Theo giám tuyển triển lãm Vân Vi, phụ nữ đọc sách không chỉ là một hình ảnh lãng mạn, mà còn mang tính biểu tượng. Nhiều họa sĩ nổi danh trên thế giới từng thích thú với chủ đề này, từ Johannes Vermeer với 2 bức phụ nữ đọc thơ, đến Théodore Roussel, Manet, Picasso, Henri Matisse… đều có tranh phụ nữ đọc sách.
Những năm thế kỷ XVIII - XIX vẫn còn ít phụ nữ đọc sách, làm thơ, tham gia đàm luận các vấn đề chính trị xã hội, cho đến cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, phụ nữ bắt đầu có quyền bầu cử, thực sự tham gia vào các lĩnh vực công việc và hoạt động xã hội mà trước đó chỉ có đàn ông mới tham gia. Bởi thế, lúc ấy chủ đề này là nguồn cảm hứng sáng tác nóng bỏng của nhiều họa sĩ.
Chủ đề phụ nữ đọc sách và tính biểu tượng của nó, tại Việt Nam và so với thời đại hiện giờ, hẳn đã có ít nhiều thay đổi. Dự án này mời 16 họa sĩ tham gia sáng tác. Qua những bức tranh của họ - những người dành nhiều thời gian cho việc quan sát, chiêm nghiệm cuộc sống; và qua cách họ đặt tâm tư vào chủ thể, phần nào ta có thể nhìn thấy phụ nữ trong một khía cạnh đương thời ở Việt Nam.
Liệu họ sẽ thấy hình ảnh một phụ nữ bên cạnh sách vở là một hình ảnh trìu mến hiện lên trong tâm tưởng? một người đẹp bên cạnh thú vui đọc sách tao nhã? hay họ sẽ gắn nó với bộn bề đa nhiệm của những phụ nữ hiện đại - vừa là con người của gia đình, vừa khát khao phát triển nhận thức và cống hiến cho xã hội?
Một chủ đề đơn giản mong muốn có những góc nhìn đa dạng. Các họa sĩ tham gia gồm: Trần Thu Huyền, Nguyễn Văn Trinh, Minh Đàm, Dương Minh Hải, Nguyễn Minh Quân, Phan Cẩm Thượng...