Trong chiều nay, 7.11, Quốc hội đã bắt đầu chất vấn các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành đối với nhóm lĩnh vực văn hóa, xã hội (gồm các vấn đề liên quan đến lĩnh vực khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo; văn hóa, thể thao và du lịch; y tế; lao động, thương binh và xã hội; thông tin và truyền thông).
Phải có hướng khắc phục căn cơ bạo lực học đường
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, ĐBQH Vương Quốc Thắng (Quảng Nam) nêu rõ, trong Báo cáo số 508 của Chính phủ gửi đến các đại biểu Quốc hội đánh giá việc triển khai các nghị quyết của Quốc hội về lĩnh vực giáo dục và đào tạo, thì tại trang 54 có nêu “tình trạng bạo lực học đường diễn ra phức tạp”. Cho biết, đây là vấn đề gây lo lắng với cử tri, người dân, đại biểu đề nghị, Bộ trưởng cho biết những nguyên nhân nào gây ra tình trạng này và hướng khắc phục thật căn cơ của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong thời gian tới.
Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đưa ra số liệu: từ ngày 1.9.2021 đến 5.11.2023, cả nước xảy ra 699 vụ bạo lực học đường, liên quan đến 2.016 học sinh, trong đó có hơn 800 là học sinh nữ. Theo Bộ trưởng, diễn biến của bạo lực học đường hiện nay khá phức tạp, bình quân cứ khoảng 50 cơ sở giáo dục thì xảy ra một vụ lực học đường. Điều đáng lo ngại là số vụ bạo lực học đường có nhiều học sinh tham gia ở trong và ngoài trường học, hay số vụ bạo lực học đường có học sinh nữ tham gia cũng nhiều hơn. "Đây là một hiện tượng làm ngành giáo dục quan tâm, lo lắng, tìm mọi cách để cùng các cấp, các ngành xử lý”, Bộ trưởng nói.
Cho rằng bạo lực học đường xảy ra có nhiều nguyên nhân, song Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng nêu rõ, về phía trường học có nguyên nhân do trách nhiệm trong việc phát hiện và xử lý những tình huống dẫn đến bạo lực đang được giao cho giáo viên vốn đang kiêm nhiều nhiệm vụ và hiệu trưởng của trường học. Tuy nhiên, các hiệu trưởng và giáo viên trực tiếp phụ trách lớp học khi phát hiện những tình huống dẫn đến bạo lực học đường có phần còn lúng túng về kỹ năng xử lý. Một nguyên nhân khác là do chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid - 19 nên học sinh học trực tuyến lâu, dẫn đến có một số vấn đề về mặt tâm lý, cùng với đó là những vấn đề về tâm sinh lý của lứa tuổi đang trưởng thành…
Bộ trường Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng dẫn số liệu từ ngành Tòa án, khi hàng năm có 220.000 vụ ly hôn, trong đó có từ 70 - 80 % vụ ly hôn có lý do liên quan đến xung đột và bạo lực gia đình. Với tỷ lệ bạo lực gia đình như vậy, Bộ trưởng cho rằng, học sinh trong các gia đình có thể vừa là người chứng kiến bạo lực, vừa là đối tượng bị bạo lực, bị bỏ rơi.
Số liệu thống kê cũng cho thấy, có khá nhiều học sinh gây ra bạo lực học đường có bối cảnh gia đình bị bạo lực. Do đó, việc ngăn chặn giải quyết những vấn đề gia đình cũng là một yếu tố quan trọng để giúp ngăn chặn bạo lực học đường. “Những số liệu thống kê cho thấy, các ngành liên quan cần cùng hỗ trợ ngành giáo dục để giải quyết vấn đề lớn này”, Bộ trưởng đề nghị.
Nếu còn khúc mắc, Bộ sẽ hướng dẫn
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, ĐBQH Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương) cho biết, hiện nay Nghị định số 81/2021/NĐ-CP chưa quy định cơ chế thu, quản lý học phí đối với loại hình dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông cho đối tượng học sinh trung cấp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Do đó, việc triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn do chưa có cơ sở pháp lý để xác định mức thu học phí. Các trường nghề rất lúng túng, các địa phương cũng chưa biết áp dụng ra sao, học sinh học trường nghề ngoài công lập có được áp dụng không? Trên báo chí đã có bài viết “học sinh trường nghề mòn mỏi chờ hoàn học phí. Đại biểu đề nghị, Bộ trưởng cho biết giải pháp để giải quyết vấn đề này?
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, theo tinh thần Nghị định số 81 của Chính phủ, đối tượng các trường ngoài công lập và học sinh học nghề hoàn toàn được hưởng đầy đủ các chính sách miễn, giảm học phí như học sinh học nghề ở trong các cơ sở công lập.
Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, hiện nay một số địa phương đang có cách hiểu khác nhau, các trường nghề đang theo tinh thần Chỉ thị số 21 của Ban Bí thư cũng như Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội tại Kỳ họp thứ Năm. Theo đó, cho phép học sinh trung học cơ sở học song song, vừa học văn hóa, vừa học nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Bộ trưởng cam kết, sau Kỳ họp này, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra vấn đề này. Nếu còn có những vấn đề khúc mắc, Bộ sẽ hướng dẫn địa phương thực hiện.
Đưa ra việc Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa gặp gỡ, trao đổi với khoảng 1 triệu giáo viên và nhận được 6.000 câu hỏi, ĐBQH Lý Tiết Hạnh (Bình Định) đề nghị, Bộ trưởng cho biết những trăn trở, vướng mắc lớn nhất của đội ngũ giáo viên hiện nay? Đồng thời cho biết kế hoạch để giải quyết những vấn đề đó?
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, ngày 15.8 vừa qua, trước thềm năm học, Bộ trưởng đã tổ chức gặp gỡ, trao đổi trực tuyến với trên 1 triệu giáo viên, qua đó nhận được 6.300 câu hỏi, ý kiến đã được gửi đến. Tại cuộc gặp gỡ này, các nhà giáo, các cán bộ quản lý giáo dục đều bày tỏ sự đồng tình với sự đổi mới, xu hướng đổi mới giáo dục và đào tạo do Đảng, Quốc hội, Nhà nước và Chính phủ đang dẫn dắt đã có những chuyển biến tích cực. Bộ trưởng vui mừng cho biết, dù đây là một thách thức nhưng các nhà giáo, cán bộ quản lý đều nhận thấy đây là một vinh dự nên sẽ quyết tâm vượt qua.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cho biết, các nhà giáo cũng bày tỏ tâm tư khi đời sống và các điều kiện để thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông còn hạn chế; giáo viên trẻ mới vào nghề khó khăn do mức lương thấp; giáo viên vùng sâu, vùng xa có khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất, về nhà công vụ… “Giáo viên cũng mong muốn về phía xã hội, phụ huynh có thêm sự chia sẻ đối với nhiệm vụ rất lớn mà toàn bộ giáo viên đang làm”, Bộ trưởng cho biết.