Khẳng định vai trò “hạt nhân” trong hoạt động lập pháp
Tiếp tục cụ thể hóa các nghị quyết của Đảng, đặc biệt là Kết luận số 19 của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV, công tác lập pháp tiếp tục là nội dung trọng tâm, chiếm gần 2/3 thời gian của Kỳ họp thứ Bảy với số lượng 24 dự án luật, nghị quyết. Đây là khối lượng nội dung về lập pháp lớn nhất được xem xét tại kỳ họp từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Với tinh thần “chủ động, tích cực, trách nhiệm cao”, ở tất cả các phiên thảo luận về các dự án luật, ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đều có ý kiến phát biểu chuyên sâu, có sự kết hợp giữa khoa học và thực tiễn, được Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao.
Điển hình, thảo luận về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, ĐBQH tỉnh cho rằng, tại Khoản 2 Điều 38 dự thảo Luật có quy định tổ chức hành nghề đấu giá tài sản bán hồ sơ mời tham gia đấu giá, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá tại trụ sở tổ chức hành nghề. Quy định này chưa thực sự phù hợp. Bởi, trên thực tế, có tình trạng tổ chức đấu giá cố tình “trì hoãn” việc người đấu giá đến mua hồ sơ. Do đó, nên quy định là tổ chức đấu giá bán hồ sơ tại UBND cấp xã, huyện có tài sản đấu giá. Đề xuất này của đại biểu được nhiều cử tri đánh giá sẽ tạo thuận lợi cho người tham gia đấu giá có thể tiếp cận được thông tin, tránh tình trạng tổ chức đấu giá làm trì hoãn việc người tham gia đấu giá thực hiện quyền đấu giá. Đối với dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, một trong những nội dung được đông đảo cử tri quan tâm là quy định về tỷ lệ nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông. Theo đó, ĐBQH tỉnh đồng tình với quy định về các hành vi bị nghiêm cấm tại Khoản 2, Điều 10: “Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”. Theo đại biểu, việc cấm người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn đã giúp làm giảm các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, góp phần hình thành văn hóa giao thông: “đã lái xe thì không uống rượu, bia”.
Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa Lại Thế Nguyên, trong hoạt động lập pháp của Quốc hội, ĐBQH có vị trí trung tâm với vai trò hạt nhân có đóng góp quan trọng quyết định chất lượng, hiệu quả, tính khả thi của các dự án luật. “Tôi cho rằng, tinh thần “lập pháp chủ động” của Quốc hội Khóa XV đã và sẽ tiếp tục được lan tỏa, góp phần xây dựng hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của đất nước”.
Đề xuất nhiều giải pháp thiết thực
Không chỉ “tích cực, chủ động” đóng góp ý kiến xây dựng pháp luật, ngay trong tuần làm việc đầu tiên, khi Quốc hội thảo luận về việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều phát biểu ấn tượng, tập trung đưa ra nhiều giải pháp thiết thực để khắc phục bất cập, khó khăn hiện hữu.
Theo ĐBQH tỉnh, Nghị quyết số 43/2022/QH15 là chương trình lớn, đúng đắn, đạt nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên, vẫn cần điều chỉnh để sát thực tiễn, điển hình như chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng được Quốc hội cho phép kéo dài thực hiện đến hết 30.6.2024 có tác động tích cực khi vừa kích cầu tiêu dùng, vừa kích thích sản xuất phát triển. Thực tiễn cho thấy, tình hình doanh nghiệp và nền kinh tế còn nhiều khó khăn, khả năng phục hồi, phát triển chưa thực sự bền vững. Vì vậy, đại biểu đề nghị, Quốc hội tiếp tục cân nhắc xem xét, cho phép kéo dài thêm thời gian thực hiện chính sách này cho phù hợp. Đây là đề xuất thể hiện rõ nét việc đại biểu đã tiếp thu, lắng nghe hơi thở từ thực tiễn cuộc sống để truyền tải tới nghị trường.
Tương tự, tại các phiên thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, bên cạnh đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong chỉ đạo điều hành, tạo ra nhiều chuyển biến tích cực, các ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho rằng, nền kinh tế vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Theo đó, ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đề xuất Chính phủ cần quyết liệt hơn nữa trong tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Trong lĩnh vực nông nghiệp, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh quá trình tích tụ đất đai, đây là vấn đề mấu chốt vì thực tế sản xuất nông nghiệp nước ta vẫn manh mún, nhỏ lẻ. Đồng thời, có cơ chế thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, trong đó trọng tâm là chính sách tiếp cận đất đai, tiếp cận nguồn vốn phải thông thoáng, nguồn nhân lực chất lượng cao cần được quan tâm. Liên quan đến khó khăn trong việc thực hiện cơ chế tự chủ của một số đơn vị sự nghiệp công lập, ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho rằng, Chính phủ, các bộ, ngành cần xác định những đơn vị mang tính chất phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ quản lý nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công cung ứng các dịch vụ cơ bản, thiết yếu để Nhà nước có cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng, bố trí ngân sách phù hợp bảo đảm kinh phí hoạt động cho các đơn vị này.
Theo dõi sát hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa trong đợt họp thứ nhất có thể thấy, các ĐBQH đã bám sát tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo Quốc hội về phát huy “dân chủ, trí tuệ” trong từng phiên họp bằng hàng loạt ý kiến sâu sắc, toàn diện, chuyên sâu vào các dự án luật và các báo cáo, nghị quyết trình tại kỳ họp; góp phần tạo nên kho “tài liệu tham khảo” để Quốc hội có những quyết sách quan trọng tiếp tục hoàn thiện thể chế, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hiện tại, tạo cơ sở, tạo tiền đề, định hướng cho sự phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai.