Phát huy bản sắc “ngoại giao cây tre”, nâng tầm vị thế quốc tế
Gặt hái thành tựu đối ngoại mới mang ý nghĩa lịch sử
- Xin Bộ trưởng cho biết những dấu ấn đối ngoại và ngoại giao nổi bật, có ý nghĩa nhất trong năm qua? Và đâu là yếu tố đưa đến thành công này?
- Năm 2023 là một năm sôi động về đối ngoại với nhiều dấu ấn nổi bật. Trước hết,quan hệ đối ngoại trên bình diện song phương và đa phương tiếp tục được mở rộng và sâu sắc hơn, trong đó quan hệ với nhiều đối tác quan trọng đã được nâng lên tầm cao mới với những bước phát triển mới về chất, nổi bật là quan hệ với các nước láng giềng, Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và nhiều đối tác khác. Các hoạt động đối ngoại, nhất là đối ngoại cấp cao, diễn ra sôi động, rộng khắp các châu lục và tại nhiều diễn đàn, cơ chế đa phương quan trọng như ASEAN, Liên Hợp Quốc, Tiểu vùng Mekong, APEC, AIPA, COP 28, BRI…
Trong năm qua, chúng ta đã tổ chức tốt 22 chuyến thăm nước ngoài của lãnh đạo chủ chốt và 28 chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao các nước đến Việt Nam, khẳng định tầm vóc và vị thế mới của Việt Nam trên thế giới. Chúng ta tiếp tục phát huy vai trò tại các tổ chức quốc tế quan trọng như Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, UNESCO… cũng như đóng góp tích cực, có trách nhiệm vào các vấn đề chung của thế giới như chống biến đổi khí hậu, gìn giữ hòa bình ở châu Phi, cử lực lượng cứu hộ, cứu nạn sang Thổ Nhĩ Kỳ…
Công tác nghiên cứu, tham mưu và dự báo về đối ngoại đạt nhiều kết quả quan trọng. Trước diễn biến rất phức tạp của tình hình quốc tế, ngành ngoại giao cùng với các ngành, các cấp tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Chính phủ thông qua nhiều đề án quan trọng về đối ngoại, nhất là đề án phát triển quan hệ với một số đối tác quan trọng, hợp tác ASEAN, tiểu vùng Me Kong, chủ trương ứng xử với các sáng kiến của các nước…
Ngoại giao kinh tế tiếp tục được đẩy mạnh trên cơ sở quán triệt tinh thần Chỉ thị 15 của Ban Bí thư, lấy địa phương, doanh nghiệp và người dân là trung tâm phục vụ. Các hoạt động ngoại giao kinh tế đã đóng góp quan trọng vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xuất nhập khẩu năm 2023 đạt gần 700 tỷ USD, trên 30 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, thu hút FDI tăng 14,8%, tiếp cận nhiều nguồn vốn mới có chất lượng trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn.
Môi trường hòa bình, ổn định tiếp tục được giữ vững để phát triển đất nước. Trước những biến động của tình hình quốc tế, ngành ngoại giao cùng quốc phòng, an ninh và các ngành, các cấp kiên trì thúc đẩy đối thoại, đàm phán giải quyết các vấn đề biên giới lãnh thổ, xử lý đúng đắn và kịp thời các hoạt động xâm phạm độc lập, chủ quyền, quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam.
Các lĩnh vực thông tin đối ngoại, ngoại giao văn hóa, công tác người Việt Nam ở nước ngoài, bảo hộ công dân cũng đạt nhiều kết quả quan trọng. Năm 2023, vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới, có thêm 2 thành phố là Đà Lạt và Hội An được công nhận là thành phố sáng tạo của UNESCO; được tín nhiệm bầu vào các cơ quan quan trọng của UNESCO như Phó Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO, Phó Chủ tịch Ủy ban liên chính phủ Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, thành viên Ủy ban Di sản thế giới nhiệm kỳ 2023 - 2027... Chúng ta đã bảo hộ kịp thời, đưa về nước an toàn nhiều công dân, nhất là từ các địa bàn có xung đột, thiên tai.
