, quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương đã chú trọng nghiên cứu, giải quyết kiến nghị cử tri, thể hiện tính cầu thị, tiếp thu kiến nghị cử tri khi thực hiện công tác quản lý, điều hành, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Việc tiếp thu, nghiên cứu và giải quyết các kiến nghị cử tri đã góp phần tháo gỡ có hiệu quả nhiều khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định tình hình trật tự, an toàn xã hội, cải thiện đời sống của Nhân dân, tạo niềm tin cho cử tri và Nhân dân cả nước.
Qua giám sát, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình ghi nhận, đến nay cơ bản tập hợp tương đối đầy đủ văn bản trả lời. Trong đó, một số kiến nghị cụ thể của cử tri đã được Bộ, ngành nghiên cứu, đưa ra các giải pháp thiết thực để giải quyết hoặc giải đáp đầy đủ về những vấn đề cử tri quan tâm, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho địa phương, góp phần ổn định và cải thiện đời sống người dân, đáp ứng được nguyện vọng của cử tri.
Tuy nhiên, qua giám sát, Ban Dân nguyện nhận thấy, một số Bộ, ngành địa phương trả lời chưa đầy đủ; có tình trạng Bộ, ngành chậm xây dựng, trình ban hành quy định về hỗ trợ bảo hiểm y tế tại vùng an toàn khu. Đồng thời, còn tình trạng quy định trong văn bản hướng dẫn không đúng với quy định của luật hoặc có sai sót nên có quy định không thực hiện được; một số vấn đề cử tri kiến nghị có phạm vi áp dụng trong toàn quốc chưa được kịp thời giải quyết; một số Bộ, ngành trả lời kiến nghị cử tri không đúng thời hạn...
Phải có đầu mối tiếp nhận, theo dõi việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri
Qua giám sát, Ban Dân nguyện cũng chỉ rõ các Bộ trả lời kiến nghị không đúng thời hạn với số lượng lớn gồm: Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Tài nguyên và Môi trường, Công thương, Giáo dục và Đào tạo, Y tế.

Giải trình tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, những vấn đề được cử tri, người dân quan tâm và gửi kiến nghị đến Bộ Y tế chủ yếu liên quan đến tài chính, tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập, bảo hiểm y tế... là những nội dung, chính sách được điều chỉnh bởi Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), cũng như dự án Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) đang được hoàn thiện để sớm trình Quốc hội.
Trong đó, đối với những vấn đề liên quan đến Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Y tế nêu rõ, dù Luật đã được thông qua và có hiệu lực thi hành, nhưng một số nội dung, chính sách trong Luật để triển khai trong thực tiễn cần chờ nghị định quy định chi tiết, sẽ có hiệu lực từ ngày 1.1.2024. Khi nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi) có hiệu lực thì sẽ giúp giải quyết nhiều vấn đề được cử tri đưa ra.
“Mặt khác, sau đại dịch Covid-19, Bộ Y tế đang tập trung giải quyết nhiều vấn đề tồn đọng, nên có những văn bản trả lời cử tri chậm được ban hành. Ngành y tế mong Ban Dân nguyện, các cơ quan của Quốc hội chia sẻ với ngành. Chúng tôi sẽ cố gắng hết mức để trả lời, giải quyết các kiến nghị của cử tri liên quan đến lĩnh vực y tế trong thời gian tới”, Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết, số lượng kiến nghị cử tri gửi đến Bộ Giáo dục và Đào tạo rất lớn, đều là những vấn đề phức tạp. Số lượng công việc lớn, yêu cầu cao, trong khi với thu nhập của công chức hiện nay rất khó tuyển được người giỏi vào các đơn vị thuộc Bộ nên đã xảy ra khuyết điểm được Ban Dân nguyện đưa ra. Trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cam kết, sẽ đôn đốc các cơ quan, đơn vị nghiên cứu, trả lời kiến nghị của cử tri, khắc phục hiệu quả hạn chế này.

Cùng với tình trạng trả lời kiến nghị không đúng thời hạn với số lượng lớn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai và Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Minh Nam đặc biệt lưu ý tình trạng một số nội dung trả lời của Bộ, ngành chưa bảo đảm về chất lượng, trả lời chung chung hoặc quá kỹ thuật. Đại biểu Lê Minh Nam đề nghị, trong quá trình trả lời ý kiến cử tri cần rõ ràng và đúng vào trọng tâm vấn đề cử tri đưa ra, như vậy cũng sẽ giúp giảm bớt các kiến nghị mới.

Nhấn mạnh các báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp của Quốc hội luôn nhận được sự quan tâm lớn của đại biểu Quốc hội và cử tri, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội Phạm Thái Hà đề nghị, lãnh đạo các Bộ, ngành cần quan tâm hơn nữa đến công tác này, tạo lập một đầu mối tiếp nhận, đôn đốc và chịu trách nhiệm báo cáo với lãnh đạo Bộ về việc trả lời, giải quyết kiến nghị cử tri.