ĐBQH Nguyễn Danh (Gia Lai): Tránh thất thoát, lãng phí tài nguyên
Điều 4, Khoản 3 có ghi: “Nhà nước đầu tư và tổ chức thực hiện điều tra cơ bản và thăm dò khai thác khoáng sản”, nhưng ở Điều 46 lại ghi: “tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác khoáng sản thông qua đấu giá phải hoàn trả chi phí thăm dò cho tổ chức, cá nhân thăm dò”. Rõ ràng việc hoàn trả chi phí thăm dò là đương nhiên giữa bên hợp đồng là Nhà nước và bên đơn vị thăm dò là các tổ chức hoặc cá nhân hợp đồng, không nên đặt vấn đề thanh toán với bên thứ ba là bên khai thác. Chẳng lẽ chưa khai thác là chưa trả tiền thăm dò hay sao? Do đó cần xem lại để phù hợp với thông lệ và thuận tiện cho doanh nghiệp cũng như thống nhất với Khoản 3, Điều 4 ngay trong dự thảo Luật này và thống nhất chung cho hình thức khai thác qua đấu giá cũng như không phải qua đấu giá khai mỏ.
Tài nguyên khoáng sản nước ta đa dạng chủng loại, nhưng hạn chế về tiềm năng, những khoáng sản quý hiếm có ít, những khoáng sản ta có nhiều thì thế giới cũng có nhiều. Một số khoáng sản có giá trị như: than, dầu mỏ, chúng ta đã khai thác gần cạn. Cần có những biện pháp tích cực tránh thất thoát, lãng phí tài nguyên quốc gia và đáp ứng mục tiêu công bằng, chia sẻ lợi ích giữa các thế hệ. Do vậy tại Khoản 4, Điều 7, Nhà nước có chính sách đối với xuất khẩu khoáng sản trong từng thời kỳ phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững để không vi phạm thỏa hiệp riêng về tự do hóa thương mại và đáp ứng phát triển lâu bền, xây dựng chiến lược quốc gia về khai thác tài nguyên khoáng sản. Cần xác định loại nào dừng khai thác, loại nào khai thác trễ lại, loại nào khai thác phổ biến... Phải cập nhật được chỉ số cạn kiệt của từng loại tài nguyên khoáng sản trên thế giới và ở trong nước để xây dựng chiến lược bền vững và hiệu quả.
ĐBQH Nguyễn Văn Tuyết (Yên Bái): Nếu chung chung thì rất khó
Ở Điều 6, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý quy định về quyền lợi của nhân dân địa phương nơi có khoáng sản được khai thác. Nhưng tôi thấy quy định như vậy thì trong thực tế tính khả thi rất khó. Ở đây chúng ta nói: địa phương nơi có khoáng sản được khai thác, được Nhà nước điều tiết khoản thu từ hoạt động khoáng sản để hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội theo quy định của pháp luật, Luật Ngân sách Nhà nước. Tôi đề nghị, cần quy định rõ hơn, quy định theo mức, rồi tỷ lệ phân chia lợi nhuận từ việc khai thác khoáng sản này dựa trên doanh thu của đơn vị, ví dụ: nhân dân địa phương 30%, Nhà nước 40% và tổ chức, cá nhân khai thác 30% để nhằm bảo đảm được quyền lợi của nhân dân địa phương. Đồng thời quy định rõ về cơ chế quản lý và sử dụng các nguồn thu này của địa phương cho phù hợp theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước; như sử dụng nguồn này vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng, hoạt động công ích, văn hóa… Còn nếu nói chung chung thì khó trong việc thực hiện.
Ở Khoản 2, Điều 6 có nêu: trong quá trình khai thác khoáng sản nếu gây thiệt hại đến hạ tầng kỹ thuật thì tùy theo mức độ thiệt hại phải có trách nhiệm sửa chữa, duy tu, xây dựng mới hoặc bồi thường. Nhưng nếu gây thiệt hại đến sản xuất thì có phải bồi thường hay không? Vì thực tế, trong quá trình khai thác khoáng sản thì nguồn nước, môi trường bị ảnh hưởng; phải đưa vào luật là phải bồi thường để khả thi.
ĐBQH Lê Quốc Dung (Thái Bình): Nên giao thẩm quyền lập và trình phê duyệt thăm dò khai thác khoáng sản cho Bộ Tài nguyên và Môi trường
Khoản 2, Điều 31 về thẩm quyền lập, trình, phê duyệt quy hoạch thăm dò và khai thác khoáng sản có ghi: Chính phủ chỉ đạo và phân công các bộ, ngành để lập, trình và phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản cấp quốc gia. Về vấn đề này, Kỳ họp trước, Ủy ban Kinh tế đã thẩm tra và phát hiện ra rằng Tờ trình của Chính phủ vẫn đề nghị lập và trình phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản giao cho Bộ Công thương. Ủy ban Kinh tế đề nghị tách ra loại quy hoạch khoáng sản thăm dò khai thác thì giao cho bộ chuyên ngành. Nhưng dự thảo Nghị định của Chính phủ kỳ này vẫn là giao cho Bộ Công thương làm thẩm quyền này.