Những kết quả nói trên có được trước hết là nhờ sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự quản lý tập trung, hiệu quả của Nhà nước; sự đoàn kết, thống nhất với quyết tâm cao, nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị; sự phối hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân; giữa đối ngoại và quốc phòng, an ninh, kinh tế, văn hóa - xã hội. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Chính phủ, ngành ngoại giao đã bám sát đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước, phát huy bản sắc “ngoại giao cây tre" Việt Nam, theo dõi sát diễn biến tình hình thế giới và khu vực, “biết mình, biết người”, “biết thời, biết thế”, linh hoạt, sáng tạo trong sách lược, xử lý các vấn đề đối ngoại theo phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, từ đó có các biện pháp triển khai phù hợp, tận dụng cơ hội và hóa giải thách thức để hoàn thành tốt các nhiệm vụ đối ngoại.
3 trọng tâm đối ngoại 2024
-Trên cơ sở những kết quả đạt được, xin Bộ trưởng cho biết phương hướng trọng tâm, định hướng của ngoại giao Việt Nam trong năm 2024 sẽ là gì và được triển khai như thế nào?
- Năm 2024 có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Những năm tới, tính chất bất ổn và bất định của tình hình quốc tế sẽ còn tiếp diễn, có thể xuất hiện những nhân tố mới, phức tạp hơn. Ở trong nước, kinh tế - xã hội tiếp tục phục hồi và phát triển, song còn nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, cơ đồ tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế của đất nước và những thành quả đối ngoại đạt được trong năm 2023 là nền tảng vững chắc cho đối ngoại và ngoại giao Việt Nam vượt qua khó khăn, thử thách để đóng góp vào thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Trên cơ sở tổ chức thực hiện tốt đường lối đối ngoại Đại hội Đảng XIII và các nghị quyết, kết luận, chỉ thị về đối ngoại mà Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành từ đầu nhiệm kỳ đến nay, phát huy mạnh mẽ bản sắc "ngoại giao cây tre" Việt Nam, ngành ngoại giao tập trung một số trọng tâm sau đây:
Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh đổi mới tư duy về đối ngoại. Với thế và lực mới của nước ta chưa bao giờ có được như ngày nay, cần mạnh dạn vượt ra khỏi tư duy lối mòn, tìm cách làm mới vì lợi ích quốc gia - dân tộc. Muốn vậy, cần đẩy mạnh tổ chức triển khai công tác nghiên cứu, tham mưu, dự báo chiến lược về đối ngoại; nhạy bén phát hiện các vấn đề mới, nhận diện chính xác thời cơ, định vị đúng vị thế chiến lược của đất nước và tranh thủ tốt các xu thế quốc tế để chủ động có chủ trương, quyết sách, bước đi đối ngoại phù hợp.
Thứ hai, phát huy vai trò tiên phong, đồng thời phối hợp chặt chẽ với đối ngoại Đảng, đối ngoại nhân dân, các ngành, các cấp triển khai đồng bộ các binh chủng đối ngoại và ngoại giao nhằm củng cố vững chắc môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, huy động tốt các nguồn lực mới từ bên ngoài cho phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao vị thế, uy tín của đất nước. Trọng tâm là, phát huy hiệu quả các khuôn khổ quan hệ vừa được nâng tầm trong năm vừa qua, thực hiện tốt các thỏa thuận hợp tác đã đạt được, đồng thời tiếp tục làm sâu sắc hơn và nâng tầm quan hệ với các đối tác khác nhằm mở rộng thị trường, thu hút đầu tư chất lượng cao, chuyển giao công nghệ mới, kiến tạo không gian phát triển mới cho đất nước, địa phương, doanh nghiệp và người dân, cũng như phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò và vị thế mới của Việt Nam tại các diễn đàn, cơ chế đa phương có tầm quan trọng chiến lược.
Thứ ba, tập trung tạo bước chuyển mới về xây dựng và phát triển ngành ngoại giao vững mạnh, toàn diện, hiện đại. Trong đó, trọng tâm tổ chức thực hiện tốt các đề án, kế hoạch về đổi mới đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch và bố trí cán bộ; từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất, cơ chế chính sách cho công tác đối ngoại; tiếp tục đổi mới phương thức, lề lối làm việc theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, hiện đại...
