Chỉ số Hưu trí toàn cầu của Viện CFA Mercer (MCGPI) năm 2023 đánh giá hệ thống hưu trí của 47 quốc gia đại diện cho 2/3 dân số trên toàn thế giới. Tiêu chí đánh giá được cấu thành từ 3 chỉ số phụ, bao gồm: mức độ bao phủ (mức độ trợ cấp hưu trí của khu vực tư nhân và nhà nước), mức độ bền vững (khả năng bảo đảm của hệ thống hưu trí trong nhiều thập kỷ trong tương lai), mức độ uy tín của quỹ bảo hiểm xã hội (chất lượng quản trị quỹ) để đo lường từng hệ thống thu nhập hưu trí dựa trên hơn 50 chỉ số.
Margaret Franklin, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của CFA cho biết: “Những quốc gia đứng đầu danh sách đã chứng minh rằng họ có hệ thống thu nhập cho những người nghỉ hưu rất hiệu quả và ổn định, mang lại lợi ích cho người thụ hưởng".
Ba hệ thống hưu trí tốt nhất thế giới
Chỉ số đánh giá được biểu thị bằng thang điểm từ 0 đến 100, với giá trị cao hơn biểu thị hệ thống lương hưu ưu việt hơn. Hà Lan có hệ thống hưu trí đạt điểm A, với điểm chỉ số tổng thể là 85. Iceland theo sau với 83,5 điểm và Đan Mạch xếp thứ ba với 81,3 điểm. Trong khi, Argentina có giá trị chỉ số thấp nhất ở mức 42,3, xếp hạng 47.
Hà Lan đứng đầu danh sách với 85 điểm. Một lý do khiến Hà Lan đạt điểm cao là tất cả người lao động đều có cả lương hưu nhà nước và lương hưu tại nơi làm việc gắn liền với thu nhập. Lương hưu công cung cấp một mức lương cố định cho tất cả những người về hưu tùy thuộc vào thời gian họ sống và làm việc. Hà Lan quản trị chặt chẽ hệ thống và các cho phép người nghèo cũng có thể nhận lương hưu tối thiểu, bảo hiểm cho tất cả người lao động trong hệ thống lương hưu tư nhân. Có những yêu cầu đối với người sử dụng lao động để cung cấp lương hưu cho tất cả người lao động. Hơn nữa, người lao động có thể tiết kiệm bằng các khoản đầu tư của chính họ dành cho thu nhập hưu trí.
Đối với Iceland và Đan Mạch, hệ thống hưu trí của họ được tài trợ tốt, với mức tài sản cao so với GDP và mức độ bảo hiểm toàn diện cao. Họ cũng có một hệ thống lương hưu tư nhân phát triển tốt và tập trung mạnh vào sự hiểu biết tài chính của người dân trong việc lập kế hoạch tài chính nghỉ hưu.
Hệ thống hưu trí của Iceland bao gồm lương hưu nhà nước với hai thành phần: các chương trình lương hưu nghề nghiệp bắt buộc yêu cầu cả người sử dụng lao động và người lao động đóng góp vào quỹ lương hưu được chính phủ phê duyệt.
Viện CFA Mercer khẳng định, sự tăng trưởng kinh tế dài hạn của một quốc gia cũng đóng vai trò quan trọng vì điều này ảnh hưởng trực tiếp đến số lượng người trong lực lượng lao động và số tiền tiết kiệm để nghỉ hưu. Ngoài ra, số nợ mà một quốc gia có và số tiền công mà quốc gia đó chi cho lương hưu cũng ảnh hưởng đến tính bền vững của hệ thống hưu trí. Dựa trên những yếu tố này, Iceland có hệ thống bền vững nhất ở châu Âu.
Hệ thống hưu trí của Singapore - điểm sáng của châu Á
Singapore chỉ có một cấu trúc hưu trí đó là Quỹ Phòng xa trung ương (Central Provident Fund - CPF), một chương trình tiết kiệm an sinh xã hội bắt buộc của Chính phủ.
Công dân nước này và người sử dụng lao động bắt buộc đóng góp hàng tháng vào quỹ CPF. Tổng mức đóng góp là 35% thu nhập (trong đó người lao động đóng 20% và người sử dụng đóng 15%). Mức đóng góp giảm dần theo độ tuổi của người lao động, với tổng mức đóng góp còn 13% trong độ tuổi 61 - 65.
Số tiền đóng góp được phân chia vào 3 tài khoản: 1) Tài khoản thông thường, được sử dụng để mua bất động sản, bảo hiểm, đầu tư tài chính và trang trải cho học phí; 2) Tài khoản đặc biệt, được sử dụng để tích lũy tiền tiết kiệm cho tuổi già; 3) Tài khoản y tế, được sử dụng để trang trải viện phí.
Theo MCGPI, hệ thống CPF của Singapore có tổng điểm là 76,3, và lần đầu tiên đạt điểm B+, tốt nhất châu Á và được xếp hạng thứ 7 trong số các quốc gia được đánh giá. Yếu tố thúc đẩy chính đằng sau thành công này là sự gia tăng đáng kể mức độ bao phủ lương hưu.
Theo dữ liệu năm 2023 của CPF, tổng số dư của Quỹ vào khoảng 556,5 tỷ USD, tăng 2% so với năm 2022. Và số dư trong Tài khoản Hưu trí (RA) tăng 4,6% từ năm 2022 lên 105,5 tỷ USD trong quý 2 năm 2023.
Tuy nhiên, tỷ lệ sinh thấp và tuổi thọ kéo dài vẫn là những vấn đề gây áp lực lên hệ thống hưu trí. Do đó, Singapore có kế hoạch nâng độ tuổi nghỉ hưu lên 64 tuổi từ tháng 7.2026 và 65 tuổi vào năm 2030. Điều này dự kiến sẽ củng cố thêm thành viên và mức đóng góp cho kế hoạch hưu trí sau này.
Quỹ CPF của Singapore khá tương đồng với Quỹ Bảo hiểm xã hội của Việt Nam hiện nay và có thể được coi là một hình mẫu cho cải cách dài hạn của Việt Nam.