Chúng tôi đặt vấn đề: ai, bộ, ngành nào là cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản để chúng ta giao hệ thống công cụ này cho cơ quan chức năng đó? Ở đây chắc chắn Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chức năng quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản, còn Bộ Công thương không có chức năng quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản; Bộ Công thương chỉ có chức năng về sản xuất công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Vì vậy, hệ thống công cụ để quản lý nhà nước về khoáng sản hiện nay đang được xác lập để giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường bao gồm: điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản; khu vực hóa các khu vực về khoáng sản; cấp phép về khoáng sản; thanh tra về khoáng sản. Trong lập quy hoạch thăm dò và khai thác khoáng sản có những nội dung: khoanh vùng dự trữ về khoáng sản, những khu vực hoạt động về khoáng sản, những khu vực cấm về khoáng sản, những khu vực tạm thời cấm về khoáng sản, những khu vực nhỏ lẻ để phân cấp cho các địa phương về khoáng sản… - đều do Bộ Tài nguyên và Môi trường làm là đúng chức năng. Nhưng riêng về quy hoạch, lập và phê duyệt, thăm dò khai thác khoáng sản Chính phủ vẫn giao cho Bộ Công thương. Tôi cho rằng, hệ thống công cụ phải thống nhất và logic. Nếu Bộ Tài nguyên và Môi trường không lập quy hoạch mà Bộ Công thương lập quy hoạch thì làm sao Bộ Công thương có hệ thống điều tra, có bản đồ, có thông tin để làm quy hoạch cho tốt? Việc giao lại quy hoạch cho Bộ Tài Nguyên và Môi trường để cấp phép, để khu vực hóa khoáng sản - việc phân công như thế sẽ không đúng với quy tắc chức năng quản lý Nhà nước, không phục vụ cho hành chính Nhà nước một cách thuận tiện.
Tôi đề nghị thiết kế lại Khoản 2, Điều 31 vẫn giao thẩm quyền lập và trình phê duyệt thăm dò khai thác khoáng sản cho Bộ Tài nguyên và Môi trường, vì chức năng này rất đúng với Bộ Tài nguyên và Môi trường.
ĐBQH Lưu Thị Chi Lan (Vĩnh Phúc): Bảo đảm quyền lợi của người dân vùng khai thác khoáng sản
Theo Hiến pháp, ở Điều 17 quy định về tài nguyên trong đó có khoáng sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu quản lý. Vì vậy, việc khai thác và sử dụng khoáng sản phải đóng góp vào phát triển chung của đất nước, đặc biệt là phải bảo đảm quyền lợi của người dân vùng khai thác khoáng sản. Hơn nữa, theo chủ trương chung khai thác tài nguyên phải bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng.
Tuy nhiên, các quy định của luật và văn bản dưới luật mới chỉ bảo đảm lợi ích cho doanh nghiệp và Nhà nước, còn lợi ích của cộng đồng nơi có hoạt động khoáng sản chưa được tách ra mà gộp chung với lợi ích của Nhà nước. Tuy nhiên, về vấn đề này mới chỉ được quy định ở điều duy nhất trong dự thảo Luật, là Điều 6. Để bảo vệ quyền lợi của người dân địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác, tôi đề nghị nội dung này nên được tách thành một chương riêng và bổ sung các quy định cụ thể trên cơ sở nội dung của Quyết định 219 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách bảo vệ quyền lợi của nhân dân địa phương nơi có khoáng sản được khai thác, chế biến và bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác.
Thực tế hiện nay cho thấy, khi các doanh nghiệp khai thác khoáng sản thu lợi nhuận cao thì cộng đồng dân cư nơi có hoạt động khoáng sản lại chịu nhiều thiệt thòi do không được chia sẻ công bằng và phải chịu rất nhiều tác động bất lợi. Vì các dạng tài nguyên như: đất, nước, rừng ... bị tổn hại, môi trường sống bị ô nhiễm và cơ sở hạ tầng bị xuống cấp. Khi lợi ích từ khai thác tài nguyên khoáng sản không được chia sẻ hợp lý giữa doanh nghiệp, Nhà nước và cộng đồng - thì chắc chắn sẽ nảy sinh mâu thuẫn và xung đột xã hội. Từ phân chia nguồn lực không công bằng và những bức xúc về môi trường, chế độ đền bù... đã làm nảy sinh rất nhiều những mâu thuẫn ở nhiều địa phương vùng khai khoáng. Bên cạnh đó, việc gia tăng khai thác khoáng sản cả về số lượng doanh nghiệp và quy mô khai thác đã dẫn đến sự gia tăng về số lượng lao động đến địa phương vùng khai khoáng. Điều này tạo thêm áp lực rất lớn cho địa phương trong công tác quản lý và làm nảy sinh tệ nạn xã hội trong khu vực khai khoáng.
Do vậy, bên cạnh những lợi ích kinh tế và những hiệu quả đầu tư của ngành khai khoáng, Việt Nam trong thời gian qua đã đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thì dự án Luật cũng nên quan tâm đến vấn đề này và cần có những quy định cụ thể mang tính định lượng mới có thể giải quyết được những phát sinh và ngày càng sâu sắc thêm ở những khu vực mỏ khai thác khoáng sản.