Mục tiêu và các công cụ chính của CAP
Chính sách của EU tập trung vào nhiều mục tiêu quan trọng nhằm bảo đảm sự ổn định và bền vững của ngành nông nghiệp. Chẳng hạn, CAP hướng đến việc bảo đảm thu nhập ổn định cho nông dân và tăng cường năng suất nông nghiệp, cũng như ổn định cung ứng lương thực với giá cả hợp lý. Nó cũng muốn nhấn mạnh vai trò quan trọng của nông dân EU trong sản xuất thực phẩm. Đặc biệt, CAP cam kết hỗ trợ nông dân trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên. Bên cạnh đó, việc duy trì sức sống của kinh tế nông thôn thông qua tạo việc làm và bảo tồn cảnh quan nông thôn cũng được coi là một trong những ưu tiên hàng đầu.
Theo nhiều nhà phân tích, CAP không chỉ là chính sách quản lý, mà còn là chiến lược linh hoạt, đáp ứng đa dạng các điều kiện quan trọng của từng quốc gia thành viên. CAP không ngừng được điều chỉnh để đối mặt với các thách thức mới và cung cấp các biện pháp hỗ trợ linh hoạt cho nông dân.
Chính sách này triển khai nhiều công cụ để đạt được mục tiêu đề ra. Trước hết, để bảo đảm thu nhập ổn định cho nông dân, CAP chi trả hỗ trợ thu nhập trực tiếp và hỗ trợ thông qua các dịch vụ công. Cách làm này phản ánh sự công bằng trong phân phối thu nhập, giúp giảm thiểu rủi ro thị trường. Trong khi đó, để ổn định thị trường nông sản, CAP triển khai các biện pháp nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của biến động thị trường đối với nông dân, trong đó có tình trạng giảm giá quá mức, và duy trì ổn định cung - cầu. Chính sách hướng tới việc giữ cho người nông dân ở lại nông thôn và không phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp. Các biện pháp đó bao gồm khuyến khích tạo việc làm trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm…
Ngoài ra, các chương trình phát triển tại cấp quốc gia và khu vực giúp giải quyết các thách thức đặt ra cho nông thôn, nông dân đồng thời thúc đẩy tính bền vững. CAP không chỉ tập trung vào nâng cao năng suất nông nghiệp mà còn vào việc phát triển nông thôn. Nó đặt mục tiêu bảo tồn các vùng nông thôn và giữ vững đa dạng văn hóa ở đây. Việc này không chỉ là vì nền kinh tế, mà còn vì sự đa dạng và giữ gìn giá trị văn hóa. Nhận thức về thách thức biến đổi khí hậu, CAP đã tích hợp chính sách hỗ trợ để giúp nông dân chống lại tác động của biến đổi khí hậu thông qua các biện pháp thích ứng và giảm lượng khí nhà kính. CAP cũng rất quan tâm đến an sinh xã hội và y tế của nông dân. Các chính sách bảo hiểm và hỗ trợ y tế được tích hợp để bảo vệ sức khỏe và đời sống của họ. Năm 2019, hỗ trợ của EU cho nông dân đạt gần 58 tỷ euro, tập trung vào các lĩnh vực như hỗ trợ thu nhập, biện pháp thị trường và phát triển nông thôn.
Mặc dù các ngành dịch vụ rất phát triển, song nông nghiệp vẫn đóng một vai trò quan trọng trong kinh tế EU. Năm 2020, nông nghiệp cung cấp việc làm cho khoảng 19 triệu người và chiếm 8,6% tổng số việc làm của khối. Mặc dù nông nghiệp EU đang giảm quy mô và lao động, CAP vẫn cho thấy sự hiệu quả của nó trong việc thích ứng với môi trường kinh tế và xã hội biến động. Việc điều chỉnh này diễn ra ở nhiều cấp độ, từ chính sách khu vực đến quốc gia, để bảo đảm rằng mọi biện pháp đều phản ánh đặc thù cụ thể của từng vùng.
Thách thức đang nổi lên
Mặc dù vậy, CAP đang phải đối mặt với thách thức lớn chưa từng có trong bối cảnh hiện tại, khi nhiều nông dân châu Âu cảm thấy quá nhiều yếu tố bất lợi đang xảy ra, dẫn đến cuộc khủng hoảng nông nghiệp khá nghiêm trọng tại lục địa già. Thực tế, cuộc khủng hoảng trên bắt đầu từ mùa Thu năm 2023 và trở nên ngày càng nghiêm trọng trong thời gian gần đây. Các cuộc biểu tình đã xảy ra ở rất nhiều nước như Pháp, Đức, Bỉ, Hà Lan, Slovakia, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Ba Lan, CH Czech, Italy, Romania… vì nhiều lý do. Các nông dân biểu tình cho rằng, họ đang phải đối mặt với các loại chi phí và thuế ngày càng tăng, nạn quan liêu, các quy định môi trường quá khắt khe cùng với sự cạnh tranh khốc liệt từ hàng nhập khẩu giá rẻ.
Sự suy thoái đó có thể thấy rõ qua việc nông nghiệp bị đẩy sang bên lề. Tỷ trọng của EU trong GDP toàn cầu đã giảm hơn 30% kể từ năm 1995, và tỷ trọng của nông nghiệp trong nền kinh tế cũng giảm tương tự. Sản xuất lương thực, thực phẩm chỉ chiếm 1,4% GDP của EU, ít hơn cả doanh thu từ dịch vụ kho bãi và vận chuyển của các công ty như Amazon. Nông nghiệp châu Âu không thích ứng được với thời hiện đại với thị trường đang dần bị các đối thủ toàn cầu vượt mặt.
Làn sóng phản đối của những người nông dân đã thu hút được sự chú ý của công chúng, buộc nhiều chính quyền phải đưa ra các biện pháp giải quyết. Chẳng hạn, kế hoạch tăng thuế đối với nhiên liệu do nông dân sử dụng đã bị đình chỉ ở Pháp và trì hoãn ở Đức. Một thỏa thuận thương mại giữa EU và Nam Mỹ sau hai thập niên đàm phán đã tạm bị đình chỉ. Những nhượng bộ đối với hàng hóa Ukraine, vốn khiến nông dân ở các nước láng giềng như Ba Lan và Romania đặc biệt tức giận, đã được điều chỉnh.
Ủy ban châu Âu (EC) cũng rút lại đề xuất về mục tiêu giảm sử dụng thuốc trừ sâu trong nông nghiệp vào năm 2030. Trong thông báo về các mục tiêu khí hậu đến năm 2040, EC tránh xác định mục tiêu cụ thể cho nông nghiệp. EC cũng xem xét lại một trong những quy định bị chỉ trích nhiều nhất, là việc áp đặt nghĩa vụ bỏ hoang 4% diện tích đất của mỗi người để khuyến khích phát triển đa dạng sinh học, theo hướng cho phép nông dân trồng các loại cây trồng có tác động môi trường thấp hơn trên phần đất lẽ ra vẫn chưa được canh tác…