“Ngoại giao cây tre… ấy là gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển”
-Chỉ thị số 15 của Ban Bí thư và Chương trình hành động của Chính phủ đã chỉ rõ vai trò của ngoại giao kinh tế. Vậy trong năm 2024, Bộ Ngoại giao sẽ có những phương hướng như thế nào đểtiếp tục đưa công tác ngoại giao kinh tế thực sự trở thành động lực quan trọng cho sự phát triển của đất nước?
- Thực hiện chủ trương“Xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm”, bám sát tư duy mới về ngoại giao kinh tế theo tinh thần Chỉ thị số 15 của Ban Bí thư và Chương trình hành động của Chính phủ, công tác ngoại giao kinh tế đã triển khai đồng bộ, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Trước hết,các ngoại giao kinh tế được triển khai rộng khắp trong các hoạt động đối ngoại, nhất là đối ngoại cấp cao, gắn kết chặt chẽ với ngoại giao chính trị, ngoại giao văn hóa và các lĩnh vực khác của ngoại giao; trong đó, hợp tác kinh tế luôn là nội dung trọng tâm trong nội hàm của các mối quan hệ, nhất là quan hệ với các đối tác quan trọng. Việc chúng ta nâng cấp quan hệ với các nước trong năm qua đã tạo đột phá trong hợp tác kinh tế với nước này, mở ra nhiều cơ hội cho địa phương và doanh nghiệp Việt Nam. Hội nhập kinh tế quốc tế và tham gia các liên kết kinh tế quốc tế đã chủ động, tích cực và hiệu quả hơn. Bên cạnh thực hiện hiệu quả các FTA đã ký, năm 2023, chúng ta đã ký hiệp định thương mại tự do (FTA) với Israel và đang tích cực đàm phán FTA với các đối tác khác; ký trên 70 văn kiện hợp tác của các bộ, ngành và gần 100 thỏa thuận hợp tác của các địa phương và hàng trăm thỏa thuận của các doanh nghiệp... Kết quả là, các hoạt động ngoại giao kinh tế đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu tăng 6 - 7%, thu hút đầu tư FDI trên 28 tỷ USD...
Bước vào năm 2024, kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, rủi ro, bên cạnh cơ hội, thuận lợi, cũng có những thách thức và tác động không thuận. Tiếp tục quán triệt các chủ trương, định hướng của Đảng về ngoại giao kinh tế, sát Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và diễn biến tình hình quốc tế, trong nước, công tác ngoại giao kinh tế tiếp tục tranh thủ tốt thế và lực mới của đất nước, cụ thể hóa các khuôn khổ quan hệ vừa được nâng tầm thành các chương trình, dự án hợp tác kinh tế thiết thực, hiệu quả, nhất là về mở rộng thị trường, tiếp cận các nguồn vốn mới cho phát triển cơ sở hạ tầng, công nghệ cao, chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, thu hút du lịch, xuất khẩu lao động có tay nghề...
Bên cạnh đó, cùng các ngành, các địa phương chủ động, tích cực tháo gỡ các vướng mắc trong hợp tác kinh tế với các đối tác, nhất là các đối tác quan trọng. Nâng cao hiệu quả hỗ trợ các ngành, các địa phương và doanh nghiệp trên tinh thần “lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”.
"Ngoại giao cây tre" là kim chỉ nam
- "Ngoại giao cây tre" đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc tới tại Hội nghị ngoại giao lần thứ 29 năm 2016. Và tại Hội nghị Đối ngoại lần thứ nhất vào năm 2021, cũng là năm đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khái quát một cách rất đậm nét về trường phái Ngoại giao cây tre. Bộ trưởng có thể nói rõ hơn về ý nghĩa của trường phái ngoại giao này và tầm quan trọng đối với Việt Nam trong bối cảnh hiện nay?
- Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 năm 2016, đồng chí Tổng Bí thư lần đầu tiên đề cập đến ngoại giao “cây tre Việt Nam”, và đến Hội nghị Đối ngoại toàn quốc vào tháng 12.2021, đồng chí Tổng Bí thư đã khái quát nội hàm cơ bản của nền đối ngoại, ngoại giao mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”.
Đây là sự tổng kết và khái quát hóa rất cao nội dung cốt lõi và xuyên suốt đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta cũng như bản sắc độc đáo của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam được xây dựng và phát triển trên cơ sở kế thừa, vận dụng sáng tạo tư tưởng, phong cách, nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh, bản sắc văn hóa và ngoại giao của dân tộc đã trường tồn qua lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước.
