Theo Báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp và sự ủng hộ của nhân dân, công tác phục hồi, thúc đẩy phát triển du lịch sau đại dịch Covid-19 đã đạt kết quả tích cực, đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Cụ thể, năm 2023, lượng khách du lịch quốc tế đến nước ta đạt 12,5 triệu lượt, vượt mục tiêu đề ra là 8 triệu lượt và đạt mục tiêu đã điều chỉnh. Số khách du lịch nội địa ước đạt 108 triệu lượt khách, vượt 5,8% so với kế hoạch năm. Tổng doanh thu ước đạt 672 nghìn tỷ đồng, vượt 3,38% so với kế hoạch năm 2023. Việt Nam lần thứ 4 được vinh danh là Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới tại Lễ trao giải thưởng du lịch thế giới năm 2023 và nhiều danh hiệu khác được trao cho các điểm đến như Hội An, TP. Hồ Chí Minh, các cơ sở lưu trú du lịch.
Sang năm 2024, mục tiêu ngành đặt ra là đón 17 - 18 triệu lượt khách quốc tế; phục vụ 110 triệu lượt khách nội địa, trong đó có khoảng 72,5 triệu lượt khách có lưu trú; tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 840 nghìn tỷ đồng. Đến hết tháng 4, tổng lượng khách quốc tế đã đạt 6,2 triệu lượt, tăng tới 68,3% so với cùng kỳ năm 2023. Lượng khách du lịch nội địa đạt 40,5 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch đạt 273 nghìn tỷ đồng.
Dù đạt những kết quả tích cực nhưng như chính thừa nhận trong Báo cáo là còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đó là việc một số thị trường khách du lịch quốc tế trọng điểm chưa phục hồi như trước dịch Covid-19. Nguồn nhân lực du lịch chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Cơ cấu nguồn nhân lực về chất lượng và số lượng vẫn chưa phục hồi hoàn toàn, vẫn còn tình trạng thiếu hướng dẫn viên đối với các thị trường trọng điểm cũng như thị trường mới nổi.
Đặc biệt, dù đã được cải thiện nhưng còn thiếu những sản phẩm du lịch mới, đặc sắc nổi bật, thiếu các khu phức hợp vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, mua sắm, ẩm thực hiện đại, quy mô quốc tế. Hoạt động vận tải khách du lịch còn nhiều khó khăn do hạ tầng cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu; giá vé máy bay nội địa tăng cao. Số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành du lịch chiếm tỷ lệ lớn nên khả năng cạnh tranh, thâm nhập thị trường và mở rộng thương hiệu quốc tế còn hạn chế...
Để khắc phục tình trạng này, hàng loạt giải pháp đã được Bộ đề ra. Đó là triển khai hiệu quả Nghị quyết 82/NQ-CP ngày 15.8.2023 và Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23.2.2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững. Triển khai hiệu quả Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045.
Xây dựng tiêu chí đánh giá, triển khai hệ thống xếp hạng về tăng trưởng xanh cho các điểm đến du lịch, các cơ sở kinh doanh du lịch ở Việt Nam. Phối hợp với các địa phương phát triển điểm đến đẳng cấp và đa trải nghiệm với các sản phẩm du lịch sáng tạo, đặc thù, có tính liên vùng. Xây dựng điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện, môi trường vệ sinh xanh, sạch, đẹp. Đổi mới nội dung, phương thức xúc tiến, quảng bá du lịch; chú trọng phát triển và khai thác phân khúc thị trường khách theo các sản phẩm chuyên đề mà nước ta có thế mạnh.
Hoàn thiện hệ sinh thái du lịch thông minh gắn với chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn. Nghiên cứu, đề xuất ban hành chính sách khuyến khích và tạo điều kiện cho các hãng hàng không trong nước và quốc tế mở các đường bay kết nối thị trường với các điểm du lịch truyền thống, trọng điểm. Thường xuyên tổ chức các cuộc gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp du lịch để lắng nghe, đồng hành, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc...
Như vậy có thể thấy, những nhiệm vụ, giải pháp kích cầu, phục hồi du lịch trong năm 2024 và những năm tiếp theo đã được Bộ nêu khá rõ ràng, cụ thể. Tuy nhiên, câu hỏi là triển khai thực hiện như thế nào, thời hạn ra sao để đạt hiệu quả cần được Bộ trưởng trả lời thấu đáo tại phiên chất vấn, từ đó mới có thể thực hiện được phương châm đã đề ra là “liên kết chặt chẽ - phối hợp nhịp nhàng - hợp tác sâu rộng - bao trùm toàn diện - hiệu quả bền vững”.