Hội thảo do UBND tỉnh phối hợp với Tạp chí Cộng sản và Cục Du lịch Quốc gia, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, mở đầu chuỗi hoạt động kỷ niệm 10 năm UNESCO công nhận Quần thể danh thắng Tràng An là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.
Tại hội thảo, các nhà khoa học, nhà quản lý, chuyên gia và các doanh nghiệp ý kiến đã góp phần làm rõ thực trạng thị trường sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm của tỉnh; kinh nghiệm trong nước và quốc tế để huy động, khuyến khích phát triển thị trường sản phẩm, quà tặng, quà lưu niệm; đóng góp những ý tưởng, giải pháp phát triển sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm ấn tượng, độc đáo mang sắc thái riêng của vùng đất Cố đô...
Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc nhấn mạnh, phát triển các sản phẩm cho thị trường quà lưu niệm, quà tặng du lịch chuyên nghiệp, độc đáo, bản sắc địa phương miền Cố đô của Ninh Bình là vấn đề cần được quan tâm đầu tư hơn nữa. Đây không chỉ là yếu tố thu hút khách mà là còn yếu tố quan trọng trong giới thiệu, quảng bá văn hóa du lịch địa phương một cách thiết thực, mang lại giá trị kép trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, đưa du lịch địa phương tới gần hơn thị trường trong nước và thế giới.
Trên cơ sở kết quả hội thảo, tỉnh giao Sở Du lịch chủ trì, phối hợp với các cấp, ngành và đơn vị liên quan tham mưu xây dựng Kế hoạch phát triển thị trường các sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm du lịch; nghiên cứu đề xuất tổ chức thường niên các cuộc thi sáng tác mẫu sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm; định kỳ hằng năm tham mưu tổ chức Phiên chợ quà tặng, quà lưu niệm du lịch miền Cố đô, tiến tới tổ chức Lễ hội quà tặng, quà lưu niệm du lịch vùng và quốc gia...
Ninh Bình có tiềm năng lớn để sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm du lịch, bởi có sự đa dạng về điều kiện tự nhiên, văn hóa và thu hút lượng du khách lớn. Ninh Bình là nơi hình thành, lưu giữ nhiều làng nghề thủ công, truyền thống, có bề dày lịch sử, văn hóa hàng trăm năm, hội tụ các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể gắn với đời sống cộng đồng dân cư địa phương.
Hiện nay, tỉnh có 77 làng nghề được công nhận, trong đó có 4 làng nghề chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; 13 làng nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; 46 làng nghề sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ; 11 làng nghề sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh; 3 làng nghề dịch vụ, phục vụ đời sống dân cư nông thôn. Tiêu biểu như các làng nghề: gốm sứ Bồ Bát, thêu ren Văn Lâm - Ninh Hải, đá mỹ nghệ Ninh Vân - Hoa Lư, gốm Gia Thủy - Nho Quan; mỹ nghệ - cói Kim Sơn, mộc Phúc Lộc, đan cót Vân Long…
Nhiều đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chủ động đầu tư máy móc, cải tiến bao bì, mẫu mã, mở rộng sản xuất, kinh doanh các sản phẩm lưu niệm, quà tặng du lịch đặc trưng, bước đầu đem lại hiệu quả tích cực, thúc đẩy ngành "công nghiệp không khói" của tỉnh phát triển.