Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc:

Phát triển điện ảnh bài bản và chuyên nghiệp

- Chủ Nhật, 24/10/2021, 10:09 - Chia sẻ

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Điện ảnh là một loại hình văn hóa, một loại hình nghệ thuật thì phải làm được vai trò này. Để thực hiện được nhiệm vụ này có nhiều yếu tố, trong đó yếu tố quan trọng là luật pháp để tạo ra một hành lang pháp lý tạo điều kiện cho điện ảnh phát triển. Luật pháp không được cản trở hoặc làm hư hỏng những ngành nghệ thuật như điện ảnh. Đây là vấn đề rất lớn cần lưu ý.

Chúng ta đang phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập mạnh mẽ với thế giới. Trong quá trình đó, điều làm nên khác biệt chính là văn hóa, mà điện ảnh là một hình thức nghệ thuật quan trọng giúp xây dựng hình ảnh đất nước, con người, truyền thống Việt Nam cũng như giữ gìn văn hóa dân tộc. Cần nghiên cứu kinh nghiệm các nước, có thể gìn giữ và phát triển nền văn hóa dân tộc thông qua các tác phẩm điện ảnh về lịch sử bảo vệ Tổ quốc, giới thiệu văn hóa vật thể, văn hóa phi vật thể… Những tác phẩm về truyền thống lịch sử dân tộc giúp chúng ta yêu nước hơn. Do vậy, một yêu cầu cần quán triệt với dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) là xây dựng luật pháp để có nhiều tác phẩm điện ảnh tốt phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc. Yêu cầu này cần đặt ra xuyên suốt quá trình xây dựng, xem xét và thông qua dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) và cả trong ban hành nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành luật.   

Toàn cảnh phiên thảo luận tổ 2 sáng ngày 23.10

Về chính sách phát triển điện ảnh, với điện ảnh có lẽ cần đặt vấn đề: Tất cả các tổ chức, cá nhân đều được làm phim theo một khung pháp lý được Nhà nước xây dựng. Khung pháp lý này rất quan trọng để khuyến khích xã hội hóa, thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất phim ảnh. Bên cạnh xã hội hóa, một vấn đề quan trọng khác là Nhà nước cũng nên đặt hàng và hỗ trợ cần thiết cho những tác phẩm điện ảnh về đề tài lịch sử, tư liệu giới thiệu đất nước, con người Việt Nam. Bởi, đất nước Việt Nam có truyền thống hàng nghìn năm lịch sử, có nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nền văn hóa ấy mãi mãi đến đời sau. Những vấn đề thuộc về lịch sử, về tư liệu cuộc kháng chiến anh hùng của dân tộc, giới thiệu đất nước và con người, văn hóa Việt Nam thì Nhà nước cần có cơ chế đặt hàng, hỗ trợ hoặc có hình thức khen thưởng để khuyến khích các cá nhân tham gia sản xuất phim về các chủ đề này. Nếu không chúng ta có thể làm mất dần truyền thống văn hóa. Vấn đề này phải đặt được đặt ra mạnh mẽ hơn trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường như hiện nay.

Từ đòi hỏi của thực tế này cũng cần điều chỉnh hoạt động của Hội đồng thẩm định. Hội đồng thẩm định có vai trò vô cùng quan trọng, đó là tập thể của những người có tầm nhìn, những nghệ sĩ tài năng, có phẩm chất đạo đức. Hội đồng thẩm định làm sao có thể bỏ phiếu theo kiểu lộn xộn được? Khi xem xét một bộ phim, Hội đồng thẩm định sẽ phải đưa ra yêu cầu rất khắt khe. Vừa rồi, do nhiều vấn đề chi phối, đã có một số bộ phim không tốt xuất hiện. Trong nhiều bộ phim gần đây được phát hành, hình ảnh của công an, quân đội, tòa án được thể hiện mờ nhạt. Tuy kết thúc có hậu, nhưng trong mấy chục tập phim chỉ toàn thấy cái ác, ảnh hưởng đến giới trẻ. Phim ảnh phải có cơ cấu, bố cục phù hợp, không để cái ác, các xấu xâm nhập vào xã hội thông qua các bộ phim. Ở đây có vai trò quan trọng của Hội đồng thẩm định. Do đó, phải nghiên cứu xây dựng chính sách để Hội đồng thẩm định là tập hợp những nghệ sĩ, cá nhân có uy tín, đức cao vọng trọng, là những "cây đa, cây đề" có đủ năng lực, tầm nhìn để thẩm định chất lượng, giá trị của tác phẩm điện ảnh.

Chính sách phát hành phim của chúng ta còn thiếu, trong đó trước tiên cần nói đến cơ sở vật chất cho sản xuất phim ảnh. Việc xây dựng các phim trường đã được lên ý tưởng từ rất lâu, song đến nay chưa thực hiện được. Nước ta cũng có nhiều địa điểm thu hút khách du lịch, không chỉ có một số địa danh nổi tiếng, có danh hiệu, được đưa vào phim do Hollywood sản xuất. Cần tạo ra những địa danh nổi tiếng, có danh hiệu đối với nhà sản xuất của các nền điện ảnh nổi tiếng trên thế giới. Cá nhân nào có ý tưởng tốt cần được Nhà nước quan tâm, khuyến khích.

Hiện nay, chúng ta chưa quảng bá, hợp tác, xúc tiến điện ảnh ra quốc tế nhiều. Trong khi đó, nhiều người bạn quốc tế đã biết Việt Nam qua các bộ phim về chiến tranh. Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Algeria ở Việt Nam khi đến gặp tôi chào từ biệt, kết thúc nhiệm kỳ công tác của mình chia sẻ rằng nhớ mãi hình ảnh Điện Biên Phủ vì được xem một bộ phim về địa danh lịch sử này của nước ta. Không chỉ về lịch sử, phim ảnh cũng có thể quảng bá về nghệ thuật, về đời sống xã hội… Do vậy, quy định về quảng bá, xúc tiến phát triển điện ảnh cần có tầm cao hơn trong dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), để chúng ta có chính sách tốt hơn giúp đưa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam ra thế giới nhiều hơn. 

Hiện nay, bạn bè quốc tế đã hiểu Việt Nam nhiều hơn, nhưng chưa hiểu đầy đủ nền văn hóa, lịch sử nước ta. Chúng ta cũng không thể hài lòng với việc một số phim tham gia giải quốc tế, đoạt giải thưởng quốc tế. Sửa đổi Luật Điện ảnh lần này phải làm được những việc lớn hơn, có các chính sách đột phá để xây dựng nền điện ảnh bài bản và chuyên nghiệp.

Thanh Hải lược ghi