Khẳng định rõ nét địa vị hiến định của Quốc hội
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến nêu rõ, qua các kỳ Đại hội, nhất là từ năm 1991 đến nay, tại nhiều văn kiện, nghị quyết của Đảng đã đưa ra các quan điểm, chủ trương về đổi mới tổ chức, phương thức hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội theo hướng chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả; đồng thời nâng cao tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, cùng với cơ chế giới thiệu, bầu những người có đức, có tài, có trách nhiệm cao, có bản lĩnh chính trị tham gia Quốc hội, nhằm xây dựng Quốc hội thực sự là Cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, Cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất để thực hiện tốt các chức năng lập hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước, góp phần quan trọng cho sự nghiệp bảo vệ và phát triển đất nước.
Đặc biệt, tại Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã xác định “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị”. Văn kiện cũng chỉ rõ, "tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, bảo đảm Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, Cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, phát huy dân chủ, pháp quyền, tăng tính chuyên nghiệp trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội, thực hiện tốt chức năng lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao".
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh, Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã nâng lên tầng cao mới trong việc chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng đối với việc đổi mới tổ chức và hoạt động của cả hệ thống chính trị và với Quốc hội. Các quan điểm chỉ đạo của Đảng đối với đổi mới Quốc hội thực sự đúng đắn, nhất là trong bối cảnh hiện nay.
Trong tham luận gửi đến Hội thảo, PGS.TS Lê Minh Thông, nguyên Trợ lý Chủ tịch Quốc hội, cho rằng, trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, trước yêu cầu khách quan và định hướng phát triển đất nước giai đoạn mới, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đặt ra nhiệm vụ tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, bảo đảm Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Do đó, việc đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, phát huy dân chủ, pháp quyền, tăng tính chuyên nghiệp trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội cần tập trung vào 3 chức năng quan trọng của Quốc hội là chức năng lập pháp, chức năng quyết định các vấn đề quan trọng quốc gia và chức năng giám sát tối cao.
Trong đó, về lập pháp, PGS.TS Lê Minh Thông đánh giá, công tác xây dựng pháp luật đã có sự đổi mới mạnh mẽ, quy trình ban hành luật, pháp lệnh được hoàn thiện qua các nhiệm kỳ. Công tác lập pháp đã có những tiến bộ về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu của cuộc sống và tiêu chí của hệ thống pháp luật về tính đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai và minh bạch. Quốc hội cũng chú trọng đổi mới phương thức thảo luận, tranh luận, đề cao vai trò của đại biểu Quốc hội trong xây dựng luật.
Quốc hội cũng đã phát huy ngày càng tốt vai trò quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Việc Quốc hội xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước đã dần đi vào nền nếp, quy trình rõ ràng hơn và ngày càng có chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, vì lợi ích của quốc gia, phù hợp với ý chí và nguyện vọng của Nhân dân, góp phần vào ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển đất nước. "Điều này góp phần khẳng định rõ nét hơn địa vị hiến định của Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất", PGS. TS Lê Minh Thông nhấn mạnh.
Cùng với đó, công tác giám sát có chuyển biến rõ nét, chất vấn và trả lời chất vấn được tiến hành thường xuyên, nghiêm túc, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của đại biểu Quốc hội, của Chính phủ và các cơ quan hữu quan trước Nhân dân. Nội dung giám sát có trọng tâm, trọng điểm, bao quát hầu hết các lĩnh vực, ngày càng nâng cao hiệu lực, hiệu quả, đạt được nhiều kết quả quan trọng, được cử tri và Nhân dân đánh giá cao. Thông qua hoạt động giám sát đã khẳng định tính đúng đắn của chính sách, pháp luật, tiếp tục phát huy những việc làm tốt, kịp thời phát hiện hạn chế, bất cập, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật, làm cơ sở cho việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, góp phần bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.
Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện quy trình lập pháp
Cùng với những kết quả rất quan trọng đã đạt được trong thực hiện các chức năng của Quốc hội, các tham luận, ý kiến tại Hội thảo cũng chỉ ra một số hạn chế cần đánh giá và có giải pháp khắc phục và đưa ra nhiều đề xuất cụ thể nhằm tiếp tục đổi mới tổ chức, hoạt động và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội trong thời gian tới.
Theo PGS.TS Lê Minh Thông, cần tiếp tục đổi mới, hoàn thiện quy trình lập pháp theo hướng dân chủ, chặt chẽ, khoa học, hiện đại, chuyên nghiệp, có bước đột phá. Chuyển hoạt động lập pháp từ chiều rộng (xây dựng nhiều dự án luật) đi vào chiều sâu, đảm bảo chất lượng, nội dung của các dự án luật sau khi ban hành được thực thi ngay trong thực tế. Tiếp tục tăng cường tính chủ động của Quốc hội trong công tác lập pháp; sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa cơ quan chủ trì soạn thảo với các cơ quan thẩm tra, tham gia phối hợp từ sớm, từ xa.
Cùng với đó, cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật về quy trình, thủ tục trong quyết định các vấn đề quan trọng quốc gia. Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội cần chủ động có đề xuất ban đầu về các công trình quan trọng, những nội dung về kinh tế - xã hội và những vấn đề quan trọng khác của đất nước; tiếp tục đổi mới và nâng cao hoạt động đối ngoại của Quốc hội theo hướng chủ động, hiệu quả và linh hoạt…
Trong giám sát, PGS.TS Lê Minh Thông đề nghị, cần tiếp tục nâng cao chất lượng giải trình, giám sát văn bản quy phạm pháp luật, chú trọng hoạt động giám sát sau giám sát. Tiếp tục đổi mới hoạt động chất vấn tại Kỳ họp của Quốc hội với những nội dung lớn, vĩ mô, tăng cường chất vấn ở phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nghiên cứu tăng số lần lấy phiếu tín nhiệm trong nhiệm kỳ…
Các ý kiến tại Hội thảo cũng nhấn mạnh, đại biểu Quốc hội có vị trí, vai trò trung tâm, nòng cốt trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội, do đó, đổi mới tổ chức, hoạt động và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội có vai trò quan trọng của đại biểu Quốc hội. Từ thực tiễn nhiều năm làm công tác tham mưu, giúp việc cho Ban Công tác đại biểu và Hội đồng Bầu cử quốc gia, nguyên Vụ trưởng Vụ Công tác đại biểu - Văn phòng Quốc hội Trần Văn Tám nhấn mạnh, để Quốc hội mạnh, hoạt động chất lượng, hiệu lực, hiệu quả thì vấn đề cần chú trọng hàng đầu là tiêu chuẩn, chất lượng, cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội. Trong đó, vị trí pháp lý, tiêu chuẩn, cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu Quốc hội là những mắt xích tương quan gắn kết, tạo nên vai trò, năng lực hoạt động của đại biểu, trong đó tiêu chuẩn, chất lượng đại biểu là yếu tố then chốt hàng đầu. Do vậy, quy định tiêu chuẩn càng rõ ràng, chặt chẽ, cơ cấu, thành phần, số lượng càng hợp lý thì sẽ đảm bảo năng lực, chất lượng hoạt động của đại biểu Quốc hội càng cao.
Trong giai đoạn xây dựng Nhà nước pháp quyền, phát triển nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, một số ý kiến cũng đề nghị cần nghiên cứu có quy định phù hợp hơn về cơ cấu, thành phần đại biểu, để Quốc hội có tính đại diện hài hòa, cân đối hơn, nhằm phát huy hiệu quả nhất vai trò cơ quan quyền lực cao nhất của Nhân dân. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu xây dựng “Tiêu chí đánh giá hoạt động của đại biểu Quốc hội”, xem đây là một căn cứ để tăng cường, hoàn thiện tiêu chuẩn, cơ cấu, chất lượng đại biểu.