Hình tượng “cây tre Việt Nam” đã phản ánh sinh động, nhưng rất giản dị, dễ hiểu về những nội dung cốt lõi và xuyên suốt đường lối đối ngoại của Đảng ta cũng như bản sắc độc đáo của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam, đó là gốc vữnglà nguyên tắc vì lợi ích quốc gia - dân tộc, là đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, lấy thực lực làm gốc, lấy đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng để tạo thế, lập thời… Thân chắc là phương thức tạo nên sức mạnh, trong đó sức mạnh đại đoàn kết dân tộc là nhân tố căn bản, sống còn; là kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; là giương cao ngọn cờ chính nghĩa, nhân văn, thủy chung, thượng tôn pháp luật… Cành uyển chuyển là phong cách, nghệ thuật ứng xử linh hoạt trên nguyên tắc “dĩ bất biến, ứng vạn biến”; là cách ứng xử “biết mình, biết người”, “biết thời, biết thế”, “biết tiến, biết thoái”, “biết dừng, biết biến”…
Chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chính là kim chỉ nam cho ngoại giao Việt Nam thực hiện nhiệm vụ trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng và đã được quán triệt sâu rộng trong toàn ngành quyết tâm xây dựng nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, vững mạnh, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”.
- Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Chủ tịch Hội Hữu nghị Lào - Việt Nam, Tiến sĩ Boviengkham Vongdara: "Ngoại giao cây tre" là đường lối “lạt mềm” mà “buộc được chặt”, thể hiện tính bất biến về nguyên tắc và sự linh hoạt trong chiến lược: mềm mại, uyển chuyển mà kiên định; kiên cường, quyết liệt nhưng không cứng nhắc; một đường lối ngoại giao không chỉ hết sức đúng đắn, sáng suốt, mà còn mang đậm bản sắc Việt Nam.
Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Ấn Độ SD Pradhan: “Ngoại giao cây tre” của Việt Nam là một khái niệm chiến lược và có giá trị trong quan hệ quốc tế. Đặc điểm của bản sắc của đường lối đối ngoại này thể hiện sự kiên định trong chính sách và linh hoạt trong quan hệ đối ngoại của Việt Nam dựa trên tư tưởng Hồ Chí Minh cũng như lợi ích quốc gia. Điều này cũng phản ánh sự quan tâm sâu sắc của Việt Nam tới vai trò của chủ nghĩa đa phương trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu. Trong những năm qua, trường phái “ngoại giao cây tre” đã giúp Việt Nam gặt hái được những thành tựu quan trọng trong quan hệ đối ngoại trong bối cảnh tình hình thế giới phức tạp; giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Chuyên gia Ángel Miguel Bastidas González của Venezuela: Với đường lối “ngoại giao cây tre”, Việt Nam đã rất thành công trong duy trì quan hệ với các nước lớn, đồng thời bảo đảm lợi ích quốc gia. Nguyên tắc cốt lõi của “ngoại giao cây tre” là lợi ích quốc gia là trên hết, trên cơ sở kiên trì độc lập, tự chủ, đa dạng hóa và đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại. Những nguyên tắc này bắt nguồn từ tư tưởng ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh và là nền tảng trong đường lối đối ngoại của đất nước.
Nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á (CSEAS), Nhà báo Indonesia Veeramalla Anjaiah: Với đường lối “ngoại giao cây tre”, Việt Nam đã chứng tỏ là ngôi sao đang lên của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và là quốc gia chiến lược ở Đông Nam Á có ảnh hưởng ngoại giao đáng kể trong khu vực.
Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu Abrar Moaser Abed Akbari của Iran: Việt Nam đã dựng được một bản sắc xuất sắc, độc đáo về quan hệ đối ngoại và ngoại giao. "Ngoại giao cây tre" của Việt Nam như một ẩn dụ về sự kiên định cũng như sự linh hoạt, thích ứng trong chính sách đối ngoại; đồng thời sử dụng bản sắc dân tộc để thúc đẩy vị thế toàn cầu, tiến bộ và phát triển bền vững, tác động đến tình hình khu vực và ngày càng hội nhập quốc tế mạnh mẽ hơn.
Thực hiện: Quốc Đạt
Trình bày: Xuân Tùng