Trong một báo cáo trước Quốc hội hôm 15.2, Ủy ban về Cơ hội Bình đẳng của Quốc hội Uganda cho biết số lượng người xin tị nạn ngày càng gia tăng từ các nước láng giềng đang tác động tiêu cực đến khả ănng cung cấp các dịch vụ xã hội như giáo dục và chăm sóc sức khỏe của nước này.
Báo cáo cho biết nguồn viện trợ cho Uganda bị cắt giảm cũng làm trầm trọng thêm tình trạng giáo viên bị mất việc và người tị nạn phải đối mặt với thiếu lương thực.
Ủy ban khuyến nghị với Quốc hội cần xem xét lại chính sách mở cửa của đất nước, quốc gia cho phép người tị nạn được nhập cư một cách tự do. Cơ quan này cũng khuyến nghị chính phủ nên phối hợp với các quốc gia và tổ chức quốc tế khác nhằm tái định cư người tị nạn sang các nước thứ ba.
Tuy nhiên, Phó chủ tịch Quốc hội Thomas Tayebwa cho rằng, rất khó để thay đổi chính sách nhập cư nhân đạo của Uganda hiện tại vì không thể ngăn cấm những người dân vô tội chạy trốn khỏi một cuộc xung đột và tìm kiếm nơi ở an toàn.
Về phần mình, phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng Robinah Nabanjja nói rằng, bất chấp một số thách thức mà đất nước đang phải đối mặt trong việc tiếp nhận người tị nạn, Uganda không thể đảo ngược chính sách hiện tại và từ chối người xin tị nạn. Bà Nabanjja nói: “Họ cầu cứu chúng ta cứu lấy mạng sống của họ vì chúng an toàn và yên bình”, đồng thời lưu ý rằng Uganda đã được quốc tế ca ngợi vì đã cho phép người tị nạn tìm kiếm sự nơi định cư an toàn ở nước này.
Bà cho biết tại một số hội nghị về người tị nạn toàn cầu, Uganda đã phải đối mặt với những thách thức trong việc tiếp nhận một số lượng lớn người tị nạn và nguồn viện trợ quốc tế cho cuộc khủng hoảng người tị nạn đã giảm sút do những thách thức toàn cầu khác. Tuy nhiên, bà khẳng định chính phủ sẽ sớm có giải pháp cho những thách thức mà chính phủ đang phải đối mặt trong việc liên quan đến dòng người tị nạn.
Kết thúc phiên họp, Phó Chủ tịch Tayebwa yêu cầu ủy ban xem xét lại báo cáo của mình và báo cáo lại với Quốc hội.
Theo Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn, Uganda là quốc gia tiếp nhận người tị nạn lớn nhất ở châu Phi và thứ ba trên thế giới, tiếp đón khoảng 1,6 triệu người tị nạn chủ yếu đến từ nước láng giềng Nam Sudan.