GRF 2023 do Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) và Thụy Sĩ phối hợp cùng Colombia, Pháp, Nhật Bản, Jordan và Uganda tổ chức, có sự tham dự của hơn 4.200 đại biểu từ 168 quốc gia, một số đại diện cấp cao từ các quốc gia, tổ chức quốc tế và khu vực tư nhân. Ngoài ra, Thụy Sĩ cũng tạo điều kiện cho gần 100 người tị nạn từ khắp nơi trên thế giới tham gia diễn đàn năm nay. Mục tiêu chính của diễn đàn là tăng cường hiệu quả viện trợ cho những người chạy trốn khỏi bạo lực và các cuộc khủng hoảng, đồng thời cải thiện sự phối hợp toàn cầu về vấn đề này.
Diễn đàn mang đến cơ hội tăng cường sự thống nhất và đoàn kết quốc tế dựa trên các nguyên tắc nhân đạo cho người tị nạn và cộng đồng tiếp đón họ. Những người tham gia cam kết thực hiện các hành động thực chất và mang tính chuyển đổi để giải quyết các tình huống tị nạn trên toàn thế giới. Dựa trên cơ sở những thành tựu của Diễn đàn lần thứ nhất vào năm 2019, cộng đồng quốc tế đã cùng nhau tái khẳng định và cam kết hướng tới 4 mục tiêu của Hiệp ước Toàn cầu về Người tị nạn nhằm giảm bớt áp lực cho các nước sở tại; nâng cao khả năng tự lực của người tị nạn; mở rộng khả năng tiếp cận các giải pháp của nước thứ ba; và hỗ trợ các điều kiện ở nước xuất xứ để được trở về an toàn và nhân phẩm.
Khi các cuộc tham vấn về Hiệp ước Toàn cầu về Người tị nạn bắt đầu vào năm 2016, số người bị buộc phải di dời trên khắp thế giới lên tới 65,6 triệu người. Kể từ đó, mỗi năm đều lập kỷ lục liên tiếp về số lượng người phải di dời cao nhất từng được ghi nhận. Tình trạng di dời trên toàn cầu đang gia tăng với tốc độ chưa từng thấy, UNHCR ước tính, tính đến tháng 12.2023, hơn 130 triệu người bị buộc phải di dời hoặc không có quốc tịch trên toàn thế giới. Đối với cộng đồng quốc tế, nhu cầu mở rộng cơ sở hỗ trợ cho người tị nạn chưa bao giờ cấp bách đến vậy.
Cam kết vì lợi ích chung
Các cam kết tài chính với tổng trị giá hơn 2,2 tỷ USD đã được Chính phủ các nước, khu vực tư nhân, các tổ chức từ thiện và các tổ chức khác công bố nhằm xem xét người tị nạn và cộng đồng sở tại trong các chính sách, công cụ tài chính. Bên cạnh cam kết tài chính, các quốc gia cũng cam kết hành động về việc tái định cư 1 triệu người tị nạn vào năm 2030, được hỗ trợ bởi quỹ tài trợ toàn cầu mới, nhằm giúp thêm 3 triệu người tị nạn tiếp cận các nước thứ ba thông qua tài trợ của cộng đồng.
Sau nỗ lực xây dựng lại Chương trình Tiếp nhận Người tị nạn Mỹ (USRAP), Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cam kết tăng cơ hội tái định cư toàn cầu, cụ thể sẽ tiếp nhận tới 125.000 người tị nạn vào Mỹ hàng năm. Ngoài ra, quốc gia này cam kết áp dụng Mạng lưới vận động tái định cư (RDN) vào năm 2024 như một cơ chế tham gia ngoại giao và chiến lược cấp cao nhằm tăng cường, mở rộng khả năng tiếp cận tái định cư người tị nạn toàn cầu, tăng cường các con đường di cư bổ sung cho những người cần được bảo vệ cũng như cung cấp một diễn đàn phối hợp khẩn cấp.
Bên cạnh đó, Liên minh châu Âu (EU) cam kết tái định cư gần 61.000 người tị nạn tại một số quốc gia thành viên trong 2 năm tới. Phát biểu bên lề GRF 2023, Ủy viên phụ trách Nội vụ của EU, bà Ylva Johansson cho biết, từ năm 2015, khu vực này đã tái định cư, cũng như thông qua các chương trình tiếp nhận nhân đạo để bảo vệ hơn 170.000 người ở EU. Và trong năm 2024-2025, 14 nước thành viên sẽ cam kết giải quyết và tiếp nhận nhân đạo cho gần 61.000 người. 31.000 người trong số này sẽ được tái định cư thông qua các chương trình do UNHCR điều hành, con số này cao hơn so với những năm gần đây.
Ngoài ra, trong số các sáng kiến đổi mới nêu trên còn có cam kết Bảo vệ kỹ thuật số của các công ty công nghệ hàng đầu như Google và Meta. Cam kết này sẽ dành nhiều nguồn lực hơn để giải quyết và ngăn chặn thông tin sai lệch cũng như lời nói ác ý nhằm vào cộng đồng những người phải di dời và không quốc tịch. Sự hợp tác này nhằm mục đích tăng cường các phản ứng nhân đạo, bảo đảm sự an toàn và phúc lợi của những người bị ảnh hưởng. Những cam kết này cho thấy sự thống nhất và đoàn kết quốc tế đã được nâng cao.
GRF 2023 đã huy động hơn 1.600 cam kết. Đây là những cam kết quan trọng được hứa hẹn sẽ thúc đẩy nền kinh tế và cộng đồng thông qua đầu tư vào các khu vực tiếp nhận người tị nạn, hỗ trợ doanh nhân tị nạn, việc làm, đào tạo kỹ năng, dịch vụ pháp lý miễn phí. Đồng thời cải thiện khả năng tiếp cận hành động về khí hậu cho người tị nạn, người di dời và người không quốc tịch.
Trong bài phát biểu bế mạc, Cao ủy Liên Hợp Quốc về Người tị nạn Filippo Grandi cho biết, diễn đàn năm nay không chỉ gây ấn tượng về số lượng cam kết mà các quốc gia đã đạt được mà còn là chất lượng của các cam kết.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho biết, những thành tựu ở diễn đàn năm nay đã “thổi sức sống” vào những cam kết của Hiệp ước Toàn cầu về Người tị nạn khi không chỉ hỗ trợ người tị nạn mà còn giảm bớt áp lực lên các nước sở tại, cũng như giải quyết ngay từ đầu các vấn đề mang tính hệ thống khiến người dân buộc phải di dời.
Vẫn còn những áp lực lớn
Tuy nhiên, bên cạnh những cam kết đã đạt được, ông cũng cảnh báo các nguồn lực hỗ trợ người tị nạn đang chịu áp lực rất lớn, đặc biệt là ở phía Nam bán cầu, nơi đang phải chịu gánh nặng người tị nạn quá lớn. Theo Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, “cơn ác mộng” nhân đạo từ Sahel, Afghanistan, Syria và Yemen cho đến Cộng hòa Dân chủ Congo, Myanmar và Somalia, cùng với “sự tàn phá kinh hoàng” thế giới đang chứng kiến” tại Gaza, đã khiến số người phải di dời tăng cao lên mức kỷ lục 114 triệu người trong năm 2023, và 31 triệu người trong số đó là người tị nạn.
Trước tình hình đó, ông nhấn mạnh rằng, việc bảo vệ và giúp đỡ những người tị nạn không nên là một gánh nặng không cân xứng đổ lên vai một số quốc gia và cộng đồng dựa trên vị trí địa lý của họ, mà đó là nghĩa vụ cần được chia sẻ bởi toàn thể nhân loại. Do đó, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc đã kêu gọi các quốc gia đoàn kết và hỗ trợ quốc tế lớn hơn nữa ở cấp khu vực và toàn cầu, cũng như phải tạo điều kiện hòa bình để người tị nạn có thể trở về nhà an toàn.