Thiếu tinh thần phản biện đầy đủ
Tại hội thảo “Thực trạng và giải pháp của lý luận, phê bình sân khấu hôm nay", Ủy viên Ban Lý luận - Phê bình, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, PGS.TS Trần Trí Trắc nêu thực tế, lý luận, phê bình sân khấu là ngành “mang tính phong trào, tự do, cảm hứng, có cũng tốt, không có cũng chẳng sao”. Những ai đã được gọi là nhà lý luận, phê bình cũng nhận thấy chưa xứng đáng với danh xưng đó. Vì họ chưa bao giờ coi phê bình sân khấu là nghề nghiệp sống còn của mình.
Đạo diễn, NSƯT Trịnh Quang Khanh, nguyên Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Nam Định, cũng cho rằng ngành này đang bộc lộ nhiều điểm yếu và thiếu. Biểu hiện của yếu và thiếu đó là, những đêm diễn của sân khấu chuyên nghiệp ngày càng thưa thớt khán giả. Đa phần vở diễn là “chuyện cũ tích xưa”, thiếu vắng các vở diễn phản ánh cuộc sống đương đại (đề tài hiện đại).
Một phần nguyên nhân là do đội ngũ người làm công tác lý luận, phê bình hiện nay rất mỏng, mỏng từ khâu đào tạo cho đến hoạt động thực tiễn. Các đơn vị nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp từ Bắc tới Nam, từ Trung ương tới địa phương, đều không có cán bộ chuyên làm công tác lý luận, phê bình…
Nguyên Chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội, NSND Bùi Thanh Trầm nhận xét, người viết phê bình văn học, nghệ thuật thiếu tinh thần phản biện đầy đủ là nguyên nhân của sự “yếu và thiếu”, sự trầm lắng của phê bình văn học, nghệ thuật ở nước ta hiện nay. Bởi nếu thiếu tinh thần phản biện thì không thể “phê” cho hợp tình hợp lý, “bình” cho đến nơi đến chốn; không thể chỉ ra cái hay, cái dở, cái đúng, cái sai của tác phẩm một cách thuyết phục. Và như thế thì không thể làm tròn trách nhiệm định hướng sáng tác cho văn nghệ sĩ, định hướng thẩm mĩ cho công chúng tiếp nhận tác phẩm văn học, nghệ thuật.
Phải rành lý luận, hiểu tác phẩm
Theo tác giả - đạo diễn Hoàng Thanh Du, lý luận trong văn học nghệ thuật hiện đại chính là để tìm cách "chữa trị" chứng tật của nó. Với sân khấu, lý luận, phê bình có vẻ đang chìm dần bởi bệnh đã trầm kha nhưng không phải không thể chữa trị. "Theo tôi, có hai cách chữa, đó là mở rộng, tiếp thu và vận dụng có sáng tạo các hệ hình lý luận, phê bình; tăng cường tính đối thoại, bình đẳng, tranh luận trong hoạt động của nghệ thuật sân khấu".
Để lý luận, phê bình sân khấu phát triển và hòa nhập với xu hướng chung của văn học nghệ thuật thì hơn ai hết các nhà lý luận, phê bình cần tiếp thu có sáng tạo thành tựu của các hệ hình phê bình trên thế giới như: phê bình thi pháp học, phê bình phân tâm học, phê bình cấu trúc học, phê bình bản thể luận, phê bình ký hiệu học, phê bình hậu hiện đại...
Nếu người viết lý luận, phê bình sân khấu nghèo nàn trong sự hiểu biết về các hệ hình và chỉ vận dụng một hệ hình lý luận, phê bình để đánh giá các tác phẩm sẽ dẫn đến tình trạng lý luận, phê bình sân khấu trở nên lạc hậu và độc tôn, không khám phá được những giá trị sáng tạo mới lạ tìm tòi của các vở diễn.
"Điều này chẳng khác gì một người chỉ có trong tay duy nhất chiếc chìa khóa nên không thể mở được nhiều cánh cửa vào những căn phòng bí ẩn khác nhau…", ông Du cho hay.
NSND Bùi Thanh Trầm nhấn mạnh, cán bộ quản lý phải thấy rõ tầm quan trọng của lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật giá trị, chất lượng để có khả năng tổ chức hoạt động cuốn hút công chúng, dẫn dắt để họ phát huy năng lực và có tác động tới sáng tác. Đó là cách triển khai nhiệm vụ chính trị hiệu quả nhất.
Nhà viết kịch Lê Quý Hiền đề xuất, các đơn vị sân khấu, các hội đồng nghệ thuật cần có những nhà hoạt động sân khấu rành về lý luận, phê bình; có trình độ, hiểu biết những vấn đề cơ bản của tác phẩm dưới góc độ khoa học và thực tiễn. Điều cần thiết nhất của lý luận, phê bình sân khấu là giúp êkip sáng tạo bảo đảm được tính thống nhất, nhấn được thông điệp của tác phẩm...
"Sân khấu cũng cần sự thống nhất về thể tài, tính lôgic của sự phát triển hành động kịch chứ không thể là những trò mua vui cho khán giả tiêu bữa cơm chiều dẫu rằng không thể bỏ qua yếu tố giải trí" - ông Hiền khẳng định.