Mạch đập từ "trái tim" Hà Nội

Trong suốt những năm chống Mỹ, quân và dân Hà Nội luôn là điểm tựa, niềm tin, hậu phương vững chắc, hướng về miền Nam với tình cảm thân thương, tinh thần "tất cả vì miền Nam ruột thịt"…

Ý chí và niềm tin quyết thắng

Những hiện vật, tài liệu, hình ảnh, câu chuyện được kể tại tọa đàm, gặp mặt nhân chứng lịch sử “Hà Nội - Ý chí và niềm tin quyết thắng” sáng 9.4, tại Bảo tàng Hà Nội, dẫn người xem trở về, cảm nhận bầu không khí sục sôi cách đây hơn nửa thế kỷ. Thủ đô - trái tim của cả nước - được khắc họa trong kháng chiến trường kỳ là nơi hun đúc ý chí và quyết tâm chống Mỹ.

Giới thiệu Huy hiệu Chiến thắng 5 - 8 một cách đầy tự hào, bà Đặng Thị Ty, nguyên Trung đội trưởng Trung đội Dân quân đập Đáy, Đan Phượng, xúc động kể lại tháng ngày hòa vào phong trào kháng chiến. “Phong trào Ba đảm đang là quãng thời gian không thể nào quên của cuộc đời tôi. Tháng 2.1965, 12 chị em phụ nữ độ tuổi mười tám đôi mươi, trong đó có tôi được kết nạp Đảng, phân công làm nhiệm vụ trực chiến tại đập Đáy với khẩu súng 12 ly 7”.

t1.jpg
Ban tổ chức tặng hoa các nhân chứng tham gia chương trình tọa đàm, gặp mặt nhân chứng lịch sử “Hà Nội - Ý chí và niềm tin quyết thắng” sáng 9.4. Ảnh: TM

Lúc bấy giờ đập Đáy (đập Phùng) là công trình phân lũ sông Đáy, nhằm điều tiết nước cho thành phố Hà Nội, có ý nghĩa quan trọng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, đây trở thành mục tiêu bắn phá trọng điểm của đế quốc Mỹ với âm mưu phá hủy đập, gây úng lụt cho Hà Nội và các tỉnh lân cận, phá hoại sản xuất nông nghiệp để miền Bắc giảm sức chi viện cho tiền tuyến miền Nam. “Trung đội chúng tôi 4 phần là nữ, 1 phần là nam thôi nhưng đều chung ý chí quyết tâm, một lòng kiên quyết dù thế nào cũng phải bảo vệ đập, bảo vệ Hà Nội”, nữ dân quân năm nào khẳng khái.

Vừa giơ chiếc đèn báo hiệu - kỷ vật thời chiến năm xưa, bà Nguyễn Thị Sang vừa bồi hồi kể lại, năm 1968, khi đó bà mới 20 tuổi, được giao phụ trách những đoàn tàu quân sự chở bộ đội vào Nam tiếp viện cho Chiến dịch Mậu Thân và tiếp nhận thương binh từ chiến trường ra Bắc để điều trị. “Nhiệm vụ của người trưởng tàu thời bấy giờ là phụ trách chung cả đoàn. Tổ tàu Ba đảm đang toàn các đồng chí nữ, có 8 thành viên, phục vụ 13 - 15 toa. Mỗi người làm một nhiệm vụ và thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình máy bay địch. Khi có máy bay địch đánh phá, thành viên tổ tàu phải phát tín hiệu cho tàu dừng kịp thời”, bà Sang nhớ lại.

Hòa trong đoàn thanh niên vào Nam khi ấy có ông Nguyễn Tài Triệu, cựu tù Phú Quốc. Ông kể, năm 1965, sau sự kiện vịnh Bắc Bộ, Mỹ bắn phá miền Bắc, thanh niên Hà Nội phát động phong trào Ba sẵn sàng. Đêm xuống, từng đoàn thanh niên vừa chạy trên các con phố vừa hô khẩu hiệu ủng hộ phong trào Ba sẵn sàng. Khi ấy, ông Triệu mới 16 tuổi, vừa tốt nghiệp phổ thông cơ sở (lớp 9) viết đơn xung phong nhập ngũ. “Nhưng vì chưa đủ tuổi, đơn của tôi và nhiều bạn không được chấp nhận. Chúng tôi quyết định viết đơn bằng máu xung phong vào Nam chiến đấu. Ai cũng hiểu rằng lúc đó không phải phong trào nữa mà chính là lẽ sống của thanh niên. Đó là sự kiện hết sức bình thường trong thời điểm ấy để biểu hiện lòng yêu nước”.

“Mẹ ơi! Con đã sống rồi”

Cứ như thế, Hà Nội trở thành nơi hội tụ khát vọng thống nhất đất nước. Theo bà Nguyễn Thị Sang, có bao chuyến tàu quân sự chở toàn sinh viên của các trường đại học từ Hà Nội vào Nam. “Tất cả gác lại bút nghiên theo tiếng gọi của Bác Hồ, vì tiền tuyến thân yêu, vì đồng bào miền Nam ruột thịt. Không biết những gương mặt trẻ ấy có bao nhiêu người được trở lại Hà Nội, được về nhà…”.

“Không nao núng, một lòng góp sức cho chiến thắng là tinh thần chung thúc giục mỗi bước chân” - Đại tá, Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Đinh Thế Văn, người đã tham gia hai cuộc chiến Điện Biên Phủ năm 1954 và Điện Biên Phủ trên không năm 1972, nói. Trên cương vị Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 77, Trung đoàn 257, Sư đoàn 361 (Quân chủng Phòng không - Không quân), ông đã chỉ huy Tiểu đoàn lập công xuất sắc, là một trong những đơn vị bắn rơi nhiều máy bay B52 nhất, góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại trong cuộc chiến 12 ngày đêm tháng 12.1972.

“Với chiến dịch B52, đế quốc Mỹ tuyên bố sẽ đưa Hà Nội trở về thời kỳ đồ đá, bắt miền Nam phải đầu hàng với Hiệp định Paris. Khi ấy, cả thế giới lo sợ nhưng chúng tôi nhận vũ khí đánh máy bay địch lại rất hào hứng. Bầu không khí lúc bấy giờ là làm thế nào hoàn thành nhiệm vụ, thực hiện đúng theo lời Bác Hồ là phải đánh cho Mỹ thua. Anh em chúng tôi bảo nhau: Biết địch biết ta trăm trận trăm thắng, cái gì mình biết thì khó nhất cũng thành dễ. Cho nên cùng nhau phân tích tất cả điểm mạnh, điểm yếu của B52, tìm ra cách khoét sâu điểm yếu của nó. Và đúng vậy, bước vào trận đánh, cả đội cùng lạc quan: đánh B52 dễ hơn đánh F (máy bay tiêm kích), đánh B52 như giăng lưới bắt cá”, Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đinh Thế Văn hồi tưởng.

Bảo vệ Hà Nội, để Hà Nội trong tim, để dù trong bom đạn hay gian khó, vẫn giữ vững tinh thần lạc quan, đóng góp vào chiến thắng chung của dân tộc. Ông Lê Xuân Tường, từng phục vụ trong Trung đoàn 101, Sư đoàn 325, chia sẻ, năm 1971, ông bị thương và được đưa ra Bắc điều trị. Đến đầu năm 1972, khi đã bình phục hoàn toàn, ông liền trở lại chiến trường Quảng Trị. “Trước ngày quay trở vào miền Nam, mẹ tôi lên Hàng Da đặt mua cho tôi một túi cứu thương. Chiếc túi ấy theo tôi vào lại chiến trường, mang theo cả hình dáng mẹ, mang theo cả bầu trời Hà Nội. Để rồi, vào ngày nghe tin miền Nam hoàn toàn giải phóng, khi đang ở cùng các đồng chí trong Trung đoàn, tôi nghẹn ngào thốt lên: Mẹ ơi! Con đã sống rồi!”.

Những câu chuyện không chỉ gợi lại một thời khói lửa mà còn là minh chứng sống động cho tinh thần “chân trần, chí thép”, cho ý chí và lòng yêu nước của người Hà Nội cũng như của cả dân tộc Việt Nam. Như lời nhà thơ Lê Anh Xuân, từ nơi chiến trường xa đã “Chào Hà Nội, chào Thăng Long” bằng những vần thơ tràn đầy niềm lạc quan: Giặc khoét hố bom vào giữa niềm tin/ Nhưng giết sao được trái tim Hà Nội/ Trong lồng ngực chúng tôi đang đập vội...

Văn hóa - Thể thao

Xuất bản cuốn sách "Nam Bộ là thành đồng của Tổ quốc" của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Chính trị

Xuất bản cuốn sách "Nam Bộ là thành đồng của Tổ quốc" của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025), 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890-19.5.2025), 80 năm Ngày Nam Bộ kháng chiến (23.9.1945-23.9.2025), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách "Nam Bộ là thành đồng của Tổ quốc" của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ninh Bình là địa phương tích cực phát triển du lịch xanh, bền vững
Du lịch - Thể thao

Nâng tầm du lịch xanh

“Chuyển đổi xanh trong du lịch không còn là lựa chọn, mà là yêu cầu bắt buộc nếu chúng ta muốn phát triển lâu dài, có trách nhiệm và bền vững”. Đây là khẳng định của ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, tại Diễn đàn “Phát triển điểm đến xanh - Nâng tầm du lịch Việt Nam”, diễn ra ngày 11.4 trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM Hà Nội 2025.

Vẹn nguyên ký ức chiến trường
Văn hóa - Thể thao

Vẹn nguyên ký ức chiến trường

Nửa thế kỷ đã trôi qua từ ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông liền một dải, dấu ấn về cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc không chỉ được khắc ghi trong những trang sử vàng son, mà còn được lưu giữ qua những họa phẩm giàu cảm xúc.

Nghệ thuật trang trí cửa võng trong nội thất đình làng
Văn hóa - Thể thao

Nghệ thuật trang trí cửa võng trong nội thất đình làng

Theo nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng, "Nghệ thuật trang trí cửa võng trong nội thất đình làng" của PGS.TS Trần Thị Biển là một công trình chuyên sâu bên cạnh những nghiên cứu về điêu khắc đình làng đã được khai thác và công bố hơn 50 năm qua, nhưng tập hợp nghiên cứu về cửa võng có lẽ đây là lần đầu tiên...

Hội nghị quảng bá, xúc tiến du lịch và giới thiệu chương trình ưu đãi thu hút khách du lịch đến Quảng Nam năm 2025 sáng 10.4 tại Hà Nội
Văn hóa - Thể thao

Quảng Nam - Miền xanh di sản

Chương trình ưu đãi thu hút khách du lịch đến Quảng Nam năm 2025 với chủ đề “Quảng Nam - Miền xanh di sản”, với hai giai đoạn: “Quảng Nam - Cảm xúc mùa hè” từ tháng 4 - 8 và “Mùa vàng xứ Quảng” từ tháng 9 - 11.

Hội thảo khoa học quốc gia kỷ niệm 50 năm Thống nhất đất nước diễn ra ngày 20.4
Văn hóa - Thể thao

Hội thảo khoa học quốc gia kỷ niệm 50 năm Thống nhất đất nước diễn ra ngày 20.4

Sáng 10.4, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Thành ủy TP Hồ Chí Minh tổ chức họp báo giới thiệu Hội thảo khoa học cấp quốc gia kